Giá rét bất thường - hệ lụy ấm nóng toàn cầu

Giá rét bất thường - hệ lụy ấm nóng toàn cầu
TP - Ấm nóng toàn cầu có thể gây ra các đợt rét đậm, rét hại hơn, theo ông Lê Nguyên Tường (Trưởng phòng Khoa học Đào tạo&Hợp tác Quốc tế, Viện Khí tượng Thuỷ văn&Môi trường Trung ương), nghịch lý đó là có thật.

Từ thông tin bất ngờ của một nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), trước Tết Nguyên đán, 12 nhà báo môi trường thu xếp một chuyến khảo sát lên Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên.

Tại nơi được coi là cái rốn rét buốt này của cả nước, TS Trần Duy Bình, chủ tịch hội đồng trung tâm của một đơn vị nghiên cứu thuộc VUSTA, cho biết các nhà khoa học bước đầu nhận thấy sự xuất hiện của một số loài sinh vật lạ và đây có thể là hệ quả của tác động biến đổi khí hậu, hiện tượng bị gây bởi ấm nóng toàn cầu.

Cây leo núi

Trong giá lạnh 7 độ C vào một sáng thượng tuần tháng 1/2008 ở thị trấn Sapa (Lào Cai), ông Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Lào Cai, cho biết ông thực tình chưa biết thông tin xuất hiện sinh vật lạ từ TS Bình.

Tuy nhiên ông khẳng định địa phương ghi nhận được nhiều hiện tượng lạ mà một trong số đó là sự dịch chuyển các vành đai nhiệt lên cao (xem giải thích ở box I), trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ trải dài qua nhiều tỉnh và VQG Hoàng Liên, mà một nửa diện tích của nó nằm trên địa phận Lào Cai.

Tiếp chúng tôi tại Bảo tàng Đa dạng Sinh học của VQG Hoàng Liên buổi chiều sương mù dày đặc, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên, phụ trách nghiên cứu khoa học, cho biết các ông đã có bằng chứng về sự dịch chuyển vành đai nhiệt lên cao trong khuôn viên một trong những vườn quốc gia lớn nhất và phong phú nhất Việt Nam.

Về hiện tượng dịch chuyển vành đai nhiệt lên cao: Thông thường, nhiệt độ vùng không gian gần bề mặt trái đất phân bố theo hướng, càng lên cao, nhiệt độ càng giảm; cứ lên cao 100 m, theo các nhà khoa học, nhiệt độ giảm gần một độ C.

Theo điều tra từ năm 2003 ở VQG Hoàng Liên, có hiện tượng dịch chuyển lên phía trên cao của các loài thực vật chỉ thị.

Chẳng hạn, ở độ cao 2.200-2.400 m, trước đây có thực vật chỉ thị là cây thông Vân Sam Hoàng Liên, loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Thế giới, cuốn sách ghi danh các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.

Sinh vật chỉ thị hiểu nôm na là loại sinh vật đặc trưng cho một vùng sinh thái với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhiệt độ nhất định. Nay, các nhà khoa học thấy chúng có mặt cả ở độ cao 2.400 – 2.700 m.

Điều đó có nghĩa là nền nhiệt độ ở độ cao 2.400 -2.700 m ở Hoàng Liên Sơn giờ đã tăng lên bằng nền nhiệt độ ở độ cao 2.200 – 2.400m trước đây.

Một số loài cây đặc hữu khác, tức chỉ có ở Hoàng Liên Sơn, như Thích Fanxipan, Thích Sapa, v.v…, cũng có hiện tượng tương tự. Vốn chỉ sinh trưởng ở độ cao dưới 1.700m, nay các nhà khoa học thấy chúng cũng đang leo núi, dịch chuyển dần lên vị trí cao hơn trước đây.

Rét nhiều

Giá rét bất thường - hệ lụy ấm nóng toàn cầu ảnh 1
Khách ngoại quốc đến Sapa chỉ để tìm rét

Được hỏi về đánh giá ban đầu về diễn biến thời tiết mùa đông năm nay, ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Lào Cai, nhận định miền Bắc nước ta đang trải qua một mùa đông bất thường.

Một trong những bất thường đáng chú ý nhất là đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông hiện nay đến muộn hơn các năm trước. “Thông thường, rét đậm xảy ra vào 11 ngày cuối tháng 12”, ông Hải nói.

“Năm nay rét đậm về muộn hơn”. Trong khi đó, tháng 11-12 năm 2007, theo Viện Khí tượng&Thuỷ văn Trung ương (IMH), lại là những tháng nóng hơn trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình ba tháng cuối năm 2007 “vượt chuẩn 0 – 1 độ C trên hầu khắp diện tích nước ta”, báo cáo của IMH ngày 31/1/2008 cho biết.

Tháng 12 năm ngoái, “nhiệt độ trung bình vượt chuẩn trên toàn bộ lãnh thổ với chuẩn sai chủ yếu (tức là vượt giá trị trung bình) từ 0,5 – 3 độ C. Riêng khu vực phía Bắc, tính từ Quảng Trị trở ra, nhiệt độ trung bình có chuẩn sai rất cao, từ 2 – 3 độ C”.

Nhiệt độ tối cao trung bình cả nước tháng cuối cùng năm 2007 có lúc lên đến 33 độ C, vẫn theo IMH. Tại Đồng Phú, Bình Phước, ngày 14/12/2007, nhiệt độ tối cao tuyệt đối lên đến 35,5 độ C.

