Khám phá bí ẩn của mặt trăng xa nhất trong Hệ Mặt trời

Khám phá bí ẩn của mặt trăng xa nhất trong Hệ Mặt trời
Theo tạp chí khoa học Anh Tự nhiên, thiên thể Sa-rôn không có dấu hiệu có bầu khí quyển, trái ngược với hành tinh mẹ là sao Diêm Vương mà nó quay xung quanh.

Từ Đài quan sát Nam Âu (đặt tại Chi-lê), các nhà thiên văn học đã quan sát được hiện tượng bán nguyệt thực hiếm có từ thiên thể Sa-rôn khi nó bay ngang qua một ngôi sao, và tính được đường kính của mặt trăng Sa-rôn là 1.207 km (khớp với tính toán của một nhóm nghiên cứu Mỹ), bằng già nửa sao Diêm Vương có đường kính 2.300 km và tỷ trọng là 1,71 (tỷ trọng của Trái Đất là 5,5).

Được phát hiện năm 1978, Sa-rôn có thành phần 55 - 60% là đá, còn lại là băng giá và quay quanh rất gần với sao Diêm Vương (khoảng cách giữa 2 hành tinh này chỉ khoảng 20.000 km).

Từ những phát hiện trên, các nhà thiên văn học đặt giả thuyết về một "hệ riêng sao Diêm Vương và Sa-rôn". Với các số liệu hiện có, các nhà khoa học đã đi đến kết luận gần như chắc chắn rằng Sa-rôn không có bầu khí quyển.

Cho đến nay, sao Diêm Vương cũng có những bí ẩn riêng. Nó được một nhà thiên văn học người Mỹ phát hiện vào năm 1930, bầu khí quyển của nó dù rất mỏng (áp suất khí quyển chỉ 10 mi-crô ba-rơ) nhưng vẫn cản trở việc quan sát của các nhà thiên văn.

Ngày 17/1 tới, cơ quan nghiên cứu hàng không vũ trụ Mỹ NASA sẽ phóng vệ tinh thăm dò "Những chân trời mới" nghiên cứu hai thiên thể này. Dự kiến vệ tinh này sẽ tiếp cận mục tiêu vào mùa Hè năm 2015, thời điểm mà bầu khí quyển sao Diêm Vương đang ở chu kỳ biến động lớn nhất, 250 năm một lần.

MỚI - NÓNG