Hầu như không có số liệu sụt lún của châu thổ Sông Hồng và Cửu Long

Hầu như không có số liệu sụt lún của châu thổ Sông Hồng và Cửu Long
TP - Số liệu về tình hình sụt lún hai châu thổ lớn nhất Việt Nam (để, dựa vào đó, có thể đánh giá tác động của biến đổi khí hậu) hầu như không có, một nhà khoa học dành gần 20 năm nghiên cứu về biến đối khí hậu nhận định.
Hầu như không có số liệu sụt lún của châu thổ Sông Hồng và Cửu Long ảnh 1
Người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và không thể tự lo được cho mình nếu không có hỗ trợ mạnh từ chính quyền

TS Nguyễn Hữu Ninh – Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục&Phát triển (CERED), cho biết, ông phát hiện ra điều đó khi tham gia cùng hàng trăm nhà khoa học quốc tế viết báo cáo về biến đổi khí hậu của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2007.

Một trong những số liệu quan trọng nhất Việt Nam không có là kết quả khảo sát tình hình sụt lún của hai đồng bằng châu thổ sông Hồng và Cửu Long, TS Nguyễn Hữu Ninh cho hay. Khi đánh giá về các châu thổ, sông, đều phải có đánh giá về độ lún.

Khi tham gia viết báo cáo quốc tế của IPCC, chuyên gia các nước đề nghị ông bổ sung tình trạng sụt lún của hai đồng bằng này để tiện so sánh với các châu thổ khác.

Hai đồng bằng nước ta được xem là nằm trong số rất ít đồng bằng chịu ảnh hưởng lớn nhất của nước biển dâng và, vì thế, các chuyên gia quốc tế rất muốn có số liệu sụt lún của hai đồng bằng này.

Rất tiếc là ông lục tìm suốt mấy tháng trời, đi đến bao nhiêu cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đều không thấy có. Số liệu về độ lún trong các báo cáo mà ông đọc cũng không có. Tìm hiểu, ông thấy hóa ra Việt Nam có một trạm đo độ lún của Viện Địa chất cách đây mấy chục năm hợp tác với Trung Quốc.

Viện Địa chất cho ông một bài báo về phương pháp đo đánh giá vấn đề đo độ lún xuất bản thập niên 70-80 của thế kỷ trước, nêu phương pháp luận về cách thức đo đạc, đánh giá. Nhưng họ nói với ông rằng một bài báo như thể chỉ có thế để tham khảo định tính chứ chẳng có nhiều giá trị.

Những số liệu mà ông cần nhất là lún bao nhiêu centimet thì không có. Muốn làm phải có trạm, không chỉ một trạm mà nhiều trạm, không chỉ một vài năm mà phải nhiều chục năm.

Thiếu số liệu nghiên cứu cơ bản không chỉ trong vấn đề này mà trong cả nhiều vấn đề khác nữa. Nền khoa học nước ta, xét từ bất cứ góc độ nào – nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng – đều có vấn đề.

“Thời phụ thuộc nhiều vào Liên Xô, Trung Quốc, và các nước Đông Âu, chúng ta chủ yếu tập trung nghiên cứu cơ bản nhưng lại không đồng bộ, liên tục. Gần như ta làm theo cách của bạn. Cái gì cũng nghiên cứu nhưng không đến đầu đến đũa. Nghiên cứu độ lún đồng bằng là ví dụ”, TS Ninh nói.

Giờ đây chú trọng hơn đến nghiên cứu ứng dụng, chúng ta lại thiếu phương pháp luận thống nhất, mạnh ai nấy làm, trăm hoa đua nở. Kết quả là rất nhiều sản phẩm được làm ra bởi nhà khoa học Việt Nam nhưng rất ít cái có tính cạnh tranh trên thị trường dù chỉ ở trong nước.

Lục tìm các số liệu nghiên cứu cơ bản không đầy đủ, ông thấy đồng bằng Sông Hồng còn có một chút số liệu vớt vát với kết luận đưa ra là có một số sụt lún như huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Nhưng một số nhà địa chất ở Đại học Tổng hợp và Viện Địa chất, khi được hỏi “Cụ thể sụt lún bao nhiêu?”, họ lại không trả lời được. Đồng bằng sông Mekong còn tệ hơn, càng không có bất cứ số liệu nào về độ lún.

Vì vậy trong báo cáo, khi nói đến sụt lún, ông và nhóm tác giả chỉ dùng hai dấu xx đánh vào ô đồng bằng sông Hồng (nghĩa là sụt lún mạnh). Còn đồng bằng sông Mekong không có số liệu nên không đánh bất cứ dấu x nào vào đó.

Đồng bằng các nước khác có số liệu cụ thể về sụt lún như Bangkok và lưu vực sông Chao Phraya, Thailand. Độ sụt lún của đồng bằng này là 0,2-1,6 m/năm.

Hay đồng bằng thủ đô Dhaka, Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới với tổng thu nhập tính trên đầu người thấp hơn cả Việt Nam, cũng có số liệu về độ lún (0,6-1,9 mm/năm).

“Riêng thủ đô Bangkok, số liệu sụt lún còn cụ thể hơn và trầm trọng hơn, với mức 10 cm/năm. Số liệu này còn lạc quan. Chứ trong báo cáo chương châu Á, các nhà khoa học đưa ra mức độ sụt lún gấp đôi thế, 20 cm/năm. Khai thác nước ngầm trên nên đất sét thì lún rất nhanh”, TS Ninh cho hay.

“Các đô thị lớn ở hai châu thổ nước ta cũng khai thác mạnh nước ngầm, nhất là Hà Nội. Chắc chắn hai châu thổ này cũng bị lún. Nhưng vấn đề là chúng ta chưa đo được”.

MỚI - NÓNG