Từ cực đoan nắng nóng bất thường ba tháng cuối năm, thời tiết chuyển sang lạnh bất thường mấy tháng đầu năm. Từ đầu năm mới dương lịch, số đợt rét đậm, rét hại đột nhiên xuất hiện nhiều và kéo dài hơn so với trước.

Tính đến ngày 30/1/2008, miền Bắc gánh chịu bốn đợt rét đậm, rét hại liên tiếp. Và chỉ tính riêng từ ngày Tết Ông Táo đến hết Tết Nguyên đán, có thêm ba đợt gió mùa đông bắc mạnh bổ sung.

Tại Lào Cai, vẫn theo ông Hải, xuất hiện hai đợt băng giá và sương muối muộn. Đợt đầu xảy ra ngày 1/12/2007 với cường độ nhẹ. Đợt hai kéo dài ba ngày, từ ngày mùng 3 đến mùng 5/1/2008, với cường độ từ trung bình đến nặng.

Đợt giá rét này làm cho 20 con trâu bò tại xã Ý Tý, huyện Bát Xát, chết, hiện tượng lâu lắm mới xảy ra ở đây. Một số diện tích hoa màu, cây trồng như hoa hồng tại huyện Sapa bị băng giá và sương muối làm táp lá gây hư hỏng nặng hoặc mất trắng.

“Số người nhập viện gia tăng vào những ngày lạnh giá; chủ yếu là cao niên, trẻ nhỏ mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi cấp, đau xương khớp (phong tê thấp)”, một quan chức ở Sở Y tế Lào Cai nói. “Khoa Hô hấp, BV Đa khoa tỉnh Lào Cai bị quá tải”.

Mưa ít

Bất thường nữa là lượng mưa từ đầu mùa đông đến nay bị thiếu hụt nghiêm trọng trên phần lớn diện tích cả nước. Trên địa bàn Lào Cai, theo ông Lưu Minh Hải, tháng 11/2007 phổ biến các khu vực trong tỉnh mưa chỉ đạt 44-52% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ (TBNN).

Nơi cao nhất cũng chỉ đạt 77%. Sang tháng 12/2007, lượng mưa thiếu hụt trầm trọng hơn, chỉ bằng 20-25% so với TBNN. “Nơi có lượng mưa nhiều nhất chỉ đạt 55%”.

Bước sang tháng 1/2008 và cả mấy ngày Tết Nguyên đán, mưa càng thâm hụt nhiều, vẫn theo ông Hải. Các khu vực có mưa cũng chỉ đạt 18-22% so với TBNN. Huyện Bảo Yên có lẽ là một trong những địa phương mất mùa mưa nặng nhất cả nước. Lượng mưa ở huyện này dao động ở mức 0,5% TBNN.

Tại thành phố Lào Cai lượng mưa cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Khu vực này hầu như  không mưa, điều hiếm có trong mấy chục năm qua. Có ngày có mưa nhưng là mưa phùn, nhẹ đến mức không đo được. Có hôm lại có mưa lớn và tập trung trong 1-2 ngày.

“Điều đó chứng tỏ sự bất thường của thời tiết. Mưa không trải đều trong tháng và lượng mưa tháng 1/2008 vẫn bị thiếu hụt nhiều”.

TS Trần Duy Bình, công tác tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thuỷ văn&Môi trường thuộc VUSTA, lưu ý, còn quá sớm để khẳng định mối liên hệ giữa sự xuất hiện sinh vật lạ ở VQG Hoàng Liên (nếu quả có thực) với ấm nóng toàn cầu.

Tuy nhiên, nhà khoa học từng là Viện trưởng Viện Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cam đoan, lên tỉnh biên giới phía bắc Lào Cai dịp này, hầu như ai cũng có cơ hội chứng kiến các bằng chứng nhỡn tiền về diễn biến thất thường của khí hậu, thời tiết địa phương, hệ luỵ biến đổi khí hậu toàn cầu. “Chứ không cần phải chờ đợi 30-50 năm sau mới thấy như nhiều người nghĩ”, TS Bình nói.

Ấm nóng toàn cầu có thể gây ra các đợt rét đậm, rét hại hơn, theo ông Lê Nguyên Tường (Trưởng phòng Khoa học Đào tạo&Hợp tác Quốc tế, Viện Khí tượng Thuỷ văn&Môi trường Trung ương), nghịch lý đó là có thật.

“Khí hậu trái đất từ xưa đến nay luôn biến đổi, dao động xung quanh trạng thái trung gian. Nghĩa là có những giai đoạn này, khu vực này nóng hơn giá trị trung bình và có những giai đoạn kia, khu vực kia lạnh hơn giá trị trung bình”, nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói.

“Nhưng ấm nóng toàn cầu, biến đổi khí hậu do con người gây ra khoảng 100 năm lại đây làm cho các dao động khỏi giá trị trung bình trở nên cực đoan hơn và lặp lại nhiều hơn. Chúng ta đã, đang, và sẽ chứng kiến tình trạng nhiều đợt nắng nóng, khô hạn hơn, nhiều trận bão, lụt khốc hại hơn, và nhiều đợt giá lạnh bất thường hơn ở Việt Nam, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu”.

MỚI - NÓNG