Hệ thống cảnh báo lũ - bao giờ?

Hệ thống cảnh báo lũ - bao giờ?
TP - Hệ thống cảnh báo lũ còn lâu mới thành hiện thực, nếu không công phá thành trì quan liêu, một nhà khoa học cảnh báo.

Trên vai là cả gánh nặng giảng dạy và tiền nghiên cứu chắc không thể rủng rỉnh, các nhà khoa học ở Đại học Quốc gia (Hà Nội) vẫn bỏ ra 300 triệu đồng để đơn thương độc mã làm một nghiên cứu thiết lập hệ thống cảnh báo lũ ở một tỉnh miền Trung xa lắc.

Sau gần 2 năm xây dựng, họ cố gắng đến tháng 8/2006 hoàn thành một công nghệ có thể dự báo được mưa lũ trước 3 ngày, khoảng thời gian dự báo dài nhất từ trước đến nay trên lĩnh vực này ở Việt Nam. Nơi thử nghiệm mô hình dự báo là sông Trà Khúc hung dữ thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Th.S Nguyễn Thanh Sơn (Khoa Khí tượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG), nói: “Trong số 3 đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống cảnh báo, chúng tôi đã đảm bảo dự báo chính xác đặc trưng về thời điểm xuất hiện lũ trước 3 ngày. Duy đặc trưng tổng lượng lũ, chúng tôi mới đảm bảo độ chính xác 70-80%, và đặc trưng về đỉnh lũ mới được 50-60%”.

Nắm chắc 3 đặc trưng trên, theo GS.TS Trần Tân Tiến- Chủ nhiệm Khoa Khí tượng Thủy văn & Hải dương học- là hoàn toàn có thể chủ động thiết lập một hệ thống cảnh báo mưa lũ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói của câu chuyện lại là ở chỗ khác

Nghiên cứu hệ thống cảnh báo này hoàn toàn không nằm trong khuôn khổ của một chương trình nhà nước nào dù đã có không ít chương trình cấp nhà nước nghiên cứu về mưa lũ.

Chính vì là đề tài đơn độc “cầm đèn chạy trước ô tô”, các nhà khoa học ở ĐHQG gặp muôn vàn khó khăn khi xuống địa phương. Chọn được một Quảng Ngãi đồng ý phối hợp đã khó, xin được số liệu tổng hợp về mưa lũ của họ còn khó hơn vì “đây là bí mật quốc gia, phải được sự đồng ý ở Hà Nội”.

Một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu phàn nàn “Số liệu mưa lũ họ cấp cho chúng tôi chậm 1-2 năm”. Các số liệu mới muốn có phải thông qua quan hệ cá nhân và cũng vô cùng vất vả.

Thiếu số liệu, thiếu trạm quan trắc, các nhà khoa học phải thiết lập 7 trạm quan trắc ảo trong khi chỉ có một trạm quan trắc thật trên sông Trà Khúc.

Đến tháng 10/2006, các nhà khoa học sẽ chính thức bảo vệ với tư cách là đề tài trọng điểm cấp đại học quốc gia. “Sau đó, chúng tôi sẵn sàng lắp đặt hệ thống cho bất cứ nơi nào cần” - GS.TS Trần Tân Tiến nói. Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Thanh Sơn băn khoăn: “Chúng tôi cũng chưa biết sẽ chuyển giao cho ai”.

Điều kỳ lạ là đề tài này từng vừa được các nhà khoa học ở ĐHQG đưa vào đăng ký trong khuôn khổ một đề tài cấp nhà nước từ nay đến 2008 cũng về dự báo thiên tai nhưng không được hội đồng xét tuyển của Bộ Khoa học&Công nghệ chấp nhận.

Ai sẽ làm?

Chúng tôi tìm đến Viên Địa chất thuộc Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam, nơi chủ trì hai đề tài cấp nhà nước liên quan đến mưa lũ với tổng kinh phí 4,3 tỷ đồng, kéo dài từ tháng 10/2001-6/2006.

Đề tài được hoan hô tại lễ tổng kết chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai tổ chức ở Hà Nội cuối tháng Sáu vừa rồi.

Sau khi nghe thuyết trình một hồi dài, chúng tôi hỏi: “Chúng ta đã có hệ thống cảnh báo lũ cho bà con như các anh đã hứa chưa ?”.

TS Tần Trọng Huệ - Viện trưởng Viện Địa chất - trả lời: “Chúng tôi không có chức năng đó. Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường làm”. “Thế các anh nghiên cứu mưa lũ với bao nhiêu tiền thế này để làm gì?”. “Chúng tôi xong nhiệm vụ và nộp cho Bộ Khoa học&Công nghệ”. – Ông Huệ đáp.

Hỏi mấy trận mưa lũ đầu mùa vừa rồi ở các tỉnh phía Bắc, các nhà khoa học có lên điều tra để có số liệu cập nhật hay không, TS Huệ buồn rầu cho hay xong đề tài cũng gần như xong nghiên cứu, xong thu thập số liệu.

Để chắc chắn, chúng tôi tìm gặp GS Nguyễn Trọng Yêm, người trực tiếp chủ nhiệm hai đề tài tổng trị giá 4,3 tỷ đồng vừa đề cập. GS Yêm cũng xác nhận: “Khi nào cần chúng tôi mới cho người lên khảo sát”. Mà mỗi lần khảo sát là một lần tiêu cả núi tiền.

Tại cuộc họp tổng kết chương trình điều tra cơ bản và ứng dụng công nghệ biển tổ chức ở Hà Nội ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ, TS Lê Đình Tiến tuyên bố, tất cả các đề tài nghiên cứu của 5 năm trước phải được xem xét để triển khai cho kế hoạch nghiên cứu 5 năm tiếp theo. Ông cũng đề nghị các chủ nhiệm đề tài phải nói rõ cái gì đã kết thúc hoàn toàn, cái gì chưa.

Không có ai trả lời cho những câu hỏi đó. Xem ra cả Bộ Khoa học&Công nghệ, cả các đơn vị nghiên cứu, không ai không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ có điều, dân vùng lũ với mỏi cổ chờ hệ thống cảnh báo mưa lũ.

Đến Bộ Tài nguyên & Môi trường hỏi thì nhận được trả lời là đang giao Viện Khí tượng Thủy văn làm nghiên cứu cấp bộ “Điều tra, khảo sát, phân vùng, và cảnh báo lũ quét”. Kinh phí cho đề tài kéo dài đến năm 2008 này, theo PGS.TS Ngô Trọng Thuận - Phó Vụ trưởng Vụ Khí tượng Thủy văn - MoNRE, cũng lên tới vài tỷ đồng.

Đề tài đó xem ra trùng với đề tài bên Viện Địa chất mặc dù mục tiêu bảo là thiết lập bản đồ phân vùng chi tiết hơn. Mặt khác, trong chiến lược của ngành khí tượng thủy văn, phấn đấu năm 2020 mới thiết lập hệ thống dự báo lũ (quét) trước 24 giờ.

Thế mà, ngay lúc này, khi các nhà khoa học ở ĐHQG khẳng định lại sắp hoàn thiện công nghệ dự báo lũ trước 72 giờ, một quan chức bên Bộ Tài nguyên & Môi trường lại nói không hề biết.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.