Hollywood bắt tay Công nghệ game

Hollywood bắt tay Công nghệ game
Trong thế giới Hollywood, game là nguồn khơi gợi cảm hứng cho các đạo diễn. Và ngược lại, với những công ty kinh doanh trò chơi điện tử, các sản phẩm Hollywood ăn khách cũng là đối tượng khai thác để tăng doanh thu.
Hollywood bắt tay Công nghệ game ảnh 1

Phim Cướp biển vùng Caribbean 2 đang chiếu đã có game.
Trong ảnh: Cảnh trong phim Cướp biển vùng Caribbean 2

Phim khai thác game

Từ thập niên 1980, các nhà làm phim Hollywood đã để mắt tới một thị trường đầy tiềm năng, có khả năng cung cấp cho màn bạc những đề tài hấp dẫn: game.

Những bộ phim chuyển thể từ game như Tron, The Wizard lần lượt ra đời nhưng trào lưu này chỉ thực sự phổ biến từ giữa thập niên 1990.

Sở dĩ các nhà sản xuất phim mặn mà với game vì họ tin rằng sự ăn khách của các game đủ để bảo đảm khi phim ra lò sẽ có lượng khán giả nhất định. Hơn nữa hiện nay lượng người chơi điện tử ở Mỹ tăng lên không ngừng, đa số là thanh niên từ 18 - 35 tuổi - độ tuổi rất chịu khó đến rạp.

Nói như Paul Anderson - đồng sản xuất DOA: Dead or Alive và đang đạo diễn phần 3 Resident Evil thì: “Hollywood và ngành công nghệ trò chơi điện tử có mối quan hệ cộng sinh”.

Thế nhưng thực tế không dễ ăn như các nhà làm phim tưởng, hiếm có bộ phim nào chuyển từ game nhận được lời tán dương của các nhà phê bình lẫn game thủ.

Những bộ phim như: Super Mario Bros, Street Fighter, Double Dragon, Wing Commander, Alone in the dark, Doom, Bloodrayne đạt mức doanh thu nghèo nàn đến không ngờ.

Trường hợp thành công rực rỡ như loạt phim Mortal Kombat, Resident Evi, Aline vs Predator hay Tom Raider và gần đây là Silent Hill chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Mặc dù vậy, các nhà làm phim Hollywood vẫn tiếp tục thử sức với cuộc chơi đầy tính ăn thua này, vì thị trường game vẫn rất nhộn nhịp với đủ đề tài cho Hollywood mặc sức khai thác.

Bằng chứng là hàng loạt các bộ phim chuyển thể từ game đã được lên kế hoạch sản xuất, trình chiếu trong năm nay. Có thể kể đến như DOA: Dead or Alive, Far Cry, Splinter Cell, Spy Hunter, Takken. Sang năm 2007-2008 sẽ là Postal, Hitman, Halo, Hunter: The Reckoning, Max Payne, Prince of Persia, Alice, Devil May Cry, Fear Effect, Perfect Dark.

Game “dựa hơi” phim

“Nếu Hollywood biết tận dụng khai thác số khách hàng của trò chơi điện tử thì các công ty kinh doanh trò chơi điện tử cũng không bỏ qua những siêu phẩm của Hollywood.

Các phim “bom tấn” như King Kong, Lord of the Rings, Indiana Jones, Star Wars, Batman Begins, Shrek, Madagascar và những phim ăn khách trong năm nay Superman Returns, X-Men: The Last Stand, Monster House, Pirates of Caribbean: Dead man’s chest… đều đã có game.

Tập đoàn THQ Inc vừa mua bản quyền bộ phim hoạt hình Cars và phấn khởi thông báo doanh thu tuần đầu tiên của game Cars khả quan hơn hẳn doanh thu 2 game The Incredibles và Finding Nemo (cũng mua bản quyền từ phim) trước đây.

Thành công 213 triệu USD doanh thu nội địa và 515 triệu USD từ thị trường nước ngoài của phim The Da Vinci Code cũng đã giúp tập đoàn phần mềm Take-Two Interactive tiêu thụ hết vèo gần 20.000 đĩa game The Da Vinci Code.

Sở dĩ các công ty game hào hứng bắt tay với Hollywood là vì ở Mỹ, vé vào rạp xem phim chỉ khoảng 10 USD trong khi giá tiền một game đến 50 USD.

Đầu tư cho một bộ phim mất vài triệu đến vài trăm triệu USD và cả năm trời sản xuất, còn để ra đời một game chỉ mất vài tháng.

Cứ thế các nhà sản xuất game ung dung thu lợi hàng triệu USD một cách dễ dàng hơn cả các nhà làm phim.

Chưa hết, phim nào của Hollywood cũng được quảng bá rầm rộ nên họ chẳng cần phải bỏ ra xu nào để tiếp thị cho sản phẩm mới của mình. Quả là một công đôi chuyện!

Theo Nguyễn Ngọc
Người Lao Động

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.