Máy nghe nhạc số: Từ MP3 sang MP4

Máy nghe nhạc số: Từ MP3 sang MP4
Đầu năm nay, khi iPod của Apple có mặt tại Việt Nam thì máy nghe nhạc MP3 nói chung vẫn còn là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, thị trường đã thật sự sôi động với đủ các nhãn hiệu.
Máy nghe nhạc số: Từ MP3 sang MP4 ảnh 1
Netac C700.

iPod hầu như không giảm giá từ lúc có mặt trên thị trường, với khách hàng "sành điệu" thì sản phẩm của Apple được nghĩ đến trước tiên, theo sau là Samsung và Creative. Tuy nhiên, theo nhiều nhân viên bán hàng thì iPod "kén" khách hàng hơn vì giá cao, ít mẫu mã so với các loại MP3 khác.

Samsung có lợi thế về thương hiệu cùng vỏ ngoài thiết kế tinh xảo và sang trọng. Một số loại MP3 màn hình 65.000 màu như YP-T7 và YH-820, có thể xem hình, nghe và thu FM, thu nhạc trực tiếp từ CD, HTS, DVD...

Ngoài ra, máy MP3 YP-T8 còn cho phép xem video, file văn bản và hỗ trợ tính năng chơi game. Máy MP3 Samsung, có nhiều dung lượng và mức giá được nhận xét là không quá cao, đang là sự chọn lựa của rất nhiều khách hàng có thu nhập khá.

Máy nghe nhạc số: Từ MP3 sang MP4 ảnh 2
Samsung YP-T7V.

Đến thời điểm này, khi mà các hãng sản xuất máy nghe nhạc MP3 đua nhau giới thiệu sản phẩm mới và giảm giá liên tục thì giới yêu nhạc nén đã có thể nghĩ đến một chiếc máy chuyên dụng thay vì sử dụng một thiết bị khác có hỗ trợ chức năng MP3.

Đối với giới trẻ như học sinh sinh viên thì những chiếc MP3 có kiểu dáng xinh xắn, trẻ trung, giá khoảng trên dưới 100 USD được chuộng nhất.

Nguyễn Thị Lan Hương, sinh viên năm 4 ngành du lịch, cho biết: "Do công việc thường phải di chuyển liên tục nên tôi muốn mang theo âm nhạc để tăng thêm sự thú vị cho những chuyến đi của mình. Máy MP3 của những hãng tên tuổi có giá khá đắt, vì thế tôi đang chọn lựa giữa JVJ và Lenovo, chất lượng tuy không bằng nhưng kiểu dáng đẹp mà giá cả mềm hơn nhiều".

Tại một số cửa hàng ở TP HCM, máy MP3 của Trung Quốc hiện bán rất chạy với ưu điểm giá rẻ, hợp với túi tiền của đa số giới trẻ. MP3 Lenovo có mức giá chỉ từ 37 đến 69 USD cho 2 loại dung lượng 128 MB và 256 MB, giảm khoảng 10 USD/máy.

Máy Netac kiểu dáng rất đẹp, thời trang, màu sắc trẻ trung kết hợp nhiều chức năng như ghi âm giọng nói - FM - CD Walkman, học ngoại ngữ, đọc thẻ nhớ SD/MMC, videoclip, hiển thị màn hình LCD. Mức giá 40-139 USD với dung lượng 128 MB, 256 MB và 512 MB. Riêng máy MP3 dung lượng lớn Netac C700 20 GB có kiểu dáng rất ấn tượng giá 299 USD.

Máy nghe nhạc số: Từ MP3 sang MP4 ảnh 3
JVJ Nice.

Loại JVJ (Singapore) có lượng máy bán ra đang giữ vị trí số 1 ở các cửa hàng Phong Vũ, Nguyễn Hoàng (TP HCM)... Ông Lê Hoàng Tuyền, phòng kinh doanh Phong Vũ, cho biết: "Máy MP3 JVJ có nhiều dung lượng, giá cả hợp với túi tiền của nhiều khách hàng và chế độ bảo hành của JVJ rất tốt. Riêng loại cao cấp như iPod thì đối tượng mua là những khách hàng có thu nhập cao hoặc khách hàng chọn mua làm quà biếu".

Trong khi máy MP3 trở nên thông dụng, giá cả mềm dần thì thị hiếu của khách hàng "sành điệu" lại tăng lên, hướng đến mặt hàng cao cấp và nhiều chức năng cải tiến hơn. Theo nhiều cửa hàng dự báo, máy MP4 sẽ phát triển mạnh trong vài tháng tới.

Hiện thị trường TP HCM chỉ có Sony, E-net, Nec, Genesee, JXD (Trung Quốc) và Longview, JVJ (Singapore). Hầu hết máy MP4 có dung lượng giới hạn ở 256 MB và 512 MB. Tuy nhiên, ngoài các chức năng vốn có ở một máy MP3, xem phim thì ở một vài loại có thêm chức năng chơi game, từ điển Anh-Trung và có hỗ trợ thẻ nhớ ngoài SD/MMC.

Máy nghe nhạc số: Từ MP3 sang MP4 ảnh 4
MP4 Genesee.

Ông Huỳnh Tấn Nhơn, Giám đốc chi nhánh Saigon IT Plaza, nhận định: "Xu hướng phát triển tiếp theo tất yếu sẽ là MP4. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng này đều có chung nhược điểm là màn hình quá nhỏ. Có lẽ sự xuất hiện các hãng tên tuổi, uy tín sẽ thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn".

Máy nghe nhạc số: Từ MP3 sang MP4 ảnh 5
 
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.