Máy sục ozone không thể khử mọi độc tố

Máy sục ozone không thể khử mọi độc tố
TP - Hiện, trên thị trường xuất hiện loại máy sục ozone với quảng cáo có thể khử được mọi chất độc, vi khuẩn, virus trên thực phẩm. Tuy nhiên, loại máy này không phải vạn năng, nó chỉ khử được phần nào vi khuẩn, độc tố chứ không phải tất cả.

Có nhiều máy tạo khí ozone đang được bán ngoài thị trường và rao trên mạng, với nhiều loại giá. Hàng Trung Quốc, Việt Nam sản xuất giá 500.000 – 800.000 đồng/chiếc,  hàng Nhật, Úc, Hàn Quốc giá 2,2 – 4,5 triệu đồng/chiếc. Hàng Đức, Pháp, Nhật trên 10 triệu đồng/chiếc.

Bề ngoài của máy tạo khí ozone gia đình giống chiếc hộp chữ nhật, có nối một ống cao su, đầu ống cao su gắn một cục nhựa tròn nhỏ có lỗ thoát khí gọi là đầu sục.

Theo hướng dẫn sử dụng, muốn tẩy độc thực phẩm thì bỏ rau củ, cá thịt vào chậu nước, nhúng đầu sục vào rồi căn thời gian (có nhiều mức thời gian từ 5 phút đến cả tiếng) và bật máy.

Sau một  thời gian nhất định, khí ozone được tạo ra sẽ diệt 100% các loại khuẩn, khử hết các độc tố như hóa chất, thuốc bảo quản… tồn dư. Ngoài ra, hướng dẫn sử dụng cũng khẳng định, xả khí này vào phòng ngủ, phòng làm việc, xe hơi, chuồng trại…. có thể diệt khuẩn, nấm mốc, diệt virus rất tốt, tạo bầu không khí trong lành, sảng khoái cho sức khỏe.

Không thể khử mọi độc tố

Để kiểm tra máy tạo khí ozone có thiết bị khử ẩm hay không, có thể sục khí ozone vào trong nước để đo độ pH.

Nếu máy có chất lượng tốt, độ pH sẽ là trung tính và ngược lại.

Cũng có thể dùng giấy quỳ để thử, nếu máy tốt (độ pH trung tính), giấy sẽ giữ nguyên màu vàng; ngược lại giấy sẽ chuyển thành màu hồng hoặc đỏ.

Theo GS Nguyễn Hoàng Nghị (Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội), mặc dù tác dụng khử trùng, khử độc của ozone là có thật, nhưng không thể loại bỏ hết mọi độc tố.

“Trên thế giới, máy tạo khí ozone được sử dụng rộng rãi để khử độc thực phẩm, làm trong sạch bầu không khí. Những máy này rất đắt, thường từ 5.000 – 10.000 USD. Với khả năng oxy hóa cực mạnh, tác dụng diệt khuẩn, khử độc của ozone đã được chứng minh từ lâu.

Tuy nhiên, loại máy này không phải vạn năng, nó chỉ khử được phần nào vi khuẩn, độc tố chứ không phải tất cả. Mặc dù việc chế tạo máy sục khí ozone khá đơn giản, chỉ cần một nguồn cao áp là làm được nhưng để có được loại khí ozone đạt yêu cầu không phải dễ.

Ngoài ra, làm thế nào để trong quá trình tạo ozone không phát sinh thêm các chất độc mới đến nay vẫn là thách thức” – GS Nghị cho biết.

Máy sục ozone không thể khử mọi độc tố ảnh 1
GS Hoàng Văn Nghị và những chiếc máy tạo ozone do ĐH Bách khoa sản xuất.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, khí ozone có thể tiêu diệt sạch vi khuẩn, hoá chất độc hại bám trên bề mặt, nhưng hoàn toàn “bất lực” nếu chúng ngấm sâu vào thực phẩm.

“Người dùng không nên coi máy tạo khí ozone là lá bùa hộ mệnh để mua thực phẩm gì về cũng sục rồi yên tâm là an toàn tuyệt đối” - Kỹ sư công nghệ Nguyễn Đăng Lương - nguyên cán bộ Phòng Điện tử ứng dụng, Phân viện Vật lý Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, người từng nghiên cứu về máy tạo khí ozone từ năm 1985 - khuyến cáo.

Có thể tạo ra khí độc

Để tạo được khí ozone, người ta cho luồng khí khô chạy qua hai điện cực (điện thế trên 4.000 V) để tạo ra tia lửa điện khoảng 20kw (tương đương với một tia sét loại nhỏ). Sự phóng điện này sẽ sản sinh ra 03, chính là khí ozone.

Tuy nhiên, quá trình phóng điện này còn tạo ra oxit nitơ rất có hại cho đường hô hấp. “Đây là điều mà không một nhà sản xuất nào mong muốn. Người ta đã tìm mọi cách để hạ thấp lượng oxit nitơ, tiến tới loại bỏ nó trong quá trình tạo ra khí ozone. Tuy nhiên, trên thực tế chưa nhà khoa học nào đưa kết luận cuối cùng một cách thuyết phục nhất” – GS Nghị nói.

Cách phổ biến nhất để khắc phục tình trạng trên là các máy sản xuất khí ozone thường đi kèm một máy xử lý làm khô không khí (thiết bị khử ẩm). Nhưng hiện đa số các máy tạo ozone bán trên thị trường đều không sử dụng thiết bị này do giá thành của nó khá cao (máy khử ẩm 15 – 16 triệu đồng/chiếc).

Ngoài ra, các máy sản xuất ozone hiện đều sử dụng luồng không khí tự nhiên có độ ẩm cao không phù hợp để tạo ra ozone.

Cũng theo kỹ sư Lương, quá trình điện phân còn tạo ra axit nitric. Chất này bám vào rau quả có thể gây đau bụng, tiêu chảy nên việc ngâm rau sống trong nước có sục khí ozone cần phải thận trọng.  

MỚI - NÓNG