Máy gặt đập của người miền Tây

Máy gặt đập của người miền Tây
TP - Cơ sở Tư Sang ở ấp Cầu Xéo, xã Hậu Thành (Cái Bè, Tiền Giang) xuất xưởng khoảng 100 máy gặt đập liên hợp trong năm nay, hơn cả các cơ sở bề thế của quốc doanh. Đó là vì nông dân miền Tây xem máy của ông là dành riêng cho mình.

Chủ cơ sở Tư Sang là ông Nguyễn Văn Lang (thường gọi Tư Sang) cho biết, ông xuất xưởng chiếc đầu tiên vào năm 2006. Từ đó xuất đều đều, mỗi năm xuất 50 – 70 chiếc, năm nay có khả năng đạt 100 chiếc.

Máy của cơ sở Tư Sang được nông dân ưa chuộng là nhờ có khả năng hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Đặc biệt, giàn cào gạt lúa kiểu guồng được cải tiến có thể bốc cây lúa bị đổ nghiêng đến 45 độ. Tính năng này giảm việc sót lúa, đáp ứng yêu cầu của nhiều thửa ruộng xiêu đổ vì mưa gió.

Hiện, cơ sở sản xuất máy cải tiến mang tên GĐLH-1.8, do kỹ sư Nguyễn Hồng Thiện, con trai ông Tư Sang nghiên cứu chế tạo. Máy có bánh xích bằng cao su, tăng khả năng chống lún trên ruộng lúa lầy lội hơn hẳn bánh xích sắt trước kia.

Nếu so với máy của Trung Quốc, máy của cơ sở Tư Sang có nhiều điểm vượt trội mà giá thành không cao hơn.

“Mình gắn bó với đồng ruộng nước mình nên hiểu hơn người ngoại quốc, máy của mình phải có tính ứng dụng cao hơn” - Ông Tư Sang tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Lang năm nay 63 tuổi. Trước giải phóng, ông làm thợ sửa máy cày, sau giải phóng mở tiệm cơ khí sửa chữa nông cụ.

Năm 1990, ý tưởng về một chiếc máy vừa gặt bắt đầu hình thành. Hai năm nay, máy gặt đập liên hợp của cơ sở Tư Sang đoạt giải nhất các cuộc thi máy gặt đập liên hợp tại ĐBSCL do Bộ NN-PTNT tổ chức.

Máy gặt đập Tư Sang cũng đã được trao chứng nhận Thương hiệu Việt.

Nông dân nói, máy của Tư Sang gần gũi với đồng đất quê nhà. Máy của cơ sở Tư Sang nhẹ hơn máy Trung Quốc khoảng nửa tấn và tiêu hao nhiên liệu bằng khoảng một nửa.

Với loại lúa quá ướt, máy Trung Quốc hay để lúa dính nhau, hệ thống sàng đôi khi đẩy ngược lúa ra, còn máy của cơ sở Tư Sang hoạt động được với cả lúa ướt lẫn lúa khô.

Sẽ xuất ngoại

Ở ĐBSCL hiện có khoảng 40 cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp, hầu hết mỗi cơ sở mỗi năm xuất xưởng chừng mười chiếc. So ra, cơ sở Tư Sang lớn nhất. Ông chủ cho biết, phải không ngừng sáng tạo mới trụ nổi.

Trước đây, nông dân phải đến tận cơ sở chở máy về. Bây giờ, nông dân chỉ đến chọn lựa, quyết định, sau đó máy được giao tận nhà. Sản phẩm bảo hành ba tháng và trong vòng một năm nếu xảy ra sự cố, gọi điện sẽ có tổ bảo trì lưu động đến tận ruộng.

Từ khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho vốn vay mua máy nông nghiệp, lượng đơn đặt hàng tăng khoảng 20 phần trăm. Khách hàng ở khắp ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ và cả miền Trung.

Cơ sở Tư Sang có 60 công nhân, được tổ chức theo dây chuyền công nghiệp, gồm ba phân xưởng, mỗi phân xưởng làm một công đoạn, sau đó ráp lại. Ông chủ đang tính, sẽ xuất khẩu máy gặt đập liên hợp sang thị trường Campuchia.

MỚI - NÓNG