Khó nhân rộng mô hình làm sạch hồ Văn

Khó nhân rộng mô hình làm sạch hồ Văn
TP - Gần 3 tháng sau khi nhóm các nhà khoa học trẻ thuộc Vườm ươm DN (khu Công nghệ cao Hòa Lạc) thử nghiệm hoạt chất LTH 100 làm sạch nước hồ Văn (Hà Nội), giới khoa học đặt nhiều câu hỏi hoài nghi tác dụng của loại hóa chất này.

>> Hà Nội: Nước hồ Văn đã sạch nhờ công nghệ

Khó nhân rộng mô hình làm sạch hồ Văn ảnh 1
Làm sạch hồ Văn bằng hoạt chất LTH100. Ảnh: M.H

Ý kiến chung là không thể áp dụng phương pháp này ra các hồ khác nếu không muốn hủy diệt đa dạng sinh học và sinh vật đặc hữu ở mỗi hồ.

Có thể thay LTH 100 bằng vài chục chất khác tương đương

PSG.TS Lê Văn Cát, chuyên gia hóa học, Viện hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, ông hoan nghênh ý tưởng làm sạch hồ Văn của nhóm nhà khoa học thuộc Vườn ươm, nhưng ông “không đánh giá cao LTH 100” và “có thể chỉ ra ba chục chất tương đương!”.

“Trên thế giới và ngay tại Việt Nam, có rất nhiều chất diệt tảo. Chẳng hạn, ở các hồ bơi hiện nay, người ta diệt tảo bằng sunfat. LTH 100 giống như bất cứ chất khử trùng nào trong nước và đây thực ra đây là biện pháp dọn tảo.

Giai đoạn mới chết, tảo nổi, nhưng để lâu thì rụng xuống đáy hồ, gây thối rữa. Như vậy nếu dọn không khéo thì “mèo vẫn hoàn mèo”, hồ vẫn bẩn như thế. Có lẽ nhóm này cố gắng vớt nhanh khi tảo chưa rụng. Nhưng có đảm bảo luôn luôn vớt được tảo trước khi nó rụng xuống hay không?” - PGS Cát nói.

Chuyên gia hóa học này khẳng định, việc nhóm tác giả LTH 100 nói hoạt chất này có tác dụng oxy hóa chất hữu cơ, khử được nitơ, phốt pho và kim loại nặng là không đúng vì không có công cụ nào làm được tất cả việc đó.

Thực tế, LTH100 là chất oxy hóa, được cho thêm phụ gia vào để tăng độ bền, khi cho vào nước, với nồng độ thấp, các chất này thâm nhập vào tế bào tảo làm chết tảo. Cơ chế hoạt động của LTH100 chỉ đơn giản là như vậy.

Một chuyên gia về tảo, TS Dương Đức Tiến, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định, nếu làm quyết liệt, hoàn toàn có thể làm hồ Văn sạch nhìn thấy đáy!

Trước đó, đã có một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về hồ Văn một cách kỹ lưỡng với những đánh giá hết sức khoa học về hệ sinh thái, đa dạng sinh học của hồ. Tuy nhiên, làm sạch tới mức đó nghĩa là biến hồ Văn thành một cái bể bơi!

“Theo Luật đa dạng sinh học hiện nay, ai phá hoại đa dạng sinh học đều bị phạt. Phải thận trọng, đừng vị một sự vô ý không cần thiết mà phạm luật! Mọi hồ chứa, ao, sông đều là tài nguyên, là một cơ thể sống được cấu tạo bởi nhiều chất, sinh vật, vi sinh vật. Tác giả giỏi phải biết trân trọng đa dạng thành phần loài”. – TS Tiến nhấn mạnh.

