Lương nhà khoa học sẽ cao gấp 3-10 lần lương Bộ trưởng

Lương nhà khoa học sẽ cao gấp 3-10 lần lương Bộ trưởng
Hôm qua, tại buổi đối thoại với 30 nhà Toán học hàng đầu VN trong và ngoài nước, Bộ trưởng KHCN Hoàng Văn Phong cho biết, sẽ áp dụng thí điểm trả lương cho một số nhà khoa học đứng đầu các nhóm nghiên cứu lớn từ 1000 đến 2000 USD/tháng, cao gấp từ 3 đến 10 lần lương bộ trưởng.

>> Olympic Toán quốc tế 2007: Việt Nam giành 3 HCV, xếp thứ 3

Lương nhà khoa học sẽ cao gấp 3-10 lần lương Bộ trưởng ảnh 1

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Hoàng Văn Phong đối thoại với các nhà Toán học tối 31/7. Ảnh: Lan Hương

Tối 31/7, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Hoàng Văn Phong đã đối thoại với 30 nhà Toán học hàng đầu Việt Nam trong và ngoài nước.

30 người, từ những nhà khoa học có tên tuổi như GS Lê Tự Quốc Thắng (ĐH Georgia), GS Vũ Kim Tuấn (ĐH West Georgia), GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Florida), GS Phùng Hồ Hải (ĐH Essen), GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Washington), GS Đỗ Đức Thái (ĐH Sư phạm)... đến những nhà toán học trẻ tuổi như Đào Hải Long, Lê Minh Hà..., đã trao đổi cởi mở về tâm tư nguyện vọng cũng như đề xuất kiến nghị với hai vị bộ trưởng và lãnh đạo Viện Khoa học-Công nghệ VN, Viện Toán học VN.

Những vấn đề chính được thảo luận là tìm hướng phát triển cho nền toán học nước nhà, tạo sự liên kết giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước và tạo cơ chế cho các nhà khoa học VN ở nước ngoài về nước cống hiến cho quê hương.

Nền Toán học VN đang ở vị trí thấp

GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học nhận định: "Nền toán học các nước đang tiến rất nhanh, trong khi chúng ta thì đi xuống. Càng ngày càng ít người muốn làm toán. Biên chế của Viện luôn thừa, nhưng không tìm được người xứng đáng. Chỉ vài năm nữa khi thế hệ các nhà toán học hiện nay về hưu, chúng ta sẽ thiếu hụt nhân lực".

GS Đàm Thanh Sơn của ĐH Washington cho rằng sở dĩ các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài ngần ngại về VN vì họ "chúng ta chưa có tầm nhìn chiến lược về khoa học nước nhà".

"Trước đây những người học về kinh tế sau khi tốt nghiệp thường ở lại nước ngoài nhưng hiện nay về nước rất nhiều bởi họ nhìn thấy bức tranh kinh tế rõ ràng. Nền kinh tế VN chắc chắn sẽ phát triển và không thể quay lại thời kỳ bao cấp. Trong khi đó, các ngành khoa học cơ bản thì không nhìn thấy sự thay đổi về bức tranh tương lai" - anh so sánh.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đặt ra bài toán cho các nhà toán học trong vòng vài chục năm tới, VN có thể sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 17 thế giới về quy mô thì phải phấn đấu trở thành một trong 20 nước có nền toán học phát triển nhất thế giới.

Ông Nhân khẳng định: "Đất nước này không thiếu tiền để làm toán học nhưng các nhà toán học phải quyết tâm xây dựng ngành toán trở thành trụ cột trong tinh thần người VN. Các nhà toán học phải xây dựng chương trình phát triển toán quốc gia để trở thành cường quốc thế giới về toán học".

Phản hồi về đề nghị này, một số nhà toán học thừa nhận "đây là mong ước khó khả thi", vì nền Toán học của Việt Nam còn đang ở vị trí khiêm tốn.

Sẵn sàng đầu tư cho Toán

Ông Nhân cũng đề xuất một số hướng chính để phát triển nền toán học nước nhà.

Trước hết là xây dựng tiềm lực toán học cả trong và ngoài nước. Các nhà toán học VN đang làm việc ở nước ngoài chỉ nên về nước luân phiên chứ không được bỏ chỗ trống cho các nước khác "nhảy vào".

Thứ hai là xây dựng mạng lưới làm việc với các chuyên gia nước ngoài để hợp tác với họ, đặt nền toán học VN trong toán học thế giới.

Thứ ba là phải tập trung xây dựng một số chuyên ngành chính mà Việt Nam có ưu thế để giành vị trí đứng đầu. Đặc biệt, phải quan tâm tới toán ứng dụng như toán ứng dụng mô phỏng quá trình trong vật lý, hóa học để tiết kiệm thực nghiệm, toán ứng dụng trong kinh tế để dự báo phát triển...

Ông Nhân nhấn mạnh, phải quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực. Bộ GD-ĐT sẵn sàng đầu tư để đào tạo tiến sỹ toán học. Ông cũng cho biết, đề án thành lập một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung những nhà khoa học hàng đầu, với đầu vào là những SV giỏi nhất VN, đầu ra là thạc sỹ, tiến sỹ chất lượng cao, đang gấp rút hoàn thành.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị hàng năm nên có 2 hội nghị chuyên đề về toán. Một hội nghị chuyên đề quốc tế mời các GS nước ngoài về tham gia và cần xây dựng mục đích, kế hoạch, trọng tâm từng năm.  Một hội nghị trong nước chuyên về toán ứng dụng, trình diễn các ứng dụng toán học trong cơ khí, tự động, điện tử, y tế... để thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn, tiến tới có sản phẩm liên kết giữa các nhà toán học và kỹ thuật.

Sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt

Các nhà toán học VN ở nước ngoài khẳng định, dù không ở trong nước nhưng họ vẫn có thể đóng góp cho sự phát triển của toán học VN thông qua việc hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh, giới thiệu SV và NCS VN sang học ở các trường tốt trên thế giới.

Các GS cũng bày tỏ nguyện vọng được về nước và thành lập những nhóm nghiên cứu trong nước và tiến hành nghiên cứu, giảng dạy ở các cơ sở khoa học, giáo dục ở VN.

GS Phùng Hồ Hải của ĐH Essen, Đức, khẳng định 3 yếu tố quan trọng để thu hút nhà khoa học VN từ nước ngoài về là điều kiện làm việc, đãi ngộ xứng đáng và tài trợ nghiên cứu thường xuyên.

Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong cho biết, hiện Bộ đang phải "chiến đấu" với cơ chế tài chính cũ và áp dụng thí điểm trả lương cho một số nhà khoa học đứng đầu các nhóm nghiên cứu lớn từ 1000 đến 2000 USD/tháng, cao gấp từ 3 đến 10 lần lương bộ trưởng. Đồng thời, ông Phong cũng đề xuất có học bổng nghiên cứu để hỗ trợ các GS nước ngoài về VN.

Trước "đơn đặt hàng" của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học thông tin: ngay sau hội thảo này, sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt để đặt ra đường lối phát triển và chương trình mục tiêu chiến lược của toán học VN đến năm 2020.

Theo Lan Hương
VietnamNet

MỚI - NÓNG