Loại bỏ virus nguy hiểm

Loại bỏ virus nguy hiểm
TP - Rất nhiều người vẫn có thói quen click chuột vào đường link gửi qua cửa sổ chat hoặc mở e-mail lạ hay nhấn vào tệp tin đính kèm gửi theo e-mail mà không biết rằng đó chính là virus.
Loại bỏ virus nguy hiểm ảnh 1

Thói quen này khiến cho virus càng có điều kiện phát tán rộng hơn, nhanh hơn, và nguy hiểm hơn.

Báo động

Không phải đến bây giờ thực trạng lây lan virus quy mô lớn như Conficker-C mới diễn ra tại Việt Nam. Hàng loạt các vụ phát tán "virus nội" trước đây như virus gaixinh, Vlove, Funni… cũng tạo ra nhiều nguy cơ lớn bởi virus được phát tán qua cửa sổ chat IM, công cụ thông dụng nhất và được người dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Virus lây lan dẫn tới nhiều thiệt hại về kinh tế như năng suất công việc giảm, đường truyền bị chiếm dụng, mất dữ liệu, rò rỉ thông tin và nhiều nguy cơ khác.

Theo thống kê ban đầu của Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa (BKIS), có khoảng 73.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm sâu Conficker-C, đứng thứ 5 thế giới về mức độ lây nhiễm.

Còn theo dữ liệu của OpenDNS - công ty cung cấp giải pháp hạ tầng Internet, Việt Nam đứng đầu danh sách với tỉ lệ lây nhiễm 13,3%, vượt trên cả Brazil (11,6%), Philippines (11%), Indonesia (10%) và Algeria (7,2%).

Điểm đáng chú ý ở đây là số người dùng dịch vụ của OpenDNS chỉ chiếm một phần rất nhỏ (10 triệu người) trong tổng số 1,5 tỷ người dùng Internet toàn thế giới nên chắc chắn trên thực tế con số lây nhiễm trên còn cao hơn nhiều.

Ý thức tự bảo vệ còn thấp

Trước hết phải nói tới kiến thức và ý thức tự bảo vệ của người dùng Internet Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Nhân viên công sở là những người sử dụng máy tính hàng ngày nhưng phần lớn trong số họ cũng không nhận thức rõ được mức độ nguy hiểm của virus cũng như cách thức lây lan của chúng. Khi máy tính nhiễm virus quá nặng và không thể hoạt động được thì cách "chữa trị" duy nhất vẫn là cài lại máy.

Nguyên nhân chủ yếu lại nằm ở thói quen sử dụng máy tính của người dùng. Đa số người dùng thường nhấn ngay vào đường link gửi qua cửa sổ IM cho mình mà không biết rằng đó có thể là do virus tạo ra. Rất nhiều người vẫn có thói quen mở e-mail lạ, hoặc nhấn vào tệp tin đính kèm gửi theo e-mail mà không biết rằng đó chính là virus.

Thói quen người dùng cộng với kiến thức hạn hẹp về an toàn máy tính khiến cho virus càng có điều kiện phát tán rộng hơn, nhanh hơn, và nguy hiểm hơn.

Theo thống kê của Google năm 2008, Việt Nam tiếp tục đứng đầu các quốc gia truy cập vào websex. Đây chính là "cái nôi" phát tán virus và phần mềm độc hại. Khi người dùng truy cập vào các trang web này, ngay cả máy tính của họ có cài đặt phần mềm diệt virus thì nguy cơ nhiễm virus vẫn rất cao.

Trong khi đó, số PC không sử dụng phần mềm diệt virus hiện nay tại Việt Nam còn rất nhiều, mà nếu có sử dụng thì cũng ít mang lại hiệu quả (không cập nhật thường xuyên, sử dụng phần mềm không bản quyền…)

Quay lại trường hợp của Conficker-C, theo nhóm nghiên cứu về Conficker - CWG, sở dĩ tỉ lệ lây nhiễm virus này tại Việt Nam cao hơn các nơi khác là bởi số lượng lớn máy tính cài đặt Windows không bản quyền.

Do đó, người dùng không thể cập nhập được bản vá lỗi của Microsoft. Cách đây không lâu hãng này đã áp dụng cơ chế ngăn chặn tự động các máy tính sử dụng Windows "lậu", không cho download các bản vá lỗi quan trọng.

Virus lây lan, phát tán nhanh cũng cần kể đến những nỗ lực chưa thực sự hiệu quả của cơ quan quản lý hạ tầng mạng. Thực tế cho thấy, thư rác (spam) thường mang theo virus đã và đang phát tán với tốc độ nhanh và mạnh, trong khi những nhà cung cấp dịch vụ trong nước vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Hơn nữa, công tác tuyên truyền ý thức sử dụng máy tính an toàn vẫn chưa được thực hiệu thấu đáo.

Giải pháp khắc phục

- Cần thay đổi thói quen sử dụng máy tính như không nên nhấn vào các đường link lạ gửi qua cửa sổ chat; không mở tệp tin đính kèm hoặc e-mail lạ không rõ nguồn gốc; không truy cập vào các website thiếu an toàn, chẳng hạn như websex; và không nhấn vào các banner quảng cáo không rõ nguồn gốc.

- Tốt nhất, bạn nên hỏi lại người gửi (nếu là người quen) xem họ có thực sự đã gửi đi những thông tin đó không. Bởi vì hiện nay việc giả dạng địa chỉ e-mail cả người quen là rất dễ dàng và phổ biến. Chính vì vậy, ngay khi nhận được đường link khả nghi của người quen, bạn vẫn nên hỏi lại cho chắc.

- Cần cài đặt phần mềm diệt virus cho máy tính và phải cập nhật phần mềm đó một cách định kỳ, tốt nhất là mỗi ngày một lần. Có nhiều người tuy cài đặt phần mềm diệt virus nhưng chẳng bao giờ cập nhật phần mềm. Điều đó sẽ chẳng có tác dụng bởi mỗi ngày thường có hàng nghìn loại virus mới nên phần mềm sẽ không thể diệt được nếu không được cập nhật.

Ngoài ra, bạn cũng cần download thường xuyên các bản vá lỗi quan trọng từ nhà sản xuất, chủ yếu của Microsoft. Có rất nhiều loại virus lợi dụng lỗ hổng trong hệ điều hành Windows để thâm nhập vào máy tính.

- Khi máy tính có dấu hiệu nhiễm virus, bạn cần báo ngay cho bộ phận kỹ thuật (nếu là doanh nghiệp) để nhanh chóng khắc phục. Đối với các loại virus lạ, cần báo cho các tổ chức hoặc cơ quan có chức năng (VNCERT, C15, BKIS…) để giải quyết.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.