Hiểm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với VN và nhìn từ VN (kỳ 2)

Hiểm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với VN và nhìn từ VN (kỳ 2)
TP - Theo báo cáo của IPCC: Đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ tăng thêm từ 1,4 đến 4oC, mực nước biển sẽ dâng thêm từ 28-43cm.

>> Kỳ trước

Hiểm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với VN và nhìn từ VN (kỳ 2) ảnh 1

Hiện tượng ngập úng vùng đồng bằng châu thổ mở rộng vào mùa mưa lũ

Báo cáo của IPCC do hàng chục nhà khoa học soạn thảo và ý kiến tham gia của hơn 2.000 nhà khoa học từ 130 quốc gia.

Nhiều nhà khoa học cho những dự báo trên là còn bảo thủ do phải đạt sự đồng thuận của đại diện 130 quốc gia.

Họ đưa ra những dự báo mực nước biển dâng có thể nhanh và cao hơn nhiều, nhất là các nhà nghiên cứu về băng hà trước thảm họa tan băng đang xảy ra với tốc độ đáng kinh ngạc trong thời gian gần đây.

Bà Susmita Dagupta, chuyên gia kinh tế, đồng tác giả của báo cáo “Ảnh hưởng khi mực nước biển tăng lên ở các nước phát triển; phân tích so sánh” do Ngân hàng thế giới công bố hồi đầu năm nay cho biết: Mực nước biển chỉ cần dâng thêm 1m thì sẽ gây hiểm họa lớn đối với các nước có vùng dân cư và đời sống kinh tế tập trung ở các vùng đồng bằng thấp, dọc ven biển.

Việt Nam là một trong những nước sẽ bị tác động lớn khi đó sẽ có đến 10,8% dân số Việt Nam bị tác động nặng nề do có hai đồng bằng thấp chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Nhà địa lý học Richard Alley ở Đại học Pensylvania, Hoa Kỳ nói: Chỉ cần 15% lớp băng ở Greenland bị tan ra cũng tạo ra một khối nước mới trong các đại dương đủ để làm ngập tiểu bang Florida của Hoa Kỳ và nhiều vùng duyên hải khác trên thế giới.

Mới đây, ông Mark Lowcok, quan chức của Bộ Phát triển quốc tế Anh đã đến thăm Việt Nam và có buổi thuyết trình về “báo cáo Stern” do các nhà khoa học Anh xây dựng, được Chính phủ Anh công bố về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo cho rằng nếu không thực hiện được chương trình hành động giảm khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto, đến năm 2035 nhiệt độ bề mặt địa cầu sẽ tăng thêm 2oC. Về dài hạn, có hơn 50% khả năng nhiệt độ sẽ tăng thêm 5oC.

Việt Nam, một nước đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương bởi các vấn đề môi trường do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão… bên cạnh đó, với bờ biển dài, vấn đề mực nước biển dâng cao có thể làm mất 12,2% diện tích đất của Việt Nam và đe dọa tới chỗ sinh sống của 17 triệu người. Chính phủ Anh dự định sẽ hỗ trợ tích cực để giúp Việt Nam thiết kế các chính sách ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Về phía Việt Nam chúng ta thấy gì và nghĩ gì về những hiểm họa này trước thực tế và thực tiễn Việt Nam?

Tôi cho rằng những biến động thời tiết bất thường gây thiệt hại lớn cho đời sống dân cư và đất nước mà chúng ta thường gọi là thiên tai cần được nghiên cứu, xem xét theo hướng có sự báo động toàn cầu về gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất và mực nước biển ngày càng dâng cao:

- Nhiệt độ khí quyển và thủy quyển tăng lên kéo theo những biến động khác thường (hiện tượng El Nino) làm cho chế độ thời tiết gió mùa bị xáo động bất thường: bão có xu hướng gia tăng về cường độ, bất thường về thời gian và hướng dịch chuyển, thời tiết mùa đông nói chung ấm lên, mùa hè nóng thêm. Xuất hiện bão, lũ và khô hạn bất thường.

- Hiện tượng ngập úng vùng đồng bằng châu thổ mở rộng vào mùa mưa lũ, các dòng sông tăng cường xâm thực ngang gây sạt lở lớn các vùng dân cư tập trung ở 2 bờ trên nhiều khu vực từ Bắc chí Nam.

Hiện tượng này cũng đồng thời tạo cồn, bãi bồi lấp dòng chảy các sông, nhánh sông ở vùng hạ du; ở những sông đã xây dựng hệ thống đê kiên cố thì có hiện tượng bồi lấp ngay chính dòng sông cũng như tuyến khống chế giữa hai bờ đê, tạo nên thế địa hình ngược: những dòng sông nổi cao hơn cả đồng bằng hai bên sông.

Vào mùa khô, hiện tượng phổ biến là nước triều tác động ngày càng sâu về phía trung du, hiện tượng nhiễm mặn ngày càng tiến sâu vào lục địa.

