Hàn Quốc: Lần đầu tiên tự đưa vệ tinh vào vũ trụ

Hàn Quốc: Lần đầu tiên tự đưa vệ tinh vào vũ trụ
TP - Ngày 25/8, lần đầu tiên Hàn Quốc phóng tên lửa đưa vệ tinh  nghiên cứu khoa học tự chế tạo STASAT-2A lên quĩ đạo Trái Đất từ lãnh thổ của mình.
Hàn Quốc: Lần đầu tiên tự đưa vệ tinh vào vũ trụ ảnh 1
Tên lửa đẩy KSLV-1 đang vào bệ phóng - Ảnh: devicemag.com

Tên lửa đẩy sử dụng để đưa vệ tinh của Hàn Quốc lên vũ trụ lần này thuộc loại tên lửa hai tầng KSLV-1, rời bệ phóng lúc ba giờ chiều (giờ VN) từ Trung tâm vũ trụ Naro Hàn Quốc đặt trên đảo Oenaro, cách Seoul 465 km về phía nam.

Với việc phóng thành công vệ tinh vào không gian bằng tên lửa chế tạo lần này, Hàn Quốc trở thành một trong những cường quốc vũ trụ trong khu vực, sánh vai cùng với các cường quốc vũ trụ châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Từ nay Hàn Quốc gia nhập câu lạc bộ 10 nước trên thế giới có năng lực phóng tên lửa vào vũ trụ.

Về cơ bản toàn bộ tiến trình cuộc phóng vệ tinh STSAT-2A  của Hàn Quốc vào vũ trụ diễn ra suôn sẻ, gần đúng như kế hoạch vì các tầng một và tầng hai của tên lửa đẩy hoạt động tốt, tách ra đúng thời điểm như thiết kế. Do vậy, cuộc phóng tên lửa đẩy KSLV-1 được coi là thành công.

Tuy nhiên, có một bất ngờ là tên lửa đẩy hoạt động quá mạnh nên đã bay lên không gian cách mặt đất 360 km, cao hơn dự kiến khi đó vệ tinh mới được tách ra.

Điều này có nghĩa là vệ tinh STASAT-2A đã không được đặt vào đúng vị trí quĩ đạo như kế hoạch.

Theo thiết kế, vệ tinh STASAT-2A phải được tách khỏi tên lửa đẩy ở độ cao 302 km.

Tên lửa KSLV-1 được chế tạo tại Hàn Quốc do Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc  (KARI) phối hợp với hãng Hàng không Hàn Quốc Korean Air thực hiện dưới sự giúp đỡ kỹ thuật từ Trung tâm Vũ trụ Khrunichev của Nga.

Tên lửa KSLV-1 dài 33 m, đường kính gần ba mét, nặng 140 tấn là thành quả của dự án nhiều triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc đầu tư.

Theo đó, tầng một của tên lửa đẩy KSLV-1 được chế tạo dựa trên công nghệ tên lửa Angara của Nga, sử dụng động cơ RD-191 do Trung tâm vũ trụ Khrunichev của Nga chế tạo. Tầng hai của tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn do KARI của Hàn Quốc tự thiết kế và chế tạo.

Việc thiết kế toàn bộ tên lửa đẩy KSLV-1 là kết quả nỗ lực của cả hai phía. Tuy nhiên, do khi ký hợp đồng giữa Hàn Quốc và Nga năm 2004 về dự án tên lửa KSLV trong điều kiện cấm phổ biến công nghệ vũ khí tên lửa, toàn bộ tài liệu kỹ thuật liên quan đến dự án hợp đồng hợp tác kỹ thuật tên lửa này phải thỏa mãn điều kiện tiên quyết là được Cơ quan Vũ trụ Nga xem xét và chấp thuận.

Dự án xây dựng trung tâm vũ trụ Naro của Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 2002 với vốn đầu tư 488,7 triệu USD.

Vệ tinh nghiên cứu khoa học STASAT-2A có nhiệm vụ quan sát tầng khí quyển và đại dương do Hàn Quốc tự chế tạo. Vệ tinh STASAT-2A nặng 100 kg theo thiết kế đặt ở tầng quĩ đạo thấp cách mặt đất 302 km phục vụ quan sát Trái Đất.

Kể từ năm 1992 đến trước khi phóng vệ tinh lần này, Hàn Quốc đã 11 lần đưa vệ tinh của mình vào quĩ đạo Trái Đất nhưng đều phải thuê nước ngoài phóng lên, sử dụng tên lửa, bệ phóng và công nghệ của họ. Cuộc phóng vệ tinh STASAT-2A ngày 25/8/2009 là lần đầu tiên Hàn Quốc phóng vệ tinh của mình từ lãnh thổ Hàn Quốc bằng tên lửa chế tạo trong nước. 

Nguyễn Đại Phượng
Tổng hợp

MỚI - NÓNG