Gõ nhầm tên web trẻ em là lạc vào… web sex

Gõ nhầm tên web trẻ em là lạc vào… web sex
TPO - Các trang web dành cho trẻ em đang trở thành mục tiêu của typo-squatting, trò lừa đảo trên mạng bằng cách tạo các trang web giả có tên gần giống trang web thật để lừa người sử dụng.
Gõ nhầm tên web trẻ em là lạc vào… web sex ảnh 1
Một số kẻ lừa đảo lợi dụng sự sơ ý để dụ trẻ em truy cập web khiêu dâm

Nghiên cứu mới nhất của hãng bảo mật McAfee về typo-squatting cho thấy trong số những mục tiêu thường xuyên nhất của typo-squatting có tới hơn 60 trang dành cho trẻ em.

Theo McAfee, các tên miền thường xuyên bị mạo danh nhất là webkinz.com, clubpenguin.com và neopets.com.

Hãng bảo mật này đã phát hiện được 127.381 trang bị nghi là typo-squatting. 46.000 trong số này mang nội dung dành cho người lớn. McAfee khẳng định nhiều trang trong đó có tên gần giống với tên các trang web cho trẻ em và dễ gây nhầm lẫn.

Typo-squatting không phải là mới, nhưng đang ngày một phổ biến. Nguyên nhân là do việc mua bán tên miền số lượng lớn được tiến hành tự động và người mua được quyền dùng thử 5 ngày khi đang ký tên miền mới.

“Số vụ kiện cybersquatting ở Tổ chức Quyền Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã tăng 20% trong năm 2005 và 25% trong năm 2006. - Báo cáo của McAfee viết - Microsoft nói trung bình mỗi ngày có trên 2.000 tên miền được đăng ký có liên quan tới các thương hiệu của họ”.

Báo cáo mang tên Có gì trong một cái tên: Tuyên bố về Typo-Squatting 2007, mô tả chi tiết thực trạng vấn đề. “Một người sử dụng bình thường nếu đánh sai địa chỉ sẽ có 1 phần 14 nguy cơ lạc vào một trang web typo-squatting” - McAfee viết.

Các trang web game, chẳng hạn như miniclip.com và runescape.com, là những mục tiêu hàng đầu với nguy cơ bị “mạo danh” đến 14%. Web của các hãng hàng không đứng thứ hai với 11,4%, tiếp theo là các trang web truyền thông như vhl.com hay qvc.com với 10.8%. Các web về hẹn hò đứng thứ tư với 10.2% trong khi web về công nghệ và web 2.0 đứng thứ năm với 9.6%.

“Những trang web lừa đảo này kiếm tiền từ quảng cáo, dụ dỗ người sử dụng vô tình lạc vào để lấy địa chỉ e-mail và sau đó làm họ chìm trong thư rác” - McAfee tuyên bố trong một thông cáo báo chí.

Điện thoại iPhone của Apple cũng đang trở thành một mục tiêu thường xuyên của typo-squatting. Theo ước tính của McAfee thì đến cuối năm nay, đã có ít nhất 8000 tên miền có từ “iPhone” được đăng ký.

Đông Quang
Theo PCWorld

MỚI - NÓNG