Khi càng nhiều rừng càng nghèo ?!

Khi càng nhiều rừng càng nghèo ?!
TP - Dưới đây, chúng tôi tiếp cận ở một góc nhỏ về nguy cơ cạn kiệt rừng bất chấp hàng loạt chính sách được ban hành, hàng đống tiền của được đổ vào, và các số liệu về thành tích luôn tăng trưởng. Đấy là tiếp cận rừng từ góc độ nghèo đói!

>> Bài 2 - Cây “di cư” lên cao
>> Bài 1 - Bão nối tiếp bão

Khi càng nhiều rừng càng nghèo ?! ảnh 1
“Mưa mới là điều kiện cần chứ chưa phải là nguyên nhân gây ra lũ quét”, TS Trần Duy Bình nói về mối quan hệ nhân quả giữa mưa và lũ quét trên đường khảo sát Bản Hồ (huyện Sa Pa, Lào Cai) từng bị lũ quét nặng nề, đầu năm 2008

Câu hỏi đặt ra là khi các địa phương liên tiếp báo cáo xóa được đói, giảm được nghèo, ta nên mừng hay lo.

TS Trần Duy Bình – Chủ tịch Hội đồng Trung tâm thuộc Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn & Môi trường - nói về mối quan hệ nhân quả giữa mưa và lũ quét: “Mưa mới là điều kiện cần chứ chưa phải là nguyên nhân gây ra lũ quét”.

Theo TS Bình, từ mưa to đến lũ quét và, từ lũ quét đến thảm họa, trách nhiệm chính thuộc về con người, cả chính quyền địa phương lẫn dân bản địa.

Theo nhiều nhà khoa học, độ che phủ bởi rừng ở nước ta có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng. Th.S Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn & Phát triển (CODE), nhắc lại vai trò phòng hộ của rừng trồng: “Xét về giá trị sinh học và bảo vệ đất, rừng trồng dù có sử dụng các loại cây có độ tàn che tốt đến mấy cũng không thể so sánh được với rừng tự nhiên ngay cả khi rừng tự nhiên chỉ ở dạng rừng nghèo kiệt”.

“Ấy vậy mà một số dự án trồng rừng lại thực hiện theo phương thức phá rừng để trồng rừng do khi xây dựng dự án bị thiếu đất, hoặc quy hoạch sai, hoặc có thể do nguyên nhân khác” - Th.S Nhã cho biết đấy là ý kiến của cộng đồng tại hội thảo về quản lý bảo vệ rừng tại Lạng Sơn, Lào Cai năm 2006 do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức.

Thực tiễn cho thấy nhiều nơi đang diễn ra quá trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su như ở Tây Nguyên chuyển 100.000 ha, ở Tây Bắc khoảng 50.000 ha…

Quá trình này dường như không có dấu hiệu chững lại khi đơn vị chủ quản là Bộ NN&PTNT tiếp tục luận chứng với Chính phủ rằng chủ trương đó không sai cả về phương diện pháp lý lẫn môi trường.

Nếu xem xét các thành tích riêng biệt trong bối cảnh tổng thể, nhiều trường hợp, thành tích lại là mặt sau của tấm huân chương. Tại chuyến nghiên cứu của CODE ở Tây Nguyên đầu tháng 8/2008, trao đổi ngoài lề với các nhà khoa học của CODE, một lãnh đạo của tỉnh Kon Tum vui rằng “Dân Quảng Ngãi chê dân Kon Tum tụi tui nghèo. Tui hỏi tại sao tụi tui bảo vệ nguồn nước cho Quãng Ngãi, lưu vực sông Trà Khúc, lại bị chê nghèo. Họ trả lời rằng tại vì Kon Tum còn nhiều rừng. Càng nhiều rừng càng nghèo”.

Nghịch lý này hóa ra lại có thật và được minh chứng theo số liệu của “Báo cáo ngành lâm nghiệp năm 2005” của Bộ NN&PTNT (Chương 3, Bảng 8).

