Google và tham vọng Internet… phẳng

Google và tham vọng Internet… phẳng
TPO - Việc Google công bố nền phần mềm Android và ra mắt hai liên minh “mở” khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, nhưng đó dường như là những nước cờ đã được chuẩn bị từ rất lâu.

Internet là mạng thông tin toàn cầu, kết nối mọi người với nhau. Điều này đúng, nhưng chỉ trên lý thuyết mà thôi.

Thực tế là không ít chuyên gia ví Internet như một đại dương lớn với rất nhiều đảo biệt lập. Mỗi hòn đảo ấy chính là một mạng xã hội hay một cộng đồng ảo bất kỳ (cộng đồng của một game trực tuyến chẳng hạn).

Google giàu lên là nhờ quảng cáo. Muốn quảng cáo thì Google vẫn đang phải dựa vào thông tin của người sử dụng mà họ thu thập qua các công cụ tìm kiếm. Vấn đề là ở chỗ “mắt thần” của “người khổng lồ không thâm nhập được vào các “hòn đảo” nói trên. Họ không biết cộng đồng ảo đang nói gì, nghĩ gì; hoặc nếu có thì cũng rất hạn chế.

Mạng xã hội càng phát triển thì tiềm năng quảng cáo của nó càng lớn. Google không thể bỏ qua một kho vàng như thế nên họ phải tìm mọi cách để tiếp cận được với thông tin cá nhân của người sử dụng các dịch vụ mạng xã hội.

Giải pháp đơn giả nhất, như Google đã chọn, chính là xây dựng một nền tảng chung để nối tất cả các mạng xã hội với nhau. Bằng cách này, họ có thể phát huy tối đa lợi thế của mình và hạn chế thế mạnh của các hãng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Google đã đánh trúng tâm lý của nhiều “công dân ảo” khi hứa hẹn về một thế giới hoàn toàn không biên giới, nơi mọi người có thể gặp gỡ và giao lưu mà không hề bị cản trở.

Facebook, đối thủ lớn nhất của “liên minh Google” trong thị trường mạng xã hội hiện nay, cũng không thể cho người sử dụng dịch vụ của họ giấc mơ tương tự.

So sánh một cách hình tượng thì Google sẽ biến đại dương với vài hòn đảo thành một đồng cỏ không bị ngăn cách, và ở đó, họ cũng giống như… quân kỵ binh Mông Cổ (chỉ khác ở chỗ họ có thêm khẩu hiệu… vì lợi ích cộng đồng).

Đối với thị trường di động, mọi chuyện cũng không mấy khác biệt. Mỗi nhà cung cấp mạng, mỗi hãng sản xuất thiết bị đưa ra những chuẩn riêng, giới hạn người dùng trong phạm vi một mạng hoặc một nền phần mềm. Điều này gây cản trở nhất định đối với việc truy cập Internet qua điện thoại di động.

Google mua lại Android và phát triển nó thành một nền chung nhằm xóa bỏ “biên giới” giữa các “ốc đảo di động” hiện nay. Khi đó, họ cũng sẽ thoải mái kinh doanh công cụ tìm kiếm và quảng cáo trên chiếc màn hình thứ ba.

Đường đến thế giới phẳng không phẳng

Như thường lệ, kế hoạch của Google khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích (hệ quả là giá cổ phiếu của họ liên tục tăng) nhưng ngược lại, cũng có không ít chuyên gia tỏ ý coi thường mà ví dụ điển hình là ông Steve Ballmer.

Trong cuộc họp báo giới thiệu Windows Live tại Tokyo vừa qua, ông Ballmer đã tuyên bố rằng nỗ lực của Google “mới chỉ ở trên giấy”. Như vậy, cộng đồng công nghệ đã có cơ sở đầu tiên để tin rằng Microsoft và Facebook sẽ không “mở cửa” mạng xã hội.

Việc ông Ballmer liên tiếp nhấn mạnh những thành công của Microsoft với Windows Mobile cũng cho thấy Microsoft vẫn muốn giữ “ốc đảo” của họ trong thị trường di động. Điều này đồng nghĩa với việc Google sẽ không dễ dàng hiện thực hóa kế hoạch “mở cửa”.

Ngay trong nội bộ liên minh của Google cũng còn nhiều vấn đề. Chính các đối tác của họ còn chưa có thái độ dứt khoát, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ di động Sprint Nextel vẫn đang tiếp tục đàm phán về chuyện chia lời với “người khổng lồ”. Hãng này thậm chí còn tuyên bố “chưa hề cam kết đưa Android lên máy điện thoại của mình”.

Như vậy, vấn đề lợi ích vẫn luôn luôn được đặt lên đầu, còn Google thì sẽ phải tìm mọi cách thuyết phục các đối tác rằng họ sẽ được nhiều hơn mất khi tham gia liên minh.

Và cuối cùng, họ phải chứng minh được cho người sử dụng thấy lợi ích của các phần mềm mã mở, nếu không thì “thế giới phẳng” của Google cũng chỉ dừng lại ở mức như Google Office hiện nay mà thôi.

MỚI - NÓNG