- Ở vùng ven biển đã thấy rõ hiện tượng vùng ngập triều cửa sông mở rộng hình phễu (hiện tượng Estuary) trên những diện rộng nhất là ở hạ du các hệ thống sông nghèo phù sa. Rõ nhất là ở vùng hạ du hệ thống sông Thái Bình – Bạch Đằng, ở vùng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và hệ thống sông Đồng Nai ở vùng ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Vào mùa khô, các nhánh sông và dòng sông ở các khu vực này đã không thể đóng vai trò lưu thoát nước về phía biển, biến thành những dòng sông, kênh tù đọng với mức độ ô nhiễm nhân tạo gây nguy hại cho đời sống của những vùng dân cư đông đảo (thuộc diện này có thể kể đến cả vùng rộng lớn thuộc các lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu Giang, ở phía tây nam Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.

- Hiện tượng sạt lở bờ biển trên nhiều đoạn kéo dài hàng chục, hàng trăm km với tốc độ phá hủy bờ sâu vào đất liền hàng chục, thậm chí hàng trăm mét là hiện tượng xảy ra thường xuyên trong nhiều năm gần đây, liên quan đến sự tàn phá do gia tăng bão, sóng lớn và sự thay đổi của động lực biển ở đôi bờ.

- Hiện tượng hình thành các cồn cát chắn và tái trầm tích bồi lấp luồng vào các cửa sông gây trở ngại lớn cho hoạt động vận tải ra vào các cảng biển khiến cho những công trình nạo vét rất tốn kém đều nhanh chóng bị vô hiệu.

Cần lưu ý rằng các hiện tượng như đã nêu trên xảy ra còn có tác động của nhiều yếu tố như lượng nước và phù sa của các lưu vực sông; hoạt động nâng, hạ của kiến tạo địa chất hiện đại; tác động bất thuận chiều của các công trình nhân tạo v.v… Vì vậy, càng rất cần được chú trọng nghiên cứu, xem xét.

Việt Nam cần làm gì để ứng phó với hiểm họa đang được báo động? Rất nhiều việc có tầm vóc và quy mô to lớn vừa trước mắt vừa lâu dài cần được tính đến:

Trước hết Việt Nam cần tham gia một cách chủ động và tích cực hơn vào các chương trình do Liên Hiệp Quốc chủ trì về biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch, chiến lược phát triển cần được tổ chức và huy động tham gia một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia.

Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho chương trình này. Chương trình cần được kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực để có thể tiếp nhận thành quả nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu có uy tín trên thế giới, tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế.

Mặt khác, thông qua việc nghiên cứu thực tế và thực tiễn Việt Nam có thể đóng góp vào các vấn đề đang được các tổ chức quốc tế bàn luận. Các vị lãnh đạo cao cấp nước ta cần giành thời gian, chủ động tham gia các hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc chủ trì về vấn đề này. Việc tham gia của chúng ta trong thời gian qua rõ ràng là còn thụ động.

Chương trình quốc gia về biến động khí hậu toàn cầu tác động vào Việt Nam cần tổ chức nghiên cứu, rà soát, kiểm định lại những kết quả nghiên cứu đã có từ trước đến nay, thực hiện một số đề tài nghiên cứu có mục tiêu nhằm hướng tới những kết luận khoa học tin cậy, dự báo được chiều hướng biến động cả trước mắt cũng như ở tầm trung hạn, dài hạn (trung hạn và dài hạn hiểu theo nghĩa tính bằng thập kỷ và thế kỷ).

Các kết luận khoa học phải trở thành cơ sở cho việc hoạch định các quy hoạch, chiến lược và chính sách vì sự nghiệp phát triển bền vững cho tương lai đất nước, đặc biệt là quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia, xây dựng các đô thị và vùng tập trung dân cư, các khu, cụm công nghiệp… Trọng tâm của chương trình cần:

- Tăng cường đầu tư, tổ chức các công tác điều tra cơ bản và mạng quan trắc sự biến đổi nhiệt độ, những biến động về quy luật vận động của khí quyển và thủy quyển về vận động kiến tạo hiện tại ở Việt Nam, áp dụng những thiết bị và công nghệ tiên tiến hiện nay. Dự án VinaSat sắp tới cũng phải tính đến yêu cầu này.

- Tích cực tham gia Nghị định thư Monreal về giảm khí thải CFCs, Nghị định thư Kyoto về giảm khí CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trước hết là phát huy kết quả và thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện của chương trình quốc gia đã được triển khai về phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế tối đa tệ nạn cháy rừng, phục hồi nhanh chóng hệ sinh thái rừng, ngập mặn đã bị tàn phá nặng nề.

Đặc biệt Việt Nam cần phải có một chiến lược đúng về đáp ứng nhu cầu gia tăng rất nhanh chóng về năng lượng nhất là điện năng phục vụ công nghiệp hóa đất nước. Nêu cao yêu cầu tiết kiệm năng lượng, hạn chế đến mức cần thiết việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt), sớm có kế hoạch phát triển năng lượng sạch.