Ba đề xuất nhỏ trước khi hành động lớn

Tổ chức nước ngoài lo cho tỉnh Lào Cai, xin làm hai dự án xây dựng kỹ năng phòng tránh lũ tại hai huyện nguy cơ cao nhất là Sa Pa và Bát Xát. Hai dự án này có số vốn rất nhỏ (một dự án vào năm 2004 và một cho năm 2007, mang tên “Lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng” và “Xây dựng năng lực cho cộng đồng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất tại vùng cao”).

Dự án giúp cư dân địa phương, những người chịu nạn đầu tiên, cách thức quản lý rủi ro và tự cứu mình trước khi trời cứu. Ông Phàn Dào Liềng, xã Bản Hồ, đã biết cách phòng tránh lũ khi lũ về chứ không đợi chính quyền bố trí cho di cư, lâu mà tốn tiền. Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, Bản Hồ chìm nghỉm nhưng chỉ có một người chết, một cô giáo liều lĩnh lội qua suối lúc nước đang dữ.

Đáng tiếc, các can thiệp thiết thực không được nhân rộng kịp thời. Hai huyện hưởng thụ dự án lại bị thiệt hại nhất sau đợt mưa lũ lịch sử bởi bão số 4 (Sa Pa có năm người chết, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng; Bát Xát có 59 người chết và mất tích). Bát Xát là huyện duy nhất ở Lào Cai có người tử nạn do mưa lũ sau bão số 6 vừa qua.

Một trong những bước đi đầu tiên để mở mặt trận thứ hai ứng phó với biến đổi khí hậu trên miền núi, một số ý kiến cho rằng, nên sớm tổng kết và phổ biến các bài học rút ra từ các thiên tai gần đây để, ít nhất trong ngắn hạn, giúp dân vùng lũ giảm thiểu thiệt hại.

“Thay vì đưa công nghệ từ ngoài vào như lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ vừa tốn kém vừa không hiệu quả, tôi cho rằng, biện pháp có tác dụng tức thì là tổng kết và phổ biến kinh nghiệm từ các địa phương chịu ảnh hưởng của gia tăng thiên tai” - Ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTV tỉnh Lào Cai, đề xuất.

Dựa trên những gì vừa xảy ra ở địa phương mình, ông Hải nêu mấy đề nghị cấp bách sau đây. Thứ nhất, kiên quyết lập lại trật tự trong xây dựng và phát triển khu dân cư ở vùng cao. Địa phương nào không thực hiện được theo chỉ đạo, cần cách chức lãnh đạo địa phương đó.

Thứ hai, đưa ngành điện vào lực lượng phòng chống lụt bão. Tại xã Tuy Lộc (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), đợt mưa lũ từ ngày 8-10/8/2008, có hai vợ chồng bị chết do điện giật. Lũ dâng cao tràn vào nhà, hai vợ chồng chạy đồ đạc từ tầng một lên tầng hai. Mải mê chạy lũ, nước lên nhanh làm ngập chìm đường dây điện ở tầng một. Điện rò rỉ, giật chết cả hai vợ chồng.

Theo ông Hải, qua trường hợp thương tâm này, cần có cơ chế phối hợp để, sao cho, người phụ trách mạng lưới điện cơ sở phải có trong tay bản đồ ngập úng khu vực mình phụ trách do ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương cung cấp; cần xây dựng chế độ công tác sao cho ngành điện có thể thường xuyên nắm bắt tin tức các cấp báo động lũ trên các sông suối.

Trên cơ sở đó, cơ quan phụ trách phân phối điện đề ra quy chế cho phép nhân viên phụ trách khu vực nước dâng cao, ngập úng đến mức nguy hiểm nào thì có quyền và trách nhiệm cắt nguồn điện.