Nhà Rùa học Hà Đình Đức thì lo ngại nhóm tác giả này đã xem xét tới khía cạnh lịch sử của hồ Văn hay chưa? Theo ông, mỗi hồ có một đặc điểm riêng, một quần thể đa dạng sinh học riêng mà có thể thế hệ hôm nay chưa đánh giá hết được. Hình thành cả một hệ sinh thái như hồ Văn đang có hiện nay phải mất trăm năm, nghìn năm. Nhưng xóa đi một hệ sinh thái thì chỉ cần một buổi là xong!

Ông cũng chỉ ra thiếu sót trong kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm tác giả LTH 100. Theo đó, có 32 chỉ tiêu về tiêu chuẩn nước mặt, nhưng trong báo cáo kết quả của tác giả Nguyễn Phú Tuân, chỉ có 9 chỉ tiêu, trong đó lại thiếu chỉ tiêu quan trọng nhất liên quan đến sự sống còn của các sinh vật, đó là DO.

Các nhà khoa học khuyến cáo, không thể đem LTH 100 đi ứng dụng làm sạch các hồ khác vì mỗi hồ có một đặc điểm, một hệ sinh thái riêng. “Mang công nghệ này từ hồ Văn ra hồ Hoàn Kiếm hay bất kỳ hồ nào khác thì Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận. Nhất là khi nói đến loài tảo vi đặc hữu”. – GS.TS Đặng Đình Kim, Phó Viện trưởng  Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khọc học và Công nghệ Việt Nam, quả quyết.

Chưa nghiên cứu đa dạng sinh học hồ Văn trước khi thử nghiệm

Nếu thời điểm cách đây gần 3 tháng, TS Nguyễn Phú Tuân, tác giả của LTH 100, khẳng định sẽ mang LTH 100 đi thử nghiệm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch thì tại buổi thảo luận mới đây với giới khoa học, anh nói lại “đó mới là ý định”.

Anh cũng cho biết biện pháp làm sạch nước hồ Văn là giải pháp tổng thể chứ không đơn thuần sử dụng công nghệ. Ngoài hợp chất LTH 100, nhóm nhà khoa học trẻ này còn sử dụng thêm chế phẩm vi sinh vật của Viện Công nghệ môi trường, thả cá, bèo tây, rau muống, v.v…, đồng thời vận động người dân không xả rác xuống hồ.

Trả lời câu hỏi nhóm đã nghiên cứu khảo sát đa dạng sinh học của hồ Văn trước khi tiến hành thử nghiệm làm sạch bằng LTH 100 hay chưa, TS Tuân thừa nhận là chưa, mà làm vì “thấy hôi thối quá. Dân sống quanh khu vực hồ Văn cũng không thể ngửi được!”.

Trước những thông tin nói trên, GS.TS Đặng Đình Kim, Phó Viện trưởng  Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng, ít nhất tác giả của LTH 100 cũng phải phân tích chất lượng của nước hồ Văn như thế nào, sau đó mới đưa ra thực tế. Việc trước đó phương tiện thông tin đại chúng nói chế phẩm này đã được Viện Công nghệ Môi trường ứng dụng là không đúng.

Các nhà khoa học nhận định, việc một Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định sẽ dùng LTH100 xử lý sông Tô Lịch trên các phương tiện truyền thông thời gian qua là “thiếu thận trọng”. Lý do là việc xử lý một thủy vực tĩnh như hồ Văn hoàn toàn khác các dòng chảy.

Ngày 26/6/2008, nhóm các nhà khoa học trẻ thuộc Vườn ươm doanh nghiệp (khu Công nghệ cao Hòa Lạc) tiến hành thử nghiệm làm sạch nước hồ Văn bằng hợp chất LTH 100. Theo nhóm nghiên cứu, hợp chất này có thể dùng được ở quy mô gia đình cũng như công nghiệp, bãi rác, nước sông… 

Sau khi làm sạch nước hồ, nhóm cho thả một số cá chép, cá rô phi, đến nay cá vẫn sống khỏe và sinh sôi nảy nở. Nhóm cho rằng có thể cung cấp đủ số lượng hóa chất nếu được triển khai xử lý toàn bộ sông Tô Lịch.

MỚI - NÓNG