Gia công phần mềm: Đừng coi giá rẻ là lợi thế

Gia công phần mềm: Đừng coi giá rẻ là lợi thế
Việt Nam vừa được công bố là nằm trong tốp các quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm (GCPM). Mới đây nhất, VN cũng nằm trong số các quốc gia có giá GCPM rẻ nhất. Nhưng, chỉ số cạnh tranh CNTT của VN vẫn dậm chân tại chỗ.
Gia công phần mềm: Đừng coi giá rẻ là lợi thế ảnh 1
Nhân lực giá rẻ không hẳn đã là lợi thế (Ảnh minh họa).

Liệu ngành GCPM của VN lặp lại sai lầm của ngành dệt may khi cứ coi "giá rẻ" là lợi thế, trong khi chất lượng và giá trị kinh tế lại không được nhiều.

Nghe và ngẫm

Lâu nay, VN đã quen được nghe những lời nói, đánh giá và xếp loại "khách sáo" rằng VN có dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào và đặc biệt là sự chăm chỉ, cần cù, lao động giá rẻ... Những điều trên chỉ đúng... 1 nửa. Bởi dù trẻ và dồi dào nhưng nguồn lao động này chỉ có sức mà thiếu kỹ năng, kiến thức; và dù chăm chỉ cần cù nhưng thiếu tính sáng tạo đột phá trong công việc và nghề nghiệp.

Sau khi trở thành điểm GCPM hấp dẫn, VN tiếp tục được hãng nghiên cứu thị trường Gartner vừa công bố nằm trong tốp 10 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có giá nhân công rẻ.

Theo các chuyên gia, ngành GCPM của VN chỉ nên coi đây là những giá trị mang tính tiềm năng. Bởi trên thực tế, sự hấp dẫn và giá rẻ này không thể biến thành giá trị kinh tế cao nếu như không có tính hiệu quả và chất lượng.

Theo báo cáo của Gartner, những tiêu chí đánh giá gồm kỹ năng ngoại ngữ, hỗ trợ của Chính phủ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục, chi phí... và sắp xếp theo mức yếu, trung bình, tốt, rất tốt và tuyệt vời.

Từ đây, điều đáng lo ngại là ngoài yếu tố giá rẻ được coi là thế mạnh; còn lại đa số những tiêu chí khác của VN nằm ở mức trung bình. Thậm chí đáng lo ngại hơn thế là VN có 4 tiêu chí bị đánh giá yếu gồm kỹ năng ngoại ngữ, sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng, an ninh và bảo vệ quyền riêng tư.

Những đánh giá này khá đồng nhất với BSA và The Brown-Wilson Group khi cho rằng VN còn quá yếu về nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực và an ninh cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Gia công phần mềm: Đừng coi giá rẻ là lợi thế ảnh 2
Bảng xếp loại của Gartner.

Có cần xem lại chiến lược phát triển?

Năm 2008 ngành phần mềm VN chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 20%. Mức tăng trưởng này mang lại tổng doanh thu trên 500 triệu USD, theo một công bố mới nhất của Hiệp hội DN phần mềm VN (Vinasa).

Đây là con số đáng thất vọng bởi nó đã giảm gần một nửa so với năm 2007; thấp hơn mức tăng 25% so với dự báo đầu năm.

Đặc biệt nó thấp hơn nhiều so với mục tiêu 35 - 40% được đề ra trong Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm đến năm 2010 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thất bại này bởi dường như VN chưa hề có những cải thiện đáng kể và đột phá cho vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT, trong đó có việc xác định nguồn nhân lực cho GCPM.

Theo đánh giá của BSA, cứ 10 sinh viên ra trường thì may ra mới có 1 sinh viên có thể đạt trình độ đáp ứng yêu cầu công việc. Chỉ với những khả năng này, nhân lực của VN thường bị xếp hạng ở tầm thấp.

Gốc gác của yếu kém này là từ hệ thống đào tạo. Thế nhưng điều đáng lo ngại là cho đến tận bây giờ VN vẫn chưa có chiến lược cải thiện hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu này.

Vì thế, ngay cả khi nhân lực CNTT của VN có kỹ năng chuyên môn tốt thì lại vẫn là hàng "giá rẻ" vì yếu kém kỹ năng mềm như ngoại ngữ, khả năng thuyết trình... Đặc biệt, ngay cả yếu tố mang tính nòng cốt là nghiên cứu và phát triển thì VN cũng vẫn bỏ ngỏ. BSA chỉ rõ là trong suốt thời gian dài vừa qua, VN hầu như không có bằng sáng chế trong lĩnh vực CNTT.

Đến đây mới thấy có lẽ ngành phần mềm VN cần hoạch định lại chiến lược phát triển theo hướng vừa sát thực tế, vừa có lộ trình dần nâng tầm sức mạnh cạnh tranh cả về nhân lực lẫn chất lượng và hiệu quả. Bởi nếu không, lĩnh vực công nghệ cao này lại lặp lại sai lầm của ngành dệt may khi mà chỉ có thể đổ sức lao động giá rẻ để gia công, làm thuê; trong khi giá trị kinh tế lại quá thấp.

Theo Phạm Anh
Lao động

MỚI - NÓNG