Kỹ sư nông dân

Kỹ sư nông dân
TP - Căn nhà nhỏ bên sông ở ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh (Thới Lai, Cần Thơ), treo bảng Cơ khí Hoàng Liêm cùng câu khẩu hiệu “Tất cả vì nông dân, vì một nền nông nghiệp hiện đại” nghe thật kêu.

Ông chủ Hoàng Thanh Liêm từ ruộng chạy về, chân tay bê bết sình đất, cười nói: “Đồng ruộng là máu thịt, cơ khí là hơi thở, không bỏ cái nào được nên vất vả”.

Kỹ sư nông dân ảnh 1
Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm và máy xúc nông sản - Ảnh: K.G

Máy xúc nông sản

Chiếc máy xúc nông sản của Hoàng Thanh Liêm đang là một sáng chế có tiếng vang, khắp nơi mời trình diễn, hội chợ khắp nước mời tham gia. Chiếc máy anh mất hai năm nghiên cứu và chế tạo.

“Nông nghiệp làm ra sản phẩm rất vất vả nhưng việc phơi trở thu gom cũng vất vả không kém, nên tôi mới quyết làm chiếc máy”, anh Liêm tâm sự. Chiếc máy đầu tiên xuất xưởng, anh kéo đi thử ở một sân phơi trong ấp, bà con khoái quá đặt tiền lấy liền. 

Chiếc máy tựa chiếc xe đẩy, phía trước có bộ phận guồng quạt để cào nông sản vào trong khoang. Ở đó, một trụ đứng có guồng xoáy trôn ốc bên trong đưa nông sản lên và chảy ra ống vào bao.

Chiếc máy thu gom được nhiều loại nông sản hạt, vun đống hoặc đang trải trên sân. Nông dân chỉ việc đẩy chiếc xe đi trên sân phơi. Nếu mệt, gạt số tự động, máy sẽ tự vận hành.

Công suất 3-4 tấn/giờ, tương đương hai lực điền làm trong một buổi. Máy chạy điện, mỗi giờ tốn 1,5 kw, giá 6 triệu đồng.

Anh Liêm đang đầu tư mở rộng nhà xưởng để sản xuất đại trà, khi đó giá chiếc máy sẽ rẻ hơn. Mở xưởng cơ khí cũng là ước mơ anh ấp ủ từ lâu, từ ngày bỏ phố về làng.

Kỹ sư của đồng ruộng

Năm 1989, Hoàng Thanh Liêm tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và làm việc một số nơi. Năm 2000, kỹ sư  Liêm bỏ việc ở doanh nghiệp để về ấp Thới Khánh làm ruộng.

Năm 1990, bản vẽ máy sấy lúa lưới ràng của kỹ sư Hoàng Thanh Liêm đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang (cũ). Năm 2007, chày trỉa hạt và năm 2009 máy xúc nông sản của Liêm đều đoạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ.

Anh kể, nhà có 3 anh em, ai cũng làm cán bộ công chức, cha mẹ già để ruộng không. “Làm nông mới hiểu sự vất vả của người làm việc thủ công, cần máy móc để đỡ sức biết chừng nào”, Liêm kể về con đường trở thành kỹ sư đồng ruộng của mình. Cũng từ đó, ngày quần quật trên ruộng, tối anh lại cắm cúi vào các bản vẽ.

Năm 2004, Liêm làm được cái chày trỉa đậu. Trước kia, để trỉa đậu, cần hai người, một người đi trước cầm cọc chọc lỗ, người đi sau bỏ hạt vào. Cái chày của Liêm gồm một ống dài, trên có hộp đựng hạt.

Đâm ống xuống đất chọc lỗ, hạt từ hộp rơi xuống lỗ vừa đâm. Có bộ phận điều chỉnh để dùng cho nhiều loại hạt cần gieo: đậu xanh, đậu nành, bắp, đậu phộng. Dùng chày, hạt giống không rơi vãi ngoài lỗ, còn năng suất một người hơn hai người lúc trước.  

Giá chày chỉ 130.000 đồng, anh lời 15%. Năm sau, anh Liêm cải tiến cái chày thành xe đẩy gieo hạt. Bánh xe có các lỗ cách đều nhau, vừa chọc lỗ vừa tra hạt, xe lăn tới đâu hạt giống rớt tới đó, đều tăm tắp. Người gieo hạt, vừa đi vừa ngửa mặt nhìn trời đất, không phải cúi gằm như trước nữa.

MỚI - NÓNG