Internet ADSL: Cước sẽ giảm đến đâu?

Internet ADSL: Cước sẽ giảm đến đâu?
Cạnh tranh khốc liệt, chất lượng dịch vụ giảm, tương lai về một mức cước “khoán” hàng tháng thấp... là những vấn đề được đưa ra tại cuộc tọa đàm “ADSL- cạnh tranh và chất lượng” do CLB các nhà báo CNTT tổ chức chiều qua.
Internet ADSL: Cước sẽ giảm đến đâu? ảnh 1

TS Quách Tuấn Ngọc - GĐ Trung tâm Tin học Bộ GD&ĐT, khách hàng rất lớn của nhà cung cấp Internet ADSL Tổng Cty Bưu chính Viễn thông (VNPT) -  đưa ra một ví dụ rất hình ảnh về sự quá tải của đường truyền Internet ADSL rằng hễ ngoài đường tắc thì Internet ADSL “thông”, tốc độ truy cập rất nhanh. Nhưng hễ ngoài đường “thông” thì Internet lại “tắc”. Tối về nhà, Internet lại “tắc” từ khoảng 19 giờ, khi mọi người bắt đầu ngồi vào máy tính lướt web.

Ông Nghiêm Xuân Tịnh - Phó GĐ Cty VDC, nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất hiện nay - cũng thừa nhận Internet ADSL cũng như một con đường cao tốc. Khi mới khai trương, lưu lượng người sử dụng còn ít, nhưng dần dần số khách hàng tăng cao nên đường truyền càng hẹp lại.

Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ BC&VT), cơ quan này đã cấp phép cho 17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nhưng đến nay hầu như mới chỉ có 3 “ông lớn” là VNPT, Viettel và FPT tham gia vào thị trường cung cấp Internet băng rộng.

Với dung lượng kết nối quốc tế gần 2,2 Gbps, VDC đang có khoảng 1,1 triệu thuê bao, trong đó có 80.000 thuê bao Internet ADSL và dự kiến con số này sẽ đạt 100.000 vào cuối năm nay. Viettel cũng đã có trên 60.000 thuê bao ADSL tính đến thời điểm này.

Trong khi đó, FPT cũng đang có kế hoạch phát triển 100.000 thuê bao đến cuối năm nay. Do vậy, theo các chuyên gia kỹ thuật, nếu dung lượng đường truyền không được nhanh chóng mở rộng, tốc độ ADSL của các nhà cung cấp, đặc biệt là của FPT sẽ tiếp tục “rùa bò” hơn so với hiện nay.

“Bộ (BC&VT) đang kiến nghị Chính phủ đưa ADSL vào danh mục quản lý chất lượng. Nếu được chấp thuận, chắc chắn khách hàng sẽ không phải chịu cảnh truy cập Internet tốc độ rùa bò hiện nay” - Ông Hải khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng GĐ Viettel - cho rằng đang có nhiều “cửa” để hạ giá cước Internet ADSL nhiều hơn so với hiện nay. Nhà cung cấp này đang phải chi phí từ 200 - 250 USD cho đường truyền (cáp treo) đến với mỗi khách hàng. Doanh nghiệp nào vừa cung cấp điện thoại vừa cung cấp dịch vụ ADSL đều có thể hạ giá thành vì tận dụng được đường cáp. Hiện mới chỉ có VNPT và Viettel có thể làm được điều này.

“Cửa” thứ 2, theo ông Hùng, là cung cấp Internet băng rộng theo công nghệ Wi-Max. Với công nghệ này, chỉ cần đầu tư 50 USD thay vì 200 USD cho đường truyền cáp treo đến người sử dụng. Ông Hùng cũng cho rằng giá cước có thể hạ được nữa nếu đầu tư tuyến cáp biển mới.

Viettel đang đề xuất cùng với VNPT và FPT chung nhau lắp đặt tuyến cáp biển mới. Ngoài ra, việc phát triển nhiều nội dung trong nước cũng là giải pháp cần sớm nghiên cứu triển khai. Khi lượng truy cập nội dung trong nước tăng lên, lưu lượng quốc tế giảm đi sẽ làm giảm giá thành thuê kênh quốc tế.

Theo TS Quách Tuấn Ngọc, giá cước Internet phải thấp hơn nữa để loại hình dịch vụ này phổ cập đến mỗi gia đình. Theo đó, các nhà cung cấp nên có chính sách đưa ra mức cước “khoán” khoảng 200.000 đồng dùng Internet ADSL không hạn chế hàng tháng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.