Làm sạch nước : Dùng Cloramin hay Clorua Vôi?

Làm sạch nước : Dùng Cloramin hay Clorua Vôi?
TP - Dùng Cloramin để làm sạch nước sinh hoạt trên diện rộng ở các vùng lũ lụt cần hết sức cẩn thận, chuyên gia hóa học ở Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam khuyến cáo.
Làm sạch nước : Dùng Cloramin hay Clorua Vôi? ảnh 1
Người dân vùng lũ sẽ sử dụng phương pháp nào để làm sạch nước sinh hoạt khi mà Cloramin B vẫn gây tranh cãi

Theo PGS.TS Lê Văn Cát, Cloramin là hợp chất hóa học hữu cơ có chứa ion Clo dương gọi là Clo hoạt động. Clo hoạt động có tác dụng khử trùng, diệt vi khuẩn trong nước, ở một nồng độ nhất định.

Nhà khoa học lưu ý, vì chỉ Clo dương có tác dụng diệt khuẩn nên thông thường người ta quy một hợp chất có chứa Clo dùng để tiệt trùng ra lượng Clo dương hay còn gọi là Clo hoạt động. Chẳng hạn,  mỗi kilôgam Cloramin B dùng để làm sạch nước hiện nay chứa 250 đến 290 gram Clo dương hay Clo hoạt động.

Có nghĩa là ion Clo âm trong muối ăn không có tác dụng diệt trùng. Nói cách khác, muối ăn không thể tiệt trùng bằng phương pháp hóa học. Nhưng thực tế, người ta thường rửa vết thương bằng muối ăn nồng độ đặc. Trong trường hợp đó, vi trùng bị chết không phải do tác dụng hóa học của ion Clo mà là do môi trường vật lý nước muối đặc khiến chúng không sống được.

Nhà khoa học, khuyến cáo phải bỏ ngay ý nghĩ dùng muối ăn để tiệt trùng nước. Đấy là chưa kể, một khi cho muối ăn vào nước cần làm sạch, nước đó không thể dùng để nấu nướng được do nó đã thành nước mặn.

Để dùng Cloramin B, mỗi người phải là một chuyên gia hóa học

Trở lại với Cloramin B, theo chủ cửa hàng hóa chất ở 18 Lê Thánh Tông, Hà Nội, Cloramin B hiện được bán với giá khoảng 65.000 đồng/kg.

Vấn đề là, ngay với cả Clo dương hay Clo hoạt động, hàm lượng Clo cho vào nước cần làm sạch phải vừa đủ mới có tác dụng diệt khuẩn. Sau khi diệt khuẩn khoảng nửa tiếng, lượng Clo dư còn lại chừng 1-2 g/m3 nước là đạt yêu cầu.

Nếu lượng Clo hoạt động ít hơn hoặc nhiều hơn giới hạn trên, Clo hoạt động hoặc sẽ không có tác dụng hoặc gây nguy hiểm với sức khỏe người dùng.

Để biết hàm lượng Clo dương dư nằm trong giới hạn cho phép, có thể dùng biện pháp đơn giản như sau:

Lấy vài hạt kali iốt (công thức hóa học là KI) bé như hạt đường kính cho vào cốc nước múc từ thùng nước sau khi được tẩy trùng nửa tiếng bằng Cloramin B. Nếu cốc nước không chuyển màu, chứng tỏ nước còn thiếu Clo hoạt động hay, cụ thể là, Cloramin B. Động tác tiếp theo đương nhiên là phải bổ sung Cloramin B vào thùng chứa nước cần làm sạch.

Còn nếu cốc nước chuyển màu vàng, coi như đã có Clo hoạt động dư. Nhưng vấn đề là dư bao nhiêu để đủ tiêu diệt vi trùng và để không dư quá nhiều nhằm tránh lãng phí và, nhất là, tránh gây nguy hại đến sức khỏe người dùng.

Để làm việc đó, nhà khoa học có hơn 30 năm kinh nghiệm trong phòng thí nghiệm chỉ dẫn, dùng hồ tinh bột, như nước cháo nấu từ gạo chẳng hạn. Nhỏ hồ tinh bột vào cốc nước màu vàng trên, nước sẽ chuyển màu xanh.

Nếu màu xanh nhạt lượng Clo dư coi như chưa đủ lớn, nước chưa được tiệt trùng. Nếu màu xanh đậm, lượng Clo dư lại quá đặc. Phải pha loãng nước vừa làm sạch bằng nước chưa làm sạch để giảm hàm lượng Clo hoạt động dư xuống ngưỡng an toàn.

Sơ sểnh là có hại cho sức khỏe

PGS.TS Lê Văn Cát, người vừa tham gia giảng dạy kỹ thuật làm sạch nước cho hơn 50 tỉnh thành từ đầu năm 2007 đến nay, nhấn mạnh hàm lượng Clo dư cao cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe. “Dùng nước sau khi làm sạch có hàm lượng Clo dư lớn có nguy cơ mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, nhất là ung thư” - PGS.TS Lê Văn Cát nói.

Nhưng thực tế cho thấy, vẫn theo PGS Cát,  rất ít người bình thường biết cách thực hiện các thao tác nêu trên dù trong nhà họ có Cloramin B.

So với các hóa chất khử trùng thuộc nhóm Clo khác, Cloramin còn dễ gây rủi ro cao cho người dùng do chúng thuộc nhóm hữu cơ. “Ion Clo dương rất dễ phản ứng với hợp chất hữu cơ để gây ra hợp chất mới, trong đó có dioxin, có nguy cơ gây ung thư trên người” - PGS Cát cảnh báo.

