Hawaii đặt kính viễn vọng lớn nhất thế giới

Hawaii đặt kính viễn vọng lớn nhất thế giới
TP - Hawaii vừa được lựa chọn là nơi xây dựng kính viễn vọng lớn nhất thế giới, giúp các nhà khoa học quan sát được hành tinh cách xa trái đất khoảng 13 tỷ năm ánh sáng và giúp có cái nhìn cơ bản về những năm đầu hình thành vũ trụ.
Hawaii đặt kính viễn vọng lớn nhất thế giới ảnh 1
Mô hình đài quan sát thiên văn sắp được xây dựng trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii.  Ảnh: AP

Phần gương cầu của kính viễn vọng này có đường kính khoảng 30m, gần bằng sải cánh của chiếc máy bay Boeing 737. Chiếc gương này phải có đường kính lớn như vậy mới có thể thu nhận được ánh sáng phát ra từ một nguồn sáng ở cách xa trái đất 13 tỷ năm ánh sáng.

Điều này có nghĩa rằng, khi các nhà thiên văn học nhìn vào kính viễn vọng nói trên, có thể thấy hình ảnh của những ngôi sao đầu tiên và sự hình thành nên Dải Ngân hà - khoảng 400 triệu năm sau Vụ Nổ Lớn (Big Bang).

Ông Charles Blue, phát ngôn viên của Tập đoàn Đài quan sát Viễn vọng Ba mươi mét, nói rằng, kính này sẽ giúp chúng ta hiểu được lịch sử của vũ trụ.

Kính viễn vọng nói trên sẽ được đặt trên đỉnh của ngọn núi lửa Mauna Kea đã ngừng hoạt động, cao trên tầng mây đến 459 m, cho phép quan sát 300 ngày/năm trong điều kiện bầu trời trong xanh không một gợn mây.

Dự kiến, kính viễn vọng lớn nhất thế giới này sẽ được xây dựng xong vào năm 2018. Ba đơn vị tham gia xây dựng kính viễn vọng này gồm trường Đại học California, Học viện Công nghệ California (Mỹ), và Hiệp hội các Trường Đại học Nghiên cứu Thiên văn (Canada).

Giáo sư thiên văn học Richard Ellis của Học viện Công nghệ California cho biết, lúc đầu, các nhà khoa học định dựng kính viễn vọng lớn nhất thế giới trên đỉnh núi Cerro Amazones của Chile.

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ các điều kiện địa lý, khí hậu của đỉnh núi Mauna Kea, các nhà khoa học quyết định xây dựng kính viễn vọng khổng lồ này ở Hawaii. Ưu điểm của núi Mauna Kea là cao hơn núi Cerro Amazones ở Chile.

Hơn nữa không khí trên đỉnh Mauna Kea khô hơn, sự cách biệt giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm ở Mauna Kea không đáng kể.

Hơn nữa, do khí hậu đại dương nên môi trường không khí trên đỉnh Mauna Kea không hề bị ô nhiễm, và đặc biệt là do ở vùng ít dân cư nên xung quanh núi Mauna Kea rất ít ánh sáng phát ra từ nguồn sáng dân dụng và công nghiệp, tránh được hiện tượng nhiễu ánh sáng đối với kính viễn vọng nên rất thuận tiện cho việc quan sát vũ trụ.

Những kính viễn vọng lớn nhất thế giới cho đến thời điểm hiện nay cũng đang đặt trên đỉnh núi Mauna Kea. Tuy nhiên, đường kính gương cầu của những kính viễn vọng này chưa đầy 10m, tức là mới chỉ bằng một phần ba đường kính của gương cầu kính viễn vọng lớn nhất thế giới sắp xây dựng.

Do kích thước gương cầu nhỏ, các kính viễn vọng hiện nay không cho phép quan sát tốt hàng trăm hành tinh đang quay quanh quĩ đạo những ngôi sao khác nhau và các ngôi sao ở gần Mặt Trời giống như tính năng của kính viễn vọng lớn nhất thế giới sắp xây dựng.

Ngoài kính viễn vọng khổng lồ của Mỹ và Canada sắp được xây dựng trên đỉnh Mauna Kea nói trên, các nhà khoa học thiên văn ở châu Âu cũng đang có kế hoạch xây dựng một kính viễn vọng có đường kính gương cầu 46 m, lớn hơn nhiều so với chiếc kính sắp xây dựng ở Hawaii.

Tuy nhiên, dự án của châu Âu này chưa tìm được nơi đặt kính viễn vọng. Các nhà thiên văn học châu Âu đang cân nhắc nhiều vị trí ở các nước Argentina, Chile, Morocco, và Tây Ban Nha.

Nếu nơi đặt kính viễn vọng đường kính gương cầu 46 m sớm được quyết định, kính viễn vọng của châu Âu cũng có thể được hoàn thành xây dựng vào năm 2018.

Sau khi các nhà khoa học Mỹ và Canada quyết định xây dựng đài quan sát thiên văn mới với kính viễn vọng có gương cầu đường kính 30 m ở Hawaii, thổ dân và các nhà lãnh đạo tôn giáo của thổ dân Hawaii phản đối dự án kịch liệt.

Thổ dân và chức sắc tôn giáo ở Hawaii quan niệm rằng đỉnh núi Mauna Kea cao nhất vùng là lối lên thiên đường của thổ dân Hawaii. Núi Mauna Kea từng là nơi an táng người chết của thổ dân Hawaii. 

Nguyễn Đại Phượng
Theo AP

MỚI - NÓNG