Hơn 2000 con khỉ xuất qua Tân Sơn Nhất xuất xứ từ đâu?

Hơn 2000 con khỉ xuất qua Tân Sơn Nhất xuất xứ từ đâu?
Ngày 27.6, phóng viên đã thông báo cho lãnh đạo Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT những thông tin nghi vấn về nguồn gốc hàng ngàn con khỉ sống đuôi dài đang được xuất ra nước ngoài từ tháng 5.2007 tới nay qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất và đề nghị cơ quan này cho kiểm tra ngay vụ việc nói trên.

Sáng 27.6, một nguồn tin cho biết, trong những năm gần đây, một khối lượng lớn động vật hoang dã (đặc biệt là khỉ đuôi dài) đã được một số đường dây buôn lậu nhập từ Lào và Campuchia vào Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác.

Đáng chú ý, một số lượng không nhỏ loài khỉ đuôi dài được săn bắt từ tự nhiên, khi xuất sang Việt Nam đã được đưa vào một số trại nuôi động vật hoang dã dọc biên giới. Sau đó, bằng nhiều cách, số khỉ nhập lậu này được hợp thức hóa là số khỉ được sinh sản trong các trại nuôi thuộc thế hệ F2, F3.

Tiếp theo, số khỉ đuôi dài này được cơ quan chức năng ở các địa phương có trại nuôi chứng nhận là có nguồn gốc sinh trưởng trong trại nuôi, để đơn vị xuất khẩu lập hồ sơ xin phép Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT xem xét, cho phép xuất khẩu ra nước ngoài.

Chỉ tính riêng từ tháng 5.2007 tới nay,  có khoảng 2.000 con khỉ sống đuôi dài đã và đang được xuất ra nước ngoài qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (việc xuất khẩu có giấy phép của các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT).

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cương, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT cho biết:

"Hiện nay, Cục Kiểm lâm cũng đang tổ chức một đoàn công tác đi kiểm tra các trại nuôi cá sấu và trại nuôi động vật hoang dã ở một địa phương phía Nam, chúng tôi sẽ cho tiến hành kiểm tra ngay sự việc mà báo chí thông tin.

Hiện nay việc xuất khẩu khỉ đuôi dài từ các trại nuôi khỉ được các chi cục kiểm lâm địa phương xác nhận bằng văn bản chuyển lên để Văn phòng CITES, Cục Kiểm lâm có căn cứ xem xét, cấp giấy phép xuất khẩu.

Quy trình cấp phép của Văn phòng CITES và Cục Kiểm lâm là chặt chẽ. Nhưng cũng có thể không kiểm tra hết được, do vậy, chúng tôi sẽ cho rà soát, kiểm tra ngay sự việc nói trên".

Nguồn tin tố giác cho biết, lợi nhuận từ việc buôn lậu khỉ sống là rất lớn.

Có công ty thương mại mua khỉ sống của một số đường dây buôn lậu từ Campuchia mang vào Việt Nam giá khoảng 40-50 USD/con (thời gian trước đây giá chỉ từ 15-20 USD/con, nay do khỉ sống không còn nhiều nên giá được đẩy lên).

Sau khi số khỉ nhập lậu được hợp pháp hóa bằng giấy phép là khỉ có nguồn gốc được sinh sản tại các trại, chúng được bán ra nước ngoài với giá gấp hàng chục lần giá mua vào, nhưng giá ghi trên hợp đồng xuất khẩu thấp hơn nhiều nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp(?).

Cũng nguồn tin trên cho rằng, trước đây, việc nhập khẩu và tái xuất khẩu khỉ sống đuôi dài là dựa trên nguồn gốc giấy phép xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Lào. Nhưng sau đó, giấy phép này được làm giả nên đường dây buôn lậu động vật hoang dã  không thể nhập số lượng lớn khỉ đuôi dài từ Lào về được.

Vì vậy chúng chuyển sang nhập khỉ sống từ Campuchia đưa qua cửa khẩu Kà Tum, tỉnh Tây Ninh. Để thuận tiện cho việc tập kết khỉ sống, một trại nuôi khỉ đã được xây dựng sát biên giới Campuchia tại cửa khẩu Kà Tum, tỉnh Tây Ninh (do một công ty TNHH quản lý).

Hiện nay, việc khai thác các loài linh trưởng (khỉ hoang dã) nói riêng và động vật hoang dã nói chung từ tự nhiên với mục đích thương mại theo Công ước quốc tế CITES là bị cấm hoàn toàn.

Do vậy, một số đường dây buôn lậu động vật hoang dã đã tìm cách hợp thức hóa khỉ săn bắt từ tự nhiên thành khỉ sinh sản trong trại nuôi để xuất khẩu hợp pháp.

Thiết nghĩ việc kiểm tra nguồn gốc số lượng khỉ đuôi dài xuất khẩu này không khó lắm. Chỉ cần Cục Kiểm lâm và chi cục kiểm lâm các địa phương có trại nuôi khỉ thống kê thực tế số khỉ sinh sản hằng tháng ở các trại nuôi động vật hoang dã này, rồi so sánh với số khỉ sống xin phép được xuất khẩu hằng tháng là sẽ phát hiện được ngay: có hay không việc đưa khỉ săn bắt tự nhiên vào trại nuôi để xuất khẩu dưới dạng khỉ sinh sản ở trại.

Theo Việt Chiến
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.