Dùng phân bón bừa bãi gây ảnh hưởng nguồn nước

Dùng phân bón bừa bãi gây ảnh hưởng nguồn nước
Theo ông Nguyễn Thái Lai, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, việc sử dụng nước và phân bón không hợp lý, quá mức cần thiết không những lãng phí tiền của người dân mà còn tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất.
Dùng phân bón bừa bãi gây ảnh hưởng nguồn nước ảnh 1

Sử dụng nước và phân bón không hợp lý tạo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất. Ảnh : PV

Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện Dự án "Quản lý sử dụng nước ngầm ở Tây Nguyên", Cục Quản lý tài nguyên nước cảnh báo: Ngoài việc lãng phí trong sử dụng nước tưới cho sản xuất, các hộ dân ở Đắk Lắk đang sử dụng lượng phân bón cho cà phê lớn hơn rất nhiều so với lượng phân bón tối đa quy định.

Nguyên do là lượng phân bón nhiều, cây không hấp thụ hết bị ngấm xuống các tầng chứa nước phía dưới, ảnh hưởng đến chất lượng nước dưới đất. Mặc dù người dân nơi đây luôn nghĩ tưới nhiều nước, bón nhiều phân, cây sẽ cho sản lượng cao, nhưng thực tế hoàn toàn sai lầm.

Nghiên cứu cho thấy, các hộ dân đang sử dụng lượng phân bón trung bình cho từng cây là 0,19 kg lân; 0,41 kg kali và 0,44 kg đạm; trong khi đó, lượng phân bón cho từng cây nên áp dụng theo các mức 0,09 kg lân; 0,27 kg kali và 0,25 kg đạm có thể thu được sản lượng tối đa.

Cùng với nghiên cứu trên, Cục Quản lý tài nguyên nước khẳng định, việc sử dụng thêm nước cho sản xuất lúa có tạo ra giá trị kinh tế nhưng rất thấp. Theo tính toán, nếu người dân chi trả hơn 50 đồng cho 1m3 nước, thì việc trồng lúa nước vào mùa khô ở Đắk Lắk sẽ không đem lại lợi nhuận.

Để thực hiện có hiệu quả tiết kiệm nước trong việc trồng lúa ở Tây Nguyên, Dự án khuyến cáo các hộ dân nên áp dụng biện pháp tưới "ngập - không ngập" nhằm thu lợi nhuận nhiều hơn việc canh tác ngập thường xuyên như hiện nay.

Với tài nguyên quý hiếm được thiên nhiên ban tặng là vùng đất đỏ bazan, Tây Nguyên có đủ mọi yếu tố thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng đặc sản nhiệt đới có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, hồ tiêu...

Song vùng đất đỏ này cần thiết phải có sự hỗ trợ của tài nguyên nước với nhiều giải pháp thiết thực gồm tiết kiệm nước, giữ nước, giữ ẩm. Nếu không thực hiện đồng bộ các giải pháp này, chắc chắn Tây Nguyên phải chấp nhận tình trạng thoái hóa đất hoặc hoang mạc hóa trong tương lai không xa.

Theo Hoàng Hải
TTXVN

MỚI - NÓNG