Giải mã bí mật nọc rắn độc

Giải mã bí mật nọc rắn độc
(TPO) TS Sinh học Bryan Fry tại Đại học Melbourne (Úc) nghiên cứu vể nọc rắn độc để có những đột phá mới trong điều trị xung huyết tim.

Hàng năm, TS Sinh học Bryan Fry thu thập được khoảng 2000 – 3000 mẫu nọc từ rất nhiều loài rắn độc, đặc biệt là loài rắn cực độc Taipan có rất nhiều ở Úc.

Mục đích của ông Fry là giải mã quá trình tiến hóa của nọc rắn độc trong 60 triệu năm qua. Ông tin rằng dựng lại lịch sử phát triển nọc  rắn độc có thể mang đến những bước đột phá trong y học.

Đúng thế, tháng Hai vừa rồi TS Fry và cộng sự đã xin được bằng sáng chế cho việc tìm thấy trong nọc rắn Taipan một phân tử có thể chữa chứng xung huyết tim.

Theo các nghiên cứu của Fry, nọc rắn được tạo ra từ những tuyến đặc biệt ở cả 2 mặt hàm dưới của chúng. Khi tấn công con mồi, chúng siết những tuyến này làm cho nọc tiết ra.

Một khi các phân tử nọc độc thấm vào con mồi, chúng trở thành “kẻ ám sát thân thiện”. Chúng làm tê liệt các cơ quan nhận cảm trên bề mặt tế bào, hoặc ngăn chặn hoạt động các protein trong máu.

Một vài phân tử có khả năng chặn đường truyền nhận tín hiệu giữa tế bào cơ và các neuron thần kinh. Không nhận được các tín hiệu, cơ của con mồi sẽ chùng xuống. Con mồi trở nên chậm chạp rồi chết ngạt.

Những khám phá mới giúp TS Fry thực hiện nghiên cứu trên diện rộng về quá trình tiến hóa của nọc độc rắn. Nếu chỉ vài năm trước, dự án này chắc không thực hiện được bởi các phương pháp truyền thống để xác định nọc độc mới rất tốn thời gian. Mọi chuyện đã thay đổi nhờ sự phát triển của công nghệ từ dự án gen người.  

Ngoài ra, TS Fry còn phát hiện ra dường như tất cả các loài rắn đều có nọc độc, tuy nhiên mỗi loài lại có một số lượng nọc độc và nồng độ độc khác nhau.

Được biết, loài rắn Taipan dài gần 2m ở Úc. Nó có nọc độc nhất thế giới, gấp 50 lần so với nọc rắn hổ mang.

MỚI - NÓNG