Đối phó dài hơi hơn, ông Hải đề nghị thiết kế lại đường dây tải điện cho các khu vực hay bị ngập theo từng cấp báo động, sao cho, chỉ cắt điện các khu vực ngập úng nguy hiểm, các nơi chưa đến mức độ nguy hiểm vẫn bảo đảm điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Thứ ba, ông Hải đề xuất sớm xây dựng các dự án tập huấn cho cư dân các tỉnh vùng núi sinh sống gần các sông ngòi, khe lạch, cách phát hiện biểu hiện khác lạ của tiếng động dòng chảy mùa mưa. “Cần tuyên truyền và phổ biến khuyến cáo như, nếu thấy xuất hiện các đợt mưa lớn kéo dài, nước sông suối chảy tiếng réo có sự khác lạ, phải di chuyển gấp chẳng hạn” - Ông Hải nói.

Đề xuất này xuất phát từ trường hợp thoát chết hy hữu của một số gia đình ở tâm lũ quét mới đây. Trận lũ quét rạng sáng 9/8/2008, cuốn bay 19 nhà của bản Tùng Chỉn I (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai) làm 21 người chết và mất tích. Tại đây có gia đình thoát nạn nhờ sự tỉnh táo như trường hợp gia đình ông Lý Seo Sài, cựu chủ tịch xã Trịnh Tường.

Ông Lý Seo Sài kể lại: “Tôi thường hay mất ngủ. Đêm đó trời mưa quá to và kéo dài, nằm nghe tiếng động của nước suối Tùng Chỉn chảy có nhiều khác lạ so với các đợt lũ trước. Linh cảm mách bảo, tôi vội vàng gọi mọi người trong nhà, cả thảy bảy người, đang ngủ chạy lên đồi cao”. Sau đó, ông Sài kịp quay lại báo cho hai gia đình giáp bên chạy theo thì lũ ập về”.

Giữ rừng

Ông Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên &Môi trường Lào Cai, nói: “Gia tăng các cực đoan thời tiết là nghiêm trọng nhất. Dịch bệnh giờ có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong năm”.

Tôi đem câu “Để ứng phó với biến đổi khí hậu ở miền núi, ngoài các đề xuất khẩn cấp nêu trên, việc quan trọng nhất cần làm là gì?” để hỏi nhiều nhà khoa học. Câu trả lời mà tôi nhận được là: “Phục hồi và giữ rừng”. Làm thế nào? Đáng chú ý nhất có lẽ là kiến nghị của TS Trần Duy Bình: “Đổi rừng lấy lương thực”.

Ông Lưu Minh Hải hàng chục năm làm Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai, đơn vị có vẻ gần gũi nhất với đề tài biến đổi khí hậu so với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Thế mà ông vẫn thành thực: “Biến đổi khí hậu cực kỳ mới mẻ đối với chúng tôi”, và không quên lưu ý: “Nhiều người rất thờ ơ”. Được hỏi về Lào Cai, ông cảnh báo: “Nhiều giống cây bản địa sống trên các vành đai núi cao bị đe dọa thoái hóa, thậm chí mất dần nếu không có sự theo dõi và biện pháp bảo vệ kịp thời”.

Ngoài ra “hàm lượng khí nhà kính tăng, dẫn tới tăng sinh khối khi nhiệt độ nằm trong khu vực tối thích. Điều này chủ yếu xảy ra vào mùa lạnh đối với vùng thấp và sẽ lan ra  các vành đai núi vừa, núi cao thuộc Hoàng Liên Sơn, vùng núi cao thuộc huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, v.v…”.

Trước tình thế ấy, điều lo ngại nhất bây giờ là gì? Ông Hải chia sẻ: “Các cấp các ngành chưa động thủ gì. Chưa có chỉ đạo, chúng tôi chưa biết triển khai gì. Cấp trên không có văn bản xuống, cấp dưới chịu thôi”. Ông kết luận: “Đối phó với biến đổi khí hậu, một cấp một ngành đơn lẻ không làm được”. 

MỚI - NÓNG