GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Tôi rất tiếc

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Tôi rất tiếc
TP - Về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho rằng ông rất lấy làm tiếc vì Bộ Xây dựng vẫn chủ trương ứng xử với Quy hoạch Hà Nội như những thành phố, thị xã thông thường khác.

>> Về quy hoạch thủ đô Hà Nội: Chúng tôi làm đúng luật - Kỳ 2
>>Về quy hoạch thủ đô Hà Nội: Chúng tôi làm đúng luật - Kỳ 1
>>Lo cho tương lai thế này a - kỳ 2
>>Lo cho tương lai thế này a?- Kỳ 1

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Tôi rất tiếc ảnh 1
Tình trạng ngập lụt ở Hà Nội nhiều năm qua không được cải thiện, nguyên nhân sâu xa là do quy hoạch tồi

Hoàn toàn không phù hợp, không đúng

Việc áp dụng ĐMC trong trường hợp cụ thể nhưng rất đặc biệt này của Bộ Xây dựng “hoàn toàn không phù hợp, không đúng”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng khẳng định trong cuộc trao đổi tiếp với Tiền Phong về đề tài đang rất được dư luận quan tâm này.

Thưa, sau bài trả lời phỏng vấn của ông trên Tiền Phong số 31, ra chủ nhật 31-1-2010, và phản hồi của một quan chức Bộ Xây dựng cũng trên Tiền Phong, Bộ Xây dựng có công văn gửi đến ông?

Công văn của Bộ Xây dựng gửi đến tôi do Vụ trưởng Vụ KHCN&MT ký đề ngày 4-2-2010. Thực ra, như đã nói trong bài trả lời phỏng vấn trên Tiền Phong, tôi đã có thư kiến nghị gửi lên các cấp về vấn đề này rồi, tức là về ĐMC đối với Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2050.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam và Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam gửi công văn đến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên&Môi trường, và UBND TP Hà Nội, ủng hộ kiến nghị của tôi.

Phản ứng của các nơi mà ông gửi thế nào?

Phản hồi đầu tiên tôi nhận được là từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội “Giao Sở Quy hoạch -Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tiếp thu, nghiên cứu góp ý của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, có ý kiến trực tiếp tham gia vào việc lập Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội”.

Đến ngày 4-2-2010, Bộ Xây dựng mới có công văn trả lời, nhưng vẫn cho rằng ĐMC đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội chỉ cần làm một chương trong Đồ án Quy hoạch chung và thẩm duyệt môi trường trong thẩm duyệt quy hoạch chung là đủ, không cần phải thẩm duyệt báo cáo ĐMC tại Hội đồng Thẩm định ĐMC Quốc gia.

Trong thư kiến nghị thứ hai, đề ngày 25-2-2010, gửi Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường, và UBND TP Hà Nội, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cũng khẳng định “đưa Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vào phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD và Luật Quy hoạch Đô thị 2009 là hoàn toàn bất hợp lý, là hạ thấp tầm vóc, vai trò, hạ thấp tầm quan trọng và xem nhẹ tính đa dạng, phức tạp về mặt môi trường của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, sẽ dẫn đến các khiếm khuyết trong ĐMC”.            

Còn Bộ Tài nguyên & Môi trường thì chúng tôi chỉ nhận được thông báo miệng của Tổng Cục Môi trường là Bộ TN&MT đã gửi công văn lên Thủ tướng xin ý kiến về kiến nghị của tôi, nhưng chưa nhận được ý kiến trả lời của Thủ tướng.

Ngày 25-2 vừa qua tôi lại có thư kiến nghị thứ hai gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên&Môi trường, và UBND TP Hà Nội, để khẳng định lại kiến nghị của tôi là có cơ sở khoa học,  pháp lý và khách quan, tất cả chỉ vì  xây dựng Thủ đô Hà Nội “Xanh -Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bộ Xây dựng vẫn bảo lưu quan điểm của họ về vấn đề ĐMC đối với quy hoạch chung Hà Nội. Không chỉ trả lời trên mặt báo, một công văn của Bộ gửi đến Tiền Phong cũng đều cho thấy họ chả có gì sai?

Kiến nghị của chúng tôi “Cần tiến hành lập báo cáo ĐMC hoàn chỉnh và báo cáo này phải trình hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định” trước khi Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch chung hoàn toàn là vì sự đảm bảo tính chắc chắn và đáng tin cậy của các giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (BVMT&PTBV) Thủ đô Hà Nội về lâu dài, giúp cho Quy hoạch Hà Nội tốt hơn, có được các giải pháp phòng ngừa - giảm thiểu ô nhiễm tốt hơn, đồng thời cũng để giảm bớt gánh nặng áp lực trách nhiệm của Bộ Xây dựng về các vấn đề môi trường của Hà Nội có thể xảy ra trong tương lai, và cũng là tăng cường trách nhiệm pháp lý của Bộ Tài nguyên & Môi trường đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Hà Nội.

Được biết, giới chuyên gia môi trường đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đưa quy định về ĐMC đối với quy hoạch đô thị vào Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD và Luật Quy hoạch Đô thị 2009. Nghĩa là họ đâu có quên ĐMC?

