Mặn vào sâu, đồng khô dân khát

Mặn vào sâu, đồng khô dân khát
TP - Nước mặn đã vào nội địa 40-50km tại các tỉnh ven biển ĐBSCL và chưa dừng lại.
Mặn vào sâu, đồng khô dân khát ảnh 1
Chở nước giếng đi bán ở Bến Tre Ảnh: Kiến Giang

Nước mặn lấn ruộng vườn

Xã Đức Mỹ (Càng Long, Trà Vinh) nằm dài theo sông Cổ Chiên, cách biển Đông khoảng 50 km, bị nước mặn lấn tới. Ông Nguyễn Văn An, cán bộ xã cho biết xã có 600 ha đất nông nghiệp năm nào cũng có một phần diện tích bị ngập mặn.

Tuy nhiên, năm nay vùng ngập mặn rộng và sâu hơn. Năm ngoái, một nửa diện tích đất nông nghiệp còn trồng được lúa và cây ăn trái. Năm nay chỉ còn chưa đầy 80 ha tại ấp Hiệp Thành là còn trồng lúa được.

"Nước mặn cứ lấn kiểu này, chẳng bao lâu nữa xã không còn vườn cây, ruộng lúa"- Ông An nói.

Liền kề huyện Càng Long, huyện Tiểu Cần gồm chín xã và hai thị trấn là vùng có diện tích xâm mặn nhiều nhất tỉnh Trà Vinh.

Ngồi trong khu vườn ngổn ngang những hàng chuối khô đét trên những luống đất nứt nẻ, ông Nguyễn Văn Minh ở ấp 8, xã Tân Hiệp, than thở: "Vùng này năm nào cũng bị xâm mặn nhưng năm nay bị sớm quá, trồng có mấy cây chuối mà cũng không sống nổi".

Ông cho biết, dân hai xã Tân Hiệp và Tân Hòa sát mé sông Hậu đang treo vườn hàng loạt vì trồng cây gì cũng không sống được. Ngoài cây dừa, dân các xã này không có nguồn thu nào khác.

"Tháng sau, nước mặn sẽ còn vào sâu nữa, không mần ăn gì được đâu"- Ông Minh nói.

Ông Đoàn Tấn Triều, GĐ Cty Quản lý& Khai thác các Công trình Thủy lợi Tỉnh Trà Vinh, nhận xét, năm nay nước mặn xâm nhập nội đồng sớm và sâu hơn mọi năm. Mọi năm, từ cuối tháng 4 dương lịch, nước mặn mới bắt đầu xâm nhập nội đồng nhưng năm nay, đầu tháng 3 nước mặn đã vào sâu, nay đã hơn 50 km.

Bớt ăn để mua nước ngọt

“Sức khỏe của hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng do phải đối mặt với bệnh tật, nghèo đói nếu họ không thể canh tác được trên đất trồng trọt của mình do biến đổi thời tiết, lượng mưa và mực nước biển dâng cao gây nên”, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO Vietnam).

Xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre) nằm ven biển Đông với 2.200 hộ dân và 10.000 nhân khẩu đang gồng mình trong cơn khát nước ngọt. Ông Đặng Văn Rê, Bí thư xã Thạnh Phước, cho biết:

"Dân xã năm nào cũng khát nước ngọt nhưng năm nay xâm nhập mặn sớm và sâu hơn nên không chủ động tích trữ được nước ngọt. Toàn bộ tầng nước ngọt của xã đã bị nhiễm mặn nặng khiến sinh hoạt của dân vô cùng khó khăn".

Từ hơn một tháng nay, dân xã Thạnh Phước phải tắm giặt, sinh hoạt bằng nước nhiễm mặn. Nước ngọt chỉ sử dụng cho việc nấu ăn nhưng phải mua với giá cao. Đầu tháng 3, mỗi mét khối nước ngọt có giá 50.000 đồng, nay tăng thêm 10.000 đồng nữa.

Chị Trần Thị Che ở ấp 7, xã Thạnh Phước, cùng nhiều người khác ôm những chiếc can nhựa ngồi bệt vệ cỏ giữa nắng gắt đợi xe nước chạy qua.

Chị Che tâm sự: "Nước đắt như vàng nên người ta không bán lẻ. Ở đây bà con nghèo, không đủ khả năng mua cả khối nên mấy nhà rủ nhau mua một khối rồi chia ra".

Chị kể, nhà chị có bốn người, chỉ dám dùng nước ngọt để ăn uống mà mỗi tháng vẫn tốn 240.000 đồng. Chị đang lo, không khéo phải bớt ăn để mua nước ngọt.

Gần xã Thạnh Phước là xã Thới Thuận, hơn 7.300 nhân khẩu của HTX nghêu cũng đang khát nước ngọt thường trực. Thới Thuận giáp biển, đi lại khó khăn nên xe bán nước ngọt ít tới, có tiền chưa chắc mua được nước.

Chủ nhiệm Lịnh cho biết thêm: HTX đã xây dựng nhà máy xử lý nước ngọt, công xuất 650 m3/ngày, tổng vốn năm tỷ đồng, hoàn thành năm 2008 nhưng chưa hoạt động được vì còn phải chờ dự án đưa nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai về.

Dự án đưa nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai về bốn xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Đại Hòa Lộc và Thạnh Trị được Bộ NN - PTNT đầu tư 77, 4 tỷ đồng mới cơ bản hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng. Hàng chục ngàn người phải chờ đợi.

Dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tháng 5/2009, nước mặn có thể xâm nhập vào nội đồng tại ĐSBCL tới 70 km. Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng là những địa phương chịu tác động nhiều nhất vì xâm mặn.
MỚI - NÓNG