"Internet đã làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi"

"Internet đã làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi"
Ngày nay, công nghệ thông tin và công nghệ mạng đã làm thay đổi một cách rõ rệt đời sống nông thôn ở các vùng đất phía Bắc Trung Quốc.

Vạn Lý trường thành luôn là niềm tự hào của người Trung Quốc. Nhưng nó cũng là một rào cản tượng trưng về thông tin và một phần nào chịu trách nhiệm về sự thiệt thòi về tài nguyên của một số vùng xa, như phía bắc Makwa, so với sự bùng nổ ở các vùng khác như Ulay ở phía nam.

Người dân của khu vực này giờ đây không còn chờ đợi các tổ chức cứu trợ hay những bước tiến chậm chạp của chính phủ; họ đã tự vận động để tiếp cận với những thành tựu công nghệ số - để cải thiện chính cuộc sống của mình.

Bị chia cắt hàng thế kỉ, công nghệ thông tin, công nghệ mạng có thể làm thay đổi một cách rõ rệt đời sống nông thôn ở các vùng đất phía Bắc. Mặc dù Trung Quốc đang có thế mạnh cạnh tranh trong sự bùng nổ công nghệ thông tin nhưng phần lớn dân số ở nông thôn Trung Quốc lại rất ít khi được tiếp xúc với mạng điện thoại chứ đừng nói đến mạng Internet.

Nắm bắt được khó khăn đó, LHQ đã phối hợp cùng chính phủ Trung Quốc để thành lập ra các trung tâm viễn thông, phục vụ cho các khu vực vùng sâu vùng xa. Và thực tế đã  cho thấy, thông qua Internet, nông dân có thể bắt kịp được với sự phát triển của thế giới. Từ khi có các trung tâm viễn thông, đời sống của nhân dân khu vực này có sự thay đổi mạnh, nhất là về mặt tinh thần.

Người dân ở Makwa cho biết, mùa màng của họ quanh năm bị sâu bệnh, dẫn đến giá cả không ổn định, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân. Nhưng từ khi có Internet, họ đã biết cách tìm ra những biện pháp để bảo vệ mùa màng.

"Nếu xuất hiện sâu  bệnh, bạn hãy đến đây, chúng tôi có thể giúp bạn tìm ra cách phòng trừ" một nông dân có tên là Liu Huzi nói.

Liu Huzi còn cho biết: "Tôi đến trung tâm thông tin để tìm hiểu giá cả ở các thị trường khác. Nhờ đó, tôi biết được rằng giá cả đã lên khoảng 2 tuần nay. Với 20 con lợn tôi kiếm thêm được một khoản khoảng 2000 nhân dân tệ. Tất cả là nhờ có Internet".

Hàng ngày, Liu Huzi thường xuyên truy cập Internet để tìm kiếm những thông tin hữu ích cho mình. Anh nói: "Khi tôi tìm kiếm thông tin về các giống cây trồng và giá cả thị trường trên mạng, tôi thường truyền đạt  lại với dân làng. Tôi nói với họ rằng tất cả những thông tin họ muốn đều có thể tìm thấy trên Internet."

Cũng từ đó, Iternet đã trở thành người bạn không thể thiếu của ngôi làng Makwa. Trong đó cả  phụ nữ. Gao Meixa là một ví dụ, chị đã trở thành một fan hâm mộ Internet.

"Trước đây, thậm chí tôi còn không biết chuột và bàn phím là gì. Tôi  đã hỏi các cán bộ ở đây chuột là gì? Bàn phím là gì? Khi chồng tôi về nhà tôi đã hỏi anh ấy anh có thể gõ tên mình không? Anh ấy trả lời là không. Tôi đã bảo anh ấy rằng: “anh nhìn đây,  em có thể sử dụng máy tính còn anh thì không”.

Vị trí của người phụ nữ đã được nâng cao cả khi ở nhà và ở trong làng. Mọi người bắt đầu lắng nghe họ. Phụ nữ đã có tiếng nói.  Những chương trình dễ hiểu chiếu trên truyền hình cáp là những công cụ giáo dục bổ sung, bao gồm cả các thông tin được lấy xuống từ trên mạng.

Những người dân địa phương khác, như Tian Qiyu- một bác sĩ của làng, cũng sử dụng mạng vào những việc làm hữu ích. Bác sĩ Tian Qiyu cho biết: "Trước đây khi có những ca bệnh khó, chúng tôi thường chuyển họ lên những bệnh viện lớn bởi vì kiến thức của chúng tôi rất giới hạn. Nhưng hiện nay khi có những ca khó như thế chúng tôi đã sử dụng Internet".

Có lẽ, thành quả lớn nhất của dự án này là nhận thức của những người dân trong làng đã thay đổi. Họ đã hiểu ra rằng, nếu muốn xoá đói giảm nghèo thì phải có thông tin. Thông tin chính là tiền bạc. Internet đã giúp cho đời sống của họ bước sang trang mới.

Theo Thành Lưu - Thuỳ Dương
VTV

MỚI - NÓNG