Lá chắn tên lửa mới của Nhật Bản

Lá chắn tên lửa mới của Nhật Bản
TP - Ngày 17/12/2007, từ khu trục hạm Kongo, Nhật Bản thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn SM-3 do hãng Raytheon của Mỹ chế tạo và hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS cũng của Mỹ.
Lá chắn tên lửa mới của Nhật Bản ảnh 1
Hệ thống phòng thủ tên lửa trên tuần dương hạm Nhật Bản

Tên lửa mục tiêu bị tiêu diệt ở độ cao khoảng 70 km trên Thái Bình Dương. Theo tuyên bố của đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần đánh chặn thử nghiệm đầu tiên.

Dự kiến, tên lửa đánh chặn SM-3 cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa “AEGIS” hiện đại nhất sẽ được đưa vào trang bị cho các khu trục hạm của Nhật Bản nay mai.

Với tư cách là đồng minh mạnh nhất, tin cậy nhất và gần gũi nhất của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, lại có vị trí địa lý đặc biệt, khả năng công nghệ hiện đại, Nhật Bản đang tham gia tích cực nhất vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà Mỹ xây dựng.

Hệ thống này được xây dựng trên lãnh thổ Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Ở Nhật Bản, hệ thống này bao gồm tổ hợp các dàn phóng tên lửa Patriot PAC-3 bố trí trên mặt đất và hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 bố trí trên biển, chủ yếu là bố trí trên các khu trục hạm của hải quân Nhật Bản được lắp hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS do Mỹ chế tạo.

AEGIS là hệ thống thông tin chỉ huy, cho phép các chiến hạm nổi trao đổi thông tin về tình huống trên biển và chỉ mục tiêu theo thời gian thực.

Hệ thống AEGIS được bắt đầu triển khai từ những năm 1980 nhằm bảo vệ các cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ chống lại tên lửa đối hạm của Liên Xô.

Đến giữa những năm 1990, Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển tên lửa SM-3 để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Mỹ đã 11 lần phóng thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3, trong đó có 9 lần thử nghiệm thành công.

Để sử dụng tên lửa SM-3, Mỹ đã tiến hành trang bị lại 6 khu trục hạm.

Hạm đội Nhật Bản còn được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa trên chiến trường TMD (Theather Misile Defense) để bảo vệ các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản chống lại đòn tiến công của tên lửa tầm trung.

Ngoài ra, tính năng của tên lửa SM-3 cho phép đánh chặn tên lửa đường đạn trong giai đoạn vừa rời khỏi dàn phóng.

Khả năng này làm cho các khu trục hạm của Nhật trở thành mối đe doạ nghiêm trọng đối với các tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang trực chiến trên biển Okhod.

Trong tương lai, lực lượng này có thể được bổ sung thêm các khu trục hạm của Hàn Quốc cũng được trang bị hệ thống AEGIS và tên lửa đánh chặn SM-3.

Về hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền, Nhật đang xúc tiến triển khai tổ hợp tên lửa phòng không “Patriot” do Mỹ cung cấp.

Tại căn cứ không quân Iruma ở phía Bắc Tokyo, Nhật bố trí 2 tổ hợp tên lửa phòng không đầu tiên Patriot để bảo vệ thủ đô chống lại đòn tiến công tên lửa tiềm tàng từ CHDCND Triều Tiên.

Theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản, đến năm 2010, tại 10 căn cứ quân sự trên toàn lãnh thổ xứ mặt trời mọc sẽ bố trí 30 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, không phụ thuộc vào tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Từ năm 2003, Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết sách xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa riêng của họ sau khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo về phía hải phận đảo Honsu của Nhật Bản.

Cuối tháng 10/2006, Mỹ đã hoàn thành việc triển khai một tiểu đoàn tên lửa phòng không tại căn cứ không quân Kaden trên đảo Okinawa của Nhật Bản.

Có 6 tổ hợp tên lửa phòng không “Patriot” với 24 tên lửa đánh chặn, các trạm rađa và thiết bị phụ trợ đã được điều đến đây từ căn cứ Fort-Bliss của Mỹ.

Hành động triển khai này đã được thông qua trong thỏa thuận Mỹ-Nhật Bản về việc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản để chống lại mối đe doạ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

Tổ hợp tên lửa “Patriot” có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn từ cự ly 1.000 km trong giai đoạn cuối của quỹ đạo để bảo vệ các mục tiêu đặc biệt quan trọng.

Lê Minh Quang
Theo “Lenta.ru”

MỚI - NÓNG