Khó bảo quản và đắt

Không những độc hại, Cloramin B còn khó bảo quản hơn và, nhất là đắt hơn, so với các hợp chất Clo có tác dụng khử trùng khác. Bảo quản không tốt, hàm lượng Clo hoạt động trong Cloramin B sẽ giảm và giảm hiệu năng khử trùng.

Liên quan đến giá thành, Cloramin B thuộc nhóm đắt đỏ. Trên thị trường Việt Nam hiện có các loại hóa chất chứa Clo có tác dụng khử trùng như khí Clo (công thức hóa học là Cl2), nước Javen (dung dịch NaOCl 8 phần trăm), Canxihypocloro hay còn gọi là Clorua Vôi (Ca (OCl)2), và Cloramin.

Theo PGS.TS Lê Văn Cát, tất cả các hợp chất này khi cho vào nước đều tạo ra ion Clo dương hay còn gọi là Clo hoạt động. Một kilôgam khí Clo có thể tạo ra một kilôgam Clo hoạt động và được bán với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg. Còn nước Javen với giá 2000 đồng/lít, mỗi lít có thể cung cấp 80 gram Clo hoạt động.

Với Clorua Vôi, một kilôgam dạng rắn, bán với giá 17.000 đồng– 18.000 đồng/kg, có thể cung cấp 650 gram Clo hoạt động.

Trong khi đó một kilôgam Cloramin cung cấp 250-290 gram Clo hoạt động. Với Cloramin B hiện giá khoảng 65.000 đồng/kg, có thể dễ dàng suy ra giá thành Cloramin B tính trên đơn vị Clo hoạt động thuộc dạng gần như đắt nhất.

Vậy nên dùng chất nào trong số các hóa chất trên để thay thế Cloramin B vừa rẻ hơn vừa an toàn và tiện vận chuyển hơn?

Vẫn theo PGS.TS Lê Văn Cát, dùng khí Clo là không được. Đơn giản vì ai cũng biết phải dùng bình áp lực, vừa nguy hiểm vừa không tiện lợi cho vùng lũ. Nước Javen rất rẻ nhưng PGS Cát khuyên cũng không nên dùng. Dung dịch này rất dễ bị pha loãng. Kể cả khi bị pha loãng, mùi của chúng vẫn hắc nên người mua rất khó phân biệt và phát hiện. “Không ít người bán hàng thiếu lương tâm sẵn sàng pha loãng nước Javen dù biết đấy là nước mang về cho dân vùng lũ” - PGS Lê Văn Cát cảnh báo từ thực tiễn đi cơ sở của ông.

PGS Cát khuyến cáo nên dùng Clorua Vôi vì nó đáp ứng tất cả các đòi hỏi như rẻ, an toàn, thuận tiện trong vận chuyển và, nhất là, không sợ bị làm giả. “Giá cao nhất trên thị trường thời kỳ có dịch cũng chỉ 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, đây lại là loại rắn, có cấu trúc và màu sắc đặc trưng. Sản phẩm rắn này, vì thế, vừa dễ vận chuyển vừa không sợ bị làm giả”, PGS Cát nói.

Đã khuyến cáo nhưng...

Nếu Clorua Vôi có nhiều ưu điểm như thế, tại sao không thay cho Cloramin B? Tại sao nhà khoa học không khuyến cáo ngành y tế?

“Tôi không biết các nhà khoa học hay đơn vị khoa học khác phản ứng thế nào nhưng tôi không biết bao nhiêu lần trình bày những lợi và hại nhỡn tiền ấy với các cơ sở y tế. Hầu như không ai nghe” - PGS.TS Lê Văn Cát nói.

Ông đề nghị Chính phủ sớm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi giới khoa học và xem xét sớm thay thế Cloramin bằng hóa chất an toàn và rẻ hơn, xóa bỏ một nghịch lý nhỡn tiền tồn tại nhiều năm nay.

TS Nguyễn Hoài Châu, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường cũng chung quan điểm này. Theo TS Châu, bất cập khó hiểu ấy tồn tại cả trong ngành nông nghiệp. Hóa chất tiệt trùng dùng trong công tác thú y cũng chỉ là Cloramin B đắt tiền trong khi rất nhiều nước đều đưa Clorua Vôi hoặc nước Javen vừa dễ chế biến vừa rẻ tiền vào sử dụng. 

QD

Theo TS Nguyễn Hoài Châu, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Cloramin B là hợp chất hữu cơ mang ion Clo dương tẩy trùng có ưu thế nhất định so với các hợp chất vô cơ khác chứa ion Clo dương. Một trong những ưu thế nổi trội của nó là khi dùng nó để tẩy trùng, nước được tẩy trùng không bị thay đổi bao nhiêu so với các hóa chất chứa Cl dương khác.

Chẳng hạn, nếu dùng Clorua Vôi, nước được khử trùng sẽ trở nên cứng hơn do bị bổ sung calcium, một thành phần có trong Clorua Vôi. Hoặc, nếu dùng nước javen, nước trở nên kiềm hơn...

Tuy nhiên, những ưu thế nổi trội đó của Cloramin B vẫn không khiến nó được dùng phổ biến trong thực tiễn. “Nếu biết cách sử dụng, các hợp chất vô cơ chứa Clo dương vẫn có thể phát huy tác dụng tốt và hạn chế những nhược điểm trên” - PGS.TS Châu nói.

Hầu hết các nhà máy nước ở các đô thị, các cơ sở chế biến thủy hải sản ở nước ta đều dùng khí Clo hoặc nước javen (có chứa Clo dương) để tẩy trùng chứ không dùng Cloramin B.

MỚI - NÓNG