Làm gì có mạng xã hội “made in Vietnam”!

Làm gì có mạng xã hội “made in Vietnam”!
Nhận định có phần cực đoan này, ngẫm lại, cũng… đúng. Nhìn lại một khoảng thời gian phát triển rầm rộ, ngốn một núi tiền và quá chừng giấy mực, mạng xã hội VN chỉ mới chập chững trên con đường làm chủ thế giới web 2.0.

Dù bị bỏ rơi một cách oan uổng sau rất nhiều sự thay đổi bất thành, Yahoo! 360 vẫn luôn là lựa chọn lớn nhất khi đề cập đến mạng xã hội tại VN vì tính phổ biến và tiện dụng của nó. Với lợi thế tuyệt đối từ Yahoo! Messenger và Yahoo! Mail là những ứng dụng “thống lĩnh thị trường VN”, Yahoo! 360 còn có một ưu thế lớn so với các mạng xã hội khác là hoạt động không cần… giấy phép ICP (nhà cung cấp nội dung lên Internet) của cơ quan quản lý văn hóa.

Chính vì thế, các blog Yahoo! mặc tình tung tẩy những thông tin thuộc dạng “nhạy cảm” nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều đáng chú ý, Yahoo! 360 là ứng dụng đầu tiên mà toàn bộ nội dung được tạo ra bởi người sử dụng, không có sự “mồi chài” của một số nhân viên được trả tiền như hầu hết các mạng khác hiện nay. Thế nhưng, sự lười nhác trong việc chăm sóc khách hàng, sự chập chờn của hệ thống kỹ thuật và những “âm mưu đen tối” trên Yahoo! 360 của ngày càng đông thành viên đã làm nản lòng những người sử dụng khác, dẫn đến sự dễ dàng… ra đi của những khách hàng trung thành khi có một bến đỗ khác tốt hơn.

Những “đại gia” khác trong làng mạng xã hội như Friendster, Hi5, Facebook hay LinnkedIn cũng bắt đầu chuyển động mạnh mẽ theo cách này hay cách khác để chiếm lĩnh thị trường VN. Nếu như Friendster đã thật sự “đổ bộ” bằng việc Việt hóa ngôn ngữ của trang mạng này (Tuổi Trẻ, 29-5-2008), thì các ứng dụng khác cũng chiêu dụ người dùng bằng việc tạo ra những “nhân sự chủ chốt” tham gia sử dụng và kêu gọi cộng đồng gia nhập.

Cơ hội vẫn còn bỏ ngỏ

Xem lại định nghĩa mục tiêu của mạng xã hội ảo trên Wikipedia, sẽ thấy rằng chừng nào các mạng xã hội còn quay vòng với việc tụ tập đám đông mà chưa đáp ứng nhu cầu lớn hơn là “nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội” thì cơ hội vẫn còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, trước những “cửa khó” về mặt kỹ năng lướt web, văn hóa chia sẻ và tính ỳ của cộng đồng người dùng VN, những cố gắng của những trang mạng đang làm mưa làm gió trên thế giới vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, mặc cho người dùng VN vẫn tiếp tục… chờ đợi.

Chưa có “siêu lợi nhuận”

“Sống bằng niềm tin” - đó là cách nói của một chuyên gia khi đề cập đến sức khỏe tài chính của hàng loạt website được giới thiệu là mạng xã hội tại VN. Dù nhận được hàng đống tiền từ các nhà đầu tư, những ứng dụng web 2.0 trong nước vẫn còn rất vất vả trong việc chứng minh khả năng thực của mình. Chưa nói gì đến khả năng tạo ra lợi nhuận khổng lồ từ ngành kinh doanh trực tuyến tưởng chừng rất tiềm năng này.

Quả thật, tham gia ngày càng sâu vào yobanbe, cywee, thehetre hay tamtay, mới thấy mọi ứng dụng đều… giống nhau. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những entry đầy cố gắng của những thành viên… được trả tiền, những đoạn phim, đoạn nhạc ít khi có bản quyền và những cuộc thi không thật sự thu hút đám đông tham gia. Ngoài ra, sự hạn chế của những phiên bản đã được VN hóa của các mạng xã hội lớn cũng không thật sự thuyết phục người dùng trong nước, vốn có những nhu cầu rất khác biệt và chưa được định hình.

Không khó để có thể thấy ngay ngoài cyworld thông báo rộng rãi việc mình là phiên bản của trang mạng thành công nhất Hàn Quốc, thì những faceviet.vn, vietspace.net.vn hay truongxua.vn, clip.vn đều chỉ là một cách “bản địa hóa” chưa có gì nổi trội để có thể cạnh tranh với các site toàn cầu.

Bởi chưa đủ sức thuyết phục nên việc kiếm tiền vẫn là những điều ở thì tương lai. Những con số đổ vào nhiều trang mạng đã lên đến hàng triệu USD như một cuộc đua tiền của những nhà đầu tư khác nhau. Dù là sống bằng tiền “buôn bán” đồ ảo trên mạng, bằng tiền thu quảng cáo trực tuyến hoặc bằng bán sản phẩm thực dựa vào thương hiệu và cộng đồng ảo, thì cũng chưa có điểm sáng nào trên thực tế.

“Đất” vẫn trống

Một khảo sát 15 mạng xã hội hàng đầu VN của tiến sĩ Lê Minh Đạt cho thấy việc tiêu tốn nhiều tiền không giải quyết được vấn đề thu hút người dùng. Chàng trai 26 tuổi đang làm việc cho dự án Boeing vừa về quê lập nghiệp đưa ra một bức tranh khác: vẫn còn rộng đất dành cho những người thật sự muốn tham gia cuộc chơi mạng xã hội tại VN.

Quả vậy, chừng nào thị trường chưa có một “người dẫn đầu” thực thụ, thì mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ cho hàng loạt dự định mới, khát vọng mới của một đoàn người trẻ chuẩn bị nhảy vào cuộc chơi của những “nút mạng” và hệ thống nhánh của nó.

Theo Trần Nguyên
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG