Hoài nghi khả năng giám sát thiên thạch

Hoài nghi khả năng giám sát thiên thạch
TP - Vụ thiên thạch rơi xuống Urals (Nga) hôm 15-2 khiến 1.200 người bị thương, nhiều nhà cửa hư hại làm dấy lên hoài nghi về nhận định lâu nay cho rằng con người hoàn toàn có thể kiểm soát và dự báo được các thiên thạch lớn rơi xuống Trái Đất.

> Xuất hiện tia sáng bất thường trên bầu trời Mỹ
> Cuba thông báo xảy ra nổ thiên thạch lớn
> Nga đề xuất hệ thống phòng thủ vũ trụ cho Trái Đất

Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos trước đó thừa nhận họ không theo dõi được quỹ đạo di chuyển của thiên thạch Chelyabinsk, dù một số thiên thạch khác bay ngang Trái Đất cùng thời gian trên được hệ thống giám sát Roshydromet phát hiện.

“Các thiết bị mặt đất của chúng tôi và, theo tôi hiểu, của cả các nước khác, đều không giám sát được vật thể này”, người phát ngôn của Roscosmos nói. Các nhà du hành vũ trụ trên khắp thế giới cũng không nhận ra. Họ chỉ đổ xô lục lại các ảnh chụp để truy tìm xem có ghi lại được dấu vết của thiên thạch đó hay không sau khi sự kiện xảy ra.

“Các vật thể bay gần như vậy rất khó phát hiện cho đến một hoặc hai ngày trước khi xảy ra tác động”, Timothy Spahr, Trung tâm Tiểu Hành tinh ở Massachusetts (Anh), nói với Tạp chí Tự nhiên. Dù mảnh thiên thạch thu thập được tương đối nhỏ, các chuyên gia tin rằng sức nổ của nó tương đương ít nhất một quả bom nguyên tử.

Theo nhà du hành vũ trụ Canada Margaret Campbell-Brown, vụ nổ do thiên thạch nói trên gây ra còn lớn hơn vụ thử hạt nhân mới đây nhất ở CHDCND Triều Tiên. Căn cứ dữ liệu ở hai trạm thu sóng hạ âm gần nơi xảy ra vụ nổ, bà còn đoán thiên thạch có kích thước lên đến 15 m và nặng 40 tấn.

“Nếu đúng như vậy, đây sẽ là thiên thạch lớn nhất rơi xuống Trái Đất kể từ vụ Tunguska”, Campbell-Brown nói. Tunguska là tên vụ nổ lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Trái Đất do thiên thạch kích thước 100 m gây ra năm 1908 ở sông Podkamennaya Tunguska, (Nga).

Mạnh 30 lần bom nguyên tử Hiroshima

Thiên thạch rơi xuống vùng Urals được một trong những cơ quan nghiên cứu không gian uy tín nhất thế giới nhận định có sức công phá tương đương 30 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trước khi kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Cùng lúc với việc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tổ chức họp báo về thiên thạch Nga hôm qua (theo giờ Việt Nam), các nhà khoa học Nga đưa ra giải thích bước đầu về vụ nổ. Thiên thạch rực sáng như một quả cầu lửa được xác định có trọng lượng cỡ 10 tấn.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), quả cầu lửa lớn này phát nổ ở tầng thấp của khí quyển tạo ra các mảnh sáng nhỏ như sao băng, chứ thực chất chúng không phải là mưa sao băng từ vũ trụ bay vào như một số nhận định ban đầu.

Một trong những mảnh thiên thạch lớn nhất rơi xuống mặt đất được đặt tên Chelyabinsk. Đây là tên vùng có hồ Chebarkul mà bề mặt đóng băng bị tạo một lỗ thủng cỡ 6 m bởi quả cầu lửa này.

Theo các nhà khoa học, quả cầu lửa Chelyabinsk rơi xuống khí quyển với tốc độ 20 km/s hay 72.000 km/h và kích thước khoảng vài mét. Rất may, nó phát nổ và vỡ thành các mảnh nhỏ hơn ở độ cao 30-50 km.

Người ta ghi nhận được ba vụ nổ liên tiếp với các mảnh thiên thạch bắn nhanh xuống mặt đất, tạo ra sóng xung kích. Cũng may là phần lớn năng lượng được giải phóng ấy được không khí hấp thụ ở độ cao 5-15 km, giúp giảm rất nhiều sức tàn phá dưới mặt đất.

NASA lại nhận định sức công phá của thiên thạch có vẻ lớn hơn so với giải thích của các nhà khoa học Nga. Theo đó, sóng xung kích tạo ra bởi vụ nổ của thiên thạch này có sức mạnh 500 kiloton của thuốc nổ TNT. Trong khi đó quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 làm hàng chục nghìn người chết ngay tại chỗ chỉ mạnh 16 kiloton.

Theo NASA, sóng xung kích của thiên thạch rơi xuống Nga, lớn gấp 30 lần sức công phá của bom nguyên tử Hiroshima. Nhận định này dựa trên các tính toán và dữ liệu thu thập từ các trạm thu sóng hạ âm trải khắp toàn cầu, trong đó có một số trạm cách Chelyabinsk 6.500 km.

QD
Theo RT

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG