Gạo nhân điện - bước đột phá hay chuyện hoang đường?

Gạo nhân điện - bước đột phá hay chuyện hoang đường?
Các nhà nhân điện mỗi tuần "nhìn" ruộng lúa vài ba lần, mỗi lần từ 30 giây đến 1 phút để "truyền năng lượng" cho cây lúa... không dùng phân hay thuốc hoá học, thế mà gạo lại có độ chất lượng cao...
Gạo nhân điện - bước đột phá hay chuyện hoang đường? ảnh 1
PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm (phải) tại ruộng lúa nhân điện. Ảnh: Đức Tiến

Đó là đề tài khoa học cấp cơ sở của PGS.TS Đoàn Thị Băng Tâm và GS.TS khoa học Lê Xuân Tú  - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN - mang tên "Nghiên cứu tác động năng lượng sinh học đối với cây lúa".

Chỉ cần "nhìn" ruộng lúa

PGS.TS Đoàn Thị Băng Tâm cho biết: "Gạo nhân điện sản xuất đến đâu bán hết đến đấy!".

Các tác giả đề tài đã mời một số nhà khoa học liên kết với Doanh nghiệp Khoa học sản xuất dịch vụ Đức Tiến, và lần đầu tiên gạo sạch được giới thiệu tại chợ công nghệ và thiết bị Bắc Trung Bộ (tổ chức ở Nghệ An) giữa tháng 5/2005. Tại đây, gạo được bán đến 10.000 đồng/kg mà "cháy" hàng, cung không đủ cầu.

Phương thức canh tác lúa "nhân điện" như thế nào? Người ta chỉ thấy các nhà nhân điện mỗi tuần về "nhìn" ruộng lúa vài ba lần, mỗi lần "nhìn" từ 30 giây đến 1 phút để "truyền năng lượng" cho cây lúa chứ không hề sử dụng phân, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học.

Lúc đầu (năm 2003 - 2004), đề tài chỉ nghiên cứu tác động năng lượng trên 2 giống lúa Bắc Thơm 7 và Khang Dân 18, nhưng đến nay các nhà khoa học khẳng định giống lúa nào cũng có thể trồng được bằng phương pháp này.

Ưu điểm của gạo nhân điện

PGS.TS Đoàn Thị Băng Tâm cho biết: "Tâm nguyện của các nhà khoa học trồng lúa nhân điện là muốn dùng tác động của nhân điện để cải tạo môi trường môi sinh, không chỉ làm ra lương thực mà cả thực phẩm sạch. Vì lẽ đó, chúng tôi sẽ xây dựng làng phát triển về mọi mặt tại thôn Đan Thầm (Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Tây). Ở đây, không chỉ có cây lúa được trồng bằng nhân điện mà sẽ phát triển đồng bộ, từ ngan, lợn đến tôm, cá...".

Hiện bà đang cùng các nhà nhân điện đi tiến hành thí điểm từ Bắc vào Nam. Vừa là để thử nghiệm tác động của nhân điện đối với các giống lúa ở các vùng đất khác nhau vừa để tất cả các nhà nhân điện ở các vùng miền đều tham gia làm lúa nhân điện.

Theo bà, nếu được phép của Chính phủ, lúa nhân điện có thể trồng trên diện rộng, với điều kiện chuẩn bị tốt 3 yếu tố: đất, con người, giống và nơi nào cũng phải luyện trong 3 vụ liên tiếp.

Từ các mùa lúa thí điểm ở Bắc Ninh, Hà Tây, Bắc Giang, Trà Vinh... các tác giả đề tài đã gửi mẫu đất sau 3 vụ lúa đến Viện Nông hóa thổ nhưỡng. Theo các tác giả, kết quả phân tích cho thấy độ phì nhiêu của đất và các chỉ tiêu dung tích hấp thu không hề giảm đi. Năng suất lúa vụ sau cao hơn vụ trước, từ vụ lúa thứ ba trở đi năng suất ổn định hơn, nhưng chất đất không bị nghèo.

Theo TSKH Đinh Luyện: "Gạo nhân điện có độ trắng cao, độ bóng tốt, chất lượng cơm nấu thơm ngon, độ dính vừa phải". Bên cạnh đó có một số đặc điểm đáng chú ý như cơm nấu từ gạo nhân điện để lâu thiu, lúa nhân điện ít bị chuột phá, màu sắc sáng hơn do không bị bọ xít, cân thử 1.000 hạt lúa nhân điện thấy nặng hơn lúa thường, do vậy tỷ lệ gạo nhân điện sau xay xát cao hơn lúa thường. 

Ý kiến các nhà khoa học

Cây lúa lấy dinh dưỡng từ đâu? "Căn cứ vào định luật bảo toàn vật chất thì nếu trồng lúa theo kiểu nhân điện sinh học này cây lúa sẽ lấy dinh dưỡng từ đâu? Theo một số tài liệu nghiên cứu, để tạo ra 5 tấn hạt lúa, cần phải bón 65 kg N nguyên chất/ha, 20 kg B205/ha, 75 kg K20/ha và nhiều chất khác... Vậy nếu chỉ "nhìn" lúa thì lấy dinh dưỡng ở đâu để bù vào?

