Lão nông làm máy vớt bèo liên hoàn

Ông Luyện giới thiệu với cán bộ Sở KH-CN Quảng Nam về tính năng của máy vớt bèo. Ảnh: N.T
Ông Luyện giới thiệu với cán bộ Sở KH-CN Quảng Nam về tính năng của máy vớt bèo. Ảnh: N.T
TP - Ông Hồ Văn Luyện (42 tuổi) một nông dân xã Đại Đồng (Đại Lộc - Quảng Nam) vừa sáng tạo thành công máy vớt bèo và ép bèo thành phân độc đáo. Hiện tại, Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam đang hướng dẫn ông thủ tục để đăng kí bằng sáng kiến và sở hữu trí tuệ.
Ông Luyện giới thiệu với cán bộ Sở KH-CN Quảng Nam về tính năng của máy vớt bèo. Ảnh: N.T
Ông Luyện giới thiệu với cán bộ Sở KH-CN Quảng Nam về tính năng của máy vớt bèo. Ảnh: N.T.

Ông Hồ Văn Luyện vốn là công nhân làm việc tại bến phà Hà Nha xã Đại Đồng huyện Đại Lộc trực thuộc công ty quản lý đường bộ Quảng Nam. Năm 2004, ông Luyện nghỉ làm vì bến phà phải tháo dỡ. Không còn công ăn việc làm ông phải làm đủ thứ nghề như công nhân, gò hàn, phụ hồ... để nuôi sống cả gia đình với 5 nhân khẩu.

Năm 2007 trong một chuyến vào miền Nam thăm bạn cũ, tận mắt chứng kiến cảnh bèo vây kín sông, ông Luyện nảy ra ý tưởng về một chiếc máy vớt bèo liên hoàn, để giải cứu các con sông. Ông nảy ra ý tưởng thiết kế con thuyền vớt bèo theo mô hình tương tự chiếc phà mà trước đây ông làm.

Đầu tháng 3-2010, ông Luyện bắt tay vào việc sáng chế ra mô hình chiếc thuyền vớt bèo liên hoàn, vừa vớt bèo vừa ép bèo thành phân để đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Sau gần một tháng trời, mô hình về chiếc thuyền vớt, ép bèo của ông đã hoàn thành và đưa ra thử nghiệm và bước đầu vận hành thành công. Thuyền vớt bèo của ông Luyện được vận hành trên cơ sở băng chuyển, vừa trục vớt bèo vừa ép bèo thành phân bón. Loại máy này cũng có thể áp dụng trong việc vớt rác thải, cỏ rong rêu trên các dòng sông.

“Mỗi ngày máy có thể vớt và ép hơn 600 tấn bèo, vừa làm sạch dòng sông vừa bảo vệ môi trường vừa có ích cho nông nghiệp” ông Luyện cho biết.

Nhiều người ngạc nhiên bởi một nông dân trình độ lớp 9 (cũ) đã tự tính toán và làm ra chiếc máy hoạt động khá phức tạp này. Khi máy hoạt động băng chuyền có gắn các xẻng múc sẽ di chuyển nhờ các con lăn mang theo bèo, bèo nằm lại trong xẻng múc đi theo băng chuyền lên tháp và đổ vào máy cắt. Tại đây khoang máy cắt bèo được các cánh dao cắt ra thành các mẩu nhỏ hơn, nhờ các cánh dao quay quanh trục và đẩy bèo về phía máy ép.

Tại máy ép bèo bị ép làm lượng nước trong bèo ra hết nước sẽ theo máng chảy ra ngoài. Bèo tiếp tục đi vào máy 2, ép thành những mẩu nhỏ, được đẩy vào hộp sau bằng thủy lực và đẩy ra băng chuyền đưa ra ngoài và được đóng thành thùng để dễ vận chuyển làm phân xanh trong nông nghiệp.

Ông Lê Minh Thảo, Phó trưởng phòng Sở hữu Trí tuệ - Sở KH&CN Quảng Nam cho biết: “Ít ai ngờ một nông dân có thể nghĩ và sáng chế ra chiếc máy phức tạp, độc đáo và thiết thực như thế này. Nó sẽ góp phần vào việc giải cứu các dòng sông đang bị bèo tấn công. Chúng tôi đang hướng dẫn, lập hồ sơ và hỗ trợ xin giấy chứng nhận sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ để sáng kiến này được áp dụng vào thực tế!”.

Không chỉ sáng kiến ra máy vớt bèo hữu dụng này, ông Hồ Văn Luyện đang ấp ủ ý tưởng chế tạo ra chiếc máy gặt lúa để giúp người nông dân gặt hái lúa vào mùa mưa lũ.

MỚI - NÓNG