Hy vọng mới cho các bệnh nhân bỏng

Hy vọng mới cho các bệnh nhân bỏng
Viện Bỏng Quốc gia vừa áp dụng thành công bước đầu kỹ thuật ghép da mới giúp phục hồi vết bỏng nhanh hơn nhiều so với các kỹ thuật truyền thống.
Hy vọng mới cho các bệnh nhân bỏng ảnh 1
 ứng dụng kỹ thuật lọc máu trong điều trị bỏng nặng ở Viện Bỏng QG

“Bước đầu chúng tôi đã làm chủ công nghệ sản xuất một số nguyên liệu và hy vọng có thể áp dụng kỹ thuật cao này trên nhiều bệnh nhân hơn”, Thượng tá Bác sỹ Phạm Văn Gia, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, nói.

Kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nằm trong dự án mang tên xúc tiến nuôi cấy nguyên bào sợi và tiến tới nuôi cấy tế bào sừng của Viện Bỏng QG. Kỹ thuật áp dụng từ đầu năm 2005 nhằm chế tạo một loại da nhân tạo làm vật liệu che phủ trên các vết bỏng rộng cho bệnh nhân điều trị ở Viện.

Lớp da nhân tạo gồm hai thành phần chính là đế (hay còn gọi là giá) và các nguyên bào sợi phủ lên đế. Như chiếc bánh đa Kế nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang rắc vừng đen, các bác sỹ lấy các nguyên bào sợi do họ tự chế tạo gắn lên lớp đế đặc biệt trong môi trường thích hợp và, sau một thời gian, chúng trở thành da nhân tạo.

Để da nhân tạo không bị hệ miễn dịch của bệnh nhân đào thải, các bác sỹ phải lấy tế bào sợi từ chính da lành của bệnh nhân. Họ cắt một mảnh da chừng 1cm2 từ mặt trong cánh tay hoặc mạng sườn rồi tách nguyên bào sợi ở chính mảng da nọ đưa vào môi trường nuôi cấy và nhân lên nhiều lần. Khi đủ số lượng cần thiết, họ gắn số nguyên bào sợi đó lên đế.

Vẫn theo BS Gia, bước đầu kỹ thuật được áp dụng trên một số bệnh nhân và cho kết quả khả quan. Lớp da nhân tạo giúp liền vết bỏng nhanh và hiệu quả hơn. Trước khi có kỹ thuật tiên tiến này, Viện Bỏng từng áp dụng ghép da dị loại (da ếch hoặc trung bì da lợn tươi), ghép da đồng loại (da người thân trong gia đình hoặc da tự thân, tức da của chính bệnh nhân ở vùng lành).

Công nghệ nhân nuôi tế bào sợi chuyển giao từ Nga và gần đây là Singapore cách đây không lâu. Đương nhiên trong cuộc cạnh tranh kỹ thuật cao, các nhà khoa học ta không dễ gì làm chủ toàn bộ công nghệ nếu không có sự phối hợp liên ngành dưới sự điều phối của Bộ KH&CN.

Việc chúng ta chưa biết gì về lớp đế, từ việc chúng đi từ vật liệu già cho đến quy trình chế tạo, chính là đề tài để các nhà khoa học vào cuộc. Hiện lớp đế được Nga cho không dưới dạng khuyến mại và không có dấu hiệu họ sẽ cho không một lần nữa dù công nghệ nhân nuôi nguyên bào sợi được chuyển giao qua hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật ký giữa hai chính phủ Việt Nam và Nga.

Chim đầu đàn

Bất chấp hàng đống rào cản đối với công nghệ với giá thành không phải ai cũng chịu được vào thời điểm hiện tại cũng như tương lai gần, thành công trong việc cấy nguyên bào sợi chứng tỏ Viện Bỏng QG tiếp tục dẫn đầu cả nước trong nghiên cứu và điều trị bỏng. Sắp tới, Bộ KH&CN quyết định đầu tư không dưới 20-30 tỷ đồng cho phòng thí nghiệm 16 năm tuổi của đơn vị quân y này có thành tích rất lớn trong cả khám chữa bệnh cho nhân dân.

Bộ Y tế cũng không ngần ngại đầu tư cho Viện một dự án trị giá 170 tỷ đồng cho đến năm 2010. Toà nhà điều trị đầu tiên 100 giường trị giá 50 tỷ đồng trong khuôn khổ dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay với những cái gọi là hệ thống không khí sạch, hệ thống khí y tế, và phòng vô trùng vốn cực kỳ cần thiết cho bệnh nhân bỏng.

Bệnh nhân Nguyễn Lai, nguyên Tổng Giám đốc Cụm cảng Hàng không miền Trung vừa qua đời do tự thiêu, và nhiều bệnh nhân nặng khác có cơ hội sống cao hơn nếu được điều trị trong hệ thống liên hoàn như thế.

Việc điều trị bệnh nhân Nguyễn Lai dù không qua khỏi vẫn chứng minh trình độ tay nghề cao của các y bác sỹ Viện Bỏng QG. Họ duy trì cho bệnh nhân thở máy liên tục 43 ngày, kỷ lục đầu tiên ở Việt Nam, thậm chí trong khu vực, trên lĩnh vực điều trị bỏng nặng.

Trong môi trường (không khí) vốn không phải sạch sẽ gì ở khu vực thị xã Hà Đông, các bác sỹ vật lộn với nguy cơ nhiễm trùng cao bằng đủ thứ vũ khí kỹ thuật. Riêng với máy thở, họ phải nhịp nhàng điều khiển các chức năng phức tạp như tần số thở, chọn kiểu thở thích hợp, điều chỉnh lượng oxygen qua máy thở, rồi giải quyết thông khí đường thở cho bệnh nhân.

Hay lọc máu liên tục, kỹ thuật mới áp dụng hai năm nay, cũng trên bệnh nhân Lai mà hai lá phổi gần như hỏng hoàn toàn và nhiều bệnh nhân bỏng nặng cũng được giới chuyên môn đánh giá cao, v.v... Với kinh nghiệm dày dạn, các bác sỹ ở Viện Bỏng QG được mời tư vấn chuyên môn cho nhiều cơ sở điều trị bỏng trong cả nước trong đó có cơ sở bỏng 100-200 giường trị giá hàng trăm tỷ đồng đang xây dựng trong TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ được Bộ Y tế mời tham gia chỉ đạo tuyến ở khối bệnh viện dân y do có nhiều kinh nghiệm, Viện Bỏng QG còn được đánh giá đạt trình độ quốc tế khi biết các y bác sỹ ở Viện từng cứu sống bệnh nhân bỏng 80-85%, gần bằng thành tích cao nhất- cứu sống bệnh nhân bỏng 90-95%- ở các nước tiên tiến.

Với 6 tỷ đồng chỉ từ riêng dự án của Bộ Y tế dành cho đào tạo ngoài nước cộng với gần 40 nhà khoa học từ bác sỹ chuyên khoa đến giáo sư tiến sỹ trong đó có một tập thể và một cá nhân được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trên khuôn viên 4,5ha mà một nửa sẽ dành cho cây xanh, Viện Bỏng QG quyết tâm một ngày không xa làm chủ kỹ thuật nuôi cấy nguyên bào sợi để hạ giá thành điều trị một khi 80% bệnh nhân bỏng ở Việt Nam là người nghèo.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.