Tôi chưa hiểu cơ chế này như thế nào. Đứng về mặt sinh học cũng nên xem lại. Tuy nhiên, trường hợp này có thể đúng nếu ruộng đó đã có dinh dưỡng dư thừa từ các vụ trước, đất vẫn còn tốt. Nhưng một vụ thì được, nếu cứ liên tiếp nhiều vụ làm theo kiểu này thì như thế nào? Nước, không khí, chất dinh dưỡng trong đất không phải là vĩnh hằng" - PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Trưởng bộ môn Khoa học đất và phân bón, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM

Bao nhiêu người phóng điện cho xuể? "Theo tôi thì việc trồng lúa bằng nhân điện là không khả thi, vì cây trồng nào cũng cần có dinh dưỡng và ánh sáng. Việc dùng nhân điện phóng vào cây lúa và cây hấp thu tạo thành chất dinh dưỡng cho năng suất cao nếu có xảy ra thì cũng chỉ do một số ít người nào đó thôi. Đâu phải ai cũng có được khả năng phóng điện như vậy và đồng lúa thì mênh mông, bao nhiêu người phóng điện cho xuể?

Hiện nay chúng tôi cũng đang triển khai trồng thử nghiệm lúa an toàn trên diện tích 50 ha ở Gò Công Tây tỉnh Tiền Giang. Nói là lúa an toàn, nhưng cũng chỉ không dùng thuốc trừ sâu, còn lại vẫn phải dùng phân hữu cơ và một ít phân hóa học.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa theo hàng, chọn giống thật kỹ, bón phân cân đối nên đồng lúa có khả năng đề kháng tốt, năng suất cao từ 6 - 7 tấn/ha và đã làm đến vụ thứ ba" - TS Phạm Sĩ Tân, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL

Chưa thể kết luận điều gì. "Viện chúng tôi cũng đang trồng thử nghiệm theo phương pháp này được hơn 1 tháng rưỡi nay, nhưng vẫn chưa thể kết luận điều gì. Tuy nhiên, nếu phương pháp trồng lúa bằng nhân điện thành công thì mở ra một hướng đi mới cho nông dân.

Vì với phương pháp này nông dân không cần bón phân xịt thuốc, như vậy đỡ tốn chi phí, chất lượng gạo gần với thiên nhiên và giảm đáng kể việc ô nhiễm môi trường, đến sức khỏe nông dân và cộng đồng.

Với phương pháp này chúng tôi cũng có một người đi truyền điện. Tuy nhiên, đây còn là vấn đề cần được các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá nghiêm túc trước khi trình làng" - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Viện Nghiên cứu và phát triển hệ thống canh tác Đại học Cần Thơ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

 Lại Xuân Thuỷ - Ts Kinh tế, Đại học Huế; Email: hephue@dng.vnn.vn

Theo tôi được biết, nhân điện hiện nay đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, khắp 5 châu, trên 70 nước và khoảng trên 3 triệu người đang thực hành. Nhân điện như một ngành y khoa bổ sung đang được giảng dạy chính thức tại Khoa Nhân điện (Viện Đại học Quốc tế Y học bổ sung tại Colombo, Srilanca) và được chính thức phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Thái Lan có những bệnh viện trị bệnh miễn phí bằng nhân điện. Nhân điện không chỉ giúp điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh nan y, mà còn giúp phát triển nông nghiệp và môi sinh. Việc trồng lúa, hoa màu và cây trái bằng nhân điện đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và đã có những kết quả đáng khích lệ.

Tại Thái Lan, việc trồng lúa và cây trái nhân điện đã được áp dụng từ khá lâu và có nhiều thành công. Gần đây, các nhà khoa học và nông dân Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm nhân điện trên lúa, tôm, cá và một số rau màu, vật nuôi khác.

Một số đề tài nghiên cứu đã thành công và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để trả lời câu hỏi "chất dinh dưỡng lấy từ đâu", chắc chắn không phải dễ dàng, và đây là nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể có những giả thuyết khoa học về vấn đề này như sau. Khi một học viên nhân điện dùng mắt "nhìn" vào ruộng lúa thì họ đã "truyền" đi một "dòng nhân điện" mà họ vừa "thu nhận" được từ không trung.

Nhân điện được hiểu là một dạng "năng lượng vũ trụ" luôn có sẵn trong không trung. Khi những gen đặc biệt của con người (bình thường ở trạng thái "ngủ") được kích hoạt thì những khả năng đặc biệt của con người được phát huy và sự thu nhận và truyền năng lượng sẽ thực hiện được.

Một khi nhân điện được truyền vào ruộng lúa thì tạo ra 2 tác động tương hỗ với nhau: Tác động trực tiếp: Làm hoạt hoá các gen đặc biệt của cây lúa, kích thích và phát huy những tiềm năng sinh học của cây trồng, tăng năng lực và hiệu suất quang hợp, tăng sức đề kháng, tăng hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng...

Tác động gián tiếp: Kích thích sự tăng trưởng và phát triển của các loài vi sinh vật đất và nước có lợi cho cây trồng, làm giàu môi trường sinh dưỡng cho cây, tăng khả năng hấp phụ của cây trồng... Ngoài ra, việc hạn chế sử dụng các chất hoá học làm giảm dư lượng hoá chất trong cây trồng, vốn là thức ăn ưa thích của rất nhiều các loài sâu bệnh hại như rệp, rầy, chuột bọ, ..., dẫn đến sự giảm thiểu các bệnh hại này, đồng thời làm tăng chất lượng sản phẩm.

Trên đây là một số ý kiến chủ quan của cá nhân với mong muốn các nhà khoa học, các nhà chuyên môn có những nghiên cứu một cách nghiêm túc vì sự phát triển chung của khoa học, vì quyền lợi của nông dân và của mọi người.

MỚI - NÓNG