Một mặt, chúng ta chủ động, tích cực thực hiện phần trách nhiệm quốc gia của mình, mặt khác chúng ta cũng tích cực lên tiếng đòi các nước phát triển thực hiện cam kết, các nghĩa vụ cũng như sự giúp đỡ của họ đối với các nước nghèo, các nước đang phát triển trong việc thực hiện các cam kết thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc và các Hiệp định, Nghị định thư quốc tế về bảo vệ môi trường trái đất, vì sự sống còn của nhân loại.

- Tổng kết, rút ra các kinh nghiệm thành công và chưa thành công của cha ông ta trong nhiều thế kỷ qua, được đẩy mạnh trong thời cận hiện đại trong việc ứng phó với các loại “thiên tai” thường xuyên xảy ra ở các vùng đồng bằng thấp, vùng ven biển: xây dựng mạnh kênh mương rộng lớn phục vụ việc tưới và tiêu nước cho các đồng bằng; gia cố hệ thống đê điều; xây dựng các công trình hồ thủy điện – thủy lợi điều tiết ở thượng nguồn; từng bước xây dựng tuyến đê biển từ Bắc đến Nam kết hợp xây dựng các cống điều tiết thoát lũ và ngăn mặn ở các cửa sông; xây dựng các công trình kè bờ sạt lở sông và biển; nạo vét dòng chảy ven các cửa sông, luồng vào cảng; bơm thoát nước cưỡng bức đối với nạn úng, ngập sâu và ô nhiễm nặng ở các vùng đất thấp ở đồng bằng và ven biển.

Đặc biệt những hệ thống công trình có quy mô to lớn, xây dựng bền vững lâu dài như hệ thống công trình “chung sống với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long, tuyến đê biển Bắc – Nam cần được hoạch định có căn cứ khoa học về tuyến, về nền móng để những công việc được thực hiện hiện nay còn được tiếp nối thuận lợi cho nhiều thế hệ mai sau.

Cần lưu ý rằng các giải pháp như đã nêu trên không phải là không còn có những ý kiến khác nhau về mặt luận cứ khoa học.

Những công việc đã làm cho thấy không phải chúng ta không có những kinh nghiệm nhất định trong việc ứng phó với tai biến do nước biển dâng. Nhưng đó là việc biển dâng tiệm tiến.

Vấn đề của báo động toàn cầu hiện nay là có nhiều khả năng biển sẽ dâng nhanh hơn và không loại trừ đột biến lớn, đưa đến hiểm họa và thảm họa lớn cho nhân loại. Quả thật, nhận thức và suy nghĩ của chúng ta còn quá ít về vấn đề này.

Để kết thúc, tôi thấy cũng cần nhắc đến những kinh nghiệm lịch sử của nhân loại đã được các nhà nghiên cứu thế giới đề cập từ lâu: Vì sao những nền văn minh rực rỡ của nhân loại như các nền văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập ở Trung cận đông – Bắc phi; các nền văn minh Maya và Inca ở Trung và Nam Mỹ bị suy tàn thậm chí biến mất một cách khó hiểu? Vì sao nước Hà Lan ngày nay phải chấp nhận một vùng lãnh thổ khá rộng lớn nằm dưới mực nước biển?

Nguyên nhân gốc rễ của các hiện tượng trên chắc chắn là hệ quả của sự biến đổi khí hậu lớn có tính toàn cầu biểu hiện cụ thể vào từng khu vực, lãnh thổ. Cũng không phải không có lý khi gần đây xuất hiện các thông tin về việc Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết sẽ cần hơn 64,5 tỷ USD để đối phó với mực nước biển dâng cao do băng tan ở hai cực.

Phía Nhật Bản ước tính nếu mực nước biển tăng thêm 1 mét, 90% số bãi biển của nước này sẽ bị “nuốt chửng”, sản lượng lúa sẽ giảm 50%… Nguồn thông tin cũng cho biết Trung Quốc đang xem xét việc xây dựng hệ thống đê kiên cố dọc suốt bờ biển, một kế hoạch được coi là xây dựng một “Vạn lý trường thành mới”…

Việt Nam là nước tham gia ký kết và tích cực thực hiện “Tuyên bố Thiên niên kỷ” của Liên Hiệp Quốc năm 2000, trong đó, vấn đề bảo vệ môi trường sống của hành tinh được nhấn mạnh.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X (tháng 4/2006) đặc biệt coi trọng yêu cầu phát triển nhanh song phải bền vững, trong đó có yếu tố bảo vệ môi trường sinh thái; Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X mới đây về chiến lược biển dài hạn cũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường gắn liền với khai thác nguồn lợi của biển.

Rõ ràng vấn đề đặt ra vừa có yêu cầu bức xúc trước mắt vừa có tầm quan trọng chiến lược, lâu dài, cần có sự báo động và hành động trước khi quá muộn.

Trần Đức Lương
Đồng chủ biên bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, giải thưởng Hồ Chí Minh; Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.