Đúng vậy. Nhưng rất tiếc việc áp dụng quy định về ĐMC của Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD và Luật Quy hoạch Đô thị 2009 vào trường hợp cụ thể này là hoàn toàn không phù hợp, không đúng.

Coi Hà Nội là đô thị - Ngộ nhận

Vì sao vậy khi mà Thủ đô Hà Nội cũng là một đô thị?

Coi Thủ đô Hà Nội là một đô thị là một sự ngộ nhận. Hà Nội không phải là một đô thị thông thường như các đô thị khác. Hà Nội là mô hình thủ đô rất đặc biệt trên thế giới.

Thủ đô Hà Nội thực chất là một vùng đô thị,  bao gồm một đô thị trung tâm (Hà Nội cũ) và rất nhiều đô thị vệ tinh (Nhóm A gồm các đô thị Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên; Nhóm B: Quốc Oai, Chúc Sơn; Nhóm C: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai; Nhóm D: Phú Xuyên), xen kẽ các làng mạc nông thôn rộng lớn, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống, có Vườn Quốc gia Ba Vì và đất rừng, rất nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên, công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo, du lịch, thể dục thể thao, sân golf.

Về sản xuất, không chỉ có kinh doanh dịch vụ, thương mại, mà còn có rất nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề thủ công nghiệp, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, v.v.

Ý ông muốn nói, đô thị được quy định trong Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD và Luật Quy hoạch Đô thị 2009 là hoàn toàn khác với Thủ đô Hà Nội?

Đúng vậy. Điều 4 của Luật Đô thị giải thích: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp”.

Điểm 1.2  của Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD cũng giải thích: “Đô thị là điểm đân cư tập trung, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của một vùng lãnh thổ, ... với tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu là 65%. Đô thị gồm các loại thành phố, thị xã và thị trấn”.

Quyết định số 132/HĐBT ngày 5/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ cũng định nghĩa “Đô thị là trung tâm kinh tế- văn hóa - chính trị tổng hợp hay chuyên ngành,... tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lớn hơn 60% trong tổng số lao động, là nơi sản xuất, dịch vụ, thương mại phát triển, có cơ sở hạ tầng đô thị, công trình công cộng phục vụ dân cư đô thị tương đối phát triển, mật độ dân cư cao”.

Chỉ riêng về phạm vi lãnh thổ rộng lớn của Thủ đô Hà Nội và tỷ lệ lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp thôi, cũng đã thấy Thủ đô Hà Nội không phải là một đô thị. Dân số đô thị của Thủ đô Hà Nội chỉ chiếm 41% trên tổng số dân số của Thủ đô, trong khi dân số nông thôn chiếm tới 59%, v.v.

So sánh một cách đơn giản giữa các quy định trên với điều kiện cụ thể như thế của Thủ đô Hà Nội cũng thấy ngay đưa Quy hoạch Thủ đô Hà nội vào phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn QCVN 01:2008/BXD và Luật Quy hoạch Đô thị 2009 là hoàn toàn bất hợp lý, là hạ thấp tầm vóc, vai trò, hạ thấp tầm quan trọng và xem nhẹ tính đa dạng, phức tạp về mặt môi trường của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, sẽ dẫn đến các khiếm khuyết trong ĐMC đối với Quy hoạch Hà Nội.

Nhưng nếu việc lập báo cáo ĐMC và thẩm định báo cáo ĐMC đối với đối tượng quy hoạch có quy mô rất lớn như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội quan trọng như vậy, vì sao Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 không đưa ra quy định làm việc đó?

Lý do rất dơn giản. Có lẽ vì năm 2005 ở nước ta chưa có Thủ đô Hà Nội là một vùng  rộng lớn như ngày nay. Nhưng, dù thế, vẫn có thể vận dụng quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2005 và Nghị định hướng dẫn thi hành luật (Nghị định Số 80/2006/NĐ-CP).

Theo đó, tất cả các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các tỉnh/thành đều phải lập báo cáo ĐMC và báo cáo này phải trình hội đồng thẩm duyệt quốc gia thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch hay kế hoạch.

Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2050, so với quy hoạch kinh tế - xã hội của các tỉnh/thành, quan trọng hơn nhiều, phức tạp hơn rất nhiều chứ. Nó phải được trình Thủ Tướng phê duyệt và phải thông qua Quốc hội chứ.

Vậy vì sao không lập báo cáo ĐMC hoàn chỉnh đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và không thông qua báo cáo này tại Hội đồng thẩm định quốc gia như đối với một quy hoạch kinh tế-xã hội thông thường của các tỉnh/thành?

Kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm trong nước đều chứng minh hùng hồn rằng, lập báo cáo ĐMC hoàn chỉnh và thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia để Hội đồng tiến hành thẩm định và đóng góp ý kiến thì chỉ có mang lại các lợi ích  vô giá đối với quy hoạch, có tác dụng bổ sung và hiệu chỉnh các giải pháp quy hoạch, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ, các giải pháp tổ chức quản lý nhằm phòng ngừa - giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và xây dựng chương trình giám sát môi trường trong suốt quá trình thực hiện quy hoạch nhằm đạt mục tiêu BVMT & PTBV Thủ đô Hà Nội tốt hơn mà thôi.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.