Giảm cước kết nối 30%: Cước viễn thông cũng giảm?

Giảm cước kết nối 30%: Cước viễn thông cũng giảm?
TP - Đại diện các mạng di động, cố định cho hay  việc giảm 30% cước kết nối từ 15-1 tới giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một phần chi phí nhưng không nhiều. Tuy nhiên, việc có giảm cước viễn thông hay không thì còn phải tính toán cụ thể.
Giảm cước kết nối 30%: Cước viễn thông cũng giảm? ảnh 1
Các doanh nghiệp khẳng định sẽ cân nhắc việc giảm cước viễn thông  - Ảnh: Phạm Yên

Thông tư số 33 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, từ 15-1, cước kết nối cuộc gọi giữa các mạng viễn thông sẽ giảm khoảng 30% so với hiện nay.

Theo thông tư này, các cuộc gọi từ 3 mạng di động lớn đang khống chế thị phần là Viettel, VinaPhone và MobiFone khi kết nối trực tiếp đến các mạng di động khác, mạng di động khống chế thị phần sẽ phải trả cho mạng di động khác mức cước 550 đồng/phút, chiều kết nối ngược lại là 500 đồng/phút, giảm khoảng 30% so với mức hiện tại là 700 đồng/phút.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom xác nhận việc giảm cước kết nối 30% giúp doanh nghiệp tiết kiệm một phần chi phí, đặc biệt liên quan kết nối ngoại mạng.

Tuy nhiên, việc giảm 30% cước kết nối này có giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí hay không còn phải tính toán lại một cách chi tiết.

Điều này do khi có số điện thoại từ mạng khác gọi đến Viettel, doanh nghiệp được thu tiền cước kết nối. Tuy nhiên, Viettel cũng phải trả tiền cho mạng khác khi thuê bao của mình gọi tới mạng khác.

Khi đó tiền bù trừ giữa các mạng sẽ tương đương nhau nên thực tế tiền của ai người đó vẫn giữ. Các doanh nghiệp có tới 80 đến 90% tỉ lệ cuộc gọi cân bằng nhau.

Đại diện Viettel Telecom cũng cho biết, việc giảm cước kết nối này nhìn chung cũng không giúp giảm nhiều chi phí đối với điện thoại cố định do Viettel mới có gần 3 triệu thuê bao, chiếm dưới 10% tổng dung lượng toàn mạng trong khi nhu cầu sử dụng điện thoại cố định của người dân hiện có xu hướng giảm.

"Việc giảm cước kết nối này cũng là yếu tố mà doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải xem xét. Theo đánh giá của chúng tôi, việc giảm giá cước kết nối chỉ là một trong các yếu tố giúp giảm chi phí của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải tính toán tiết kiệm các khoản chi phí khác nữa mới có thể giảm được cước viễn thông. Chúng tôi đang cân nhắc các phương án và sẽ sớm công bố có giảm cước hay không" - Ông Dũng cho biết.

Về giá cước điện thoại cố định gọi đi quốc tế, theo ông Dũng, đến nay giá cước đã giảm khá nhiều. Thời gian tới, cước gọi đi quốc tế chắc sẽ còn giảm nữa.

Với việc giảm cước kết nối này, người tiêu dùng Việt Nam cũng không được lợi nhiều do lượng người ở nước ngoài gọi về Việt Nam vẫn là chủ yếu. Như vậy việc giảm cước sẽ lợi cho người ở nước ngoài gọi về hơn.

Ông Phạm Ngọc Tú, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Vinaphone khẳng định giảm cước kết nối giúp doanh nghiệp có thêm lợi nhuận là không chính xác do các nhà mạng đều giảm thu và chi cả hai chiều.

Tuy nhiên, cước kết nối cũng là thành phần khá quan trọng trong giá cước. Việc giảm giá sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa ra các chính sách cước hấp dẫn hơn và có khả năng giảm cước trong tương lai. Các doanh nghiệp sẽ có sự điều chỉnh theo từng bước.

"Trước mắt VinaPhone sẽ đưa ra những gói cước mới, ưu đãi, hấp dẫn hơn cho khách hàng. Chúng tôi sẽ cân nhắc về việc giảm cước trong thời gian tới" - Ông Tú cho biết.

MỚI - NÓNG