Máy tạo Ozon: Chớ vội tin!

Máy tạo Ozon: Chớ vội tin!
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại máy tạo ozon được coi là "cứu cánh khử độc". Người bán quảng cáo chỉ cần dùng máy này để "sục" vào nước, vào rau, sẽ diệt cả vi khuẩn. Xài máy này không cần ăn chín, uống sôi chi cho phiền phức?! Có đúng vậy không?
Máy tạo Ozon: Chớ vội tin! ảnh 1

Ảnh: Hồng Thái

Sản phẩm này nhanh chóng phát triển mạnh, bày bán tràn lan trên thị trường, chỉ cần vài trăm ngàn đồng là sở hữu được một máy. Loại máy này khá đa dụng vừa rửa được rau quả, làm sạch nước uống vừa có công dụng khử mùi, diệt khuẩn trong phòng.

Tại thị trường TP.HCM, mặt hàng máy tạo khí ozon được bày bán rất nhiều, phần lớn là hàng nhập ngoại và từ một số cơ sở trong nước sản xuất, lắp ráp.

Trong đó phần lớn là hàng Trung Quốc, giá từ 400.000 - 800.000 đồng/cái, hàng Đài Loan từ 1 - 1,3 triệu đồng/cái. Hàng của Nhật, Úc, Hàn Quốc từ 2,2 - 4,5 triệu đồng/cái hoặc hàng của Đức, Pháp trên 10 triệu đồng cho những loại sử dụng trong gia đình.

Theo giới kinh doanh, những mặt hàng được giới thiệu là hàng có xuất xứ từ các nước tiên tiến nhưng nó được sản xuất ở đâu thì có... trời mới biết. Họ cũng cho hay, người tiêu dùng chủ yếu chọn mua những loại máy có giá bán vài trăm ngàn đồng/cái.

Còn máy đắt tiền trên cả triệu đồng/cái thì có ít người mua, khó bán cho nên hàng giá rẻ được giới kinh doanh chú trọng đặt lấy hàng nhiều hơn. Muốn mua hàng chất lượng cao, khách phải đặt trước mới có hàng.

Chất lượng chỉ có... trời biết! 

Các nhà chuyên môn cho biết để tạo được khí ozon không có gì ghê gớm mà ngược lại khá đơn giản. Một học sinh phổ thông chỉ cần học khá môn vật lý là có thể mua linh kiện từ chợ trời về lắp ráp dễ dàng. Tuy nhiên, để có được chất lượng tốt thì không hề dễ chút nào.

Tiến sĩ Phan Thanh Thảo, phòng hoá hữu cơ Viện Công nghệ hoá học cho biết, để tạo ra ozon người ta cho luồng khí khô chạy qua hai điện cực (điện cao thế trên 4.000V), nó bị ion hoá tách đôi ra, kết hợp với oxy phân tử tạo ozon.

Tuy nhiên, để sản phẩm có chất lượng còn phụ thuộc vào công suất, nếu hiệu suất thấp thì máy không có tác dụng. Trong khi trên thị trường đa số các máy đều sử dụng luồng không khí tự nhiên có độ ẩm cao không phù hợp để tạo ra ozon, cũng như công suất máy ghi trên bao bì thì cao nhưng thực chất lại rất thấp.

Kỹ sư công nghệ Nguyễn Đăng Lương (trước đây cộng tác tại phòng điện tử ứng dụng, Phân viện Vật lý tại TP.HCM), cho biết đa số máy bán trên thị trường (loại máy rẻ tiền) đều không có sử dụng thiết bị khử ẩm do giá thành khá cao (chiếm đến 1/2 giá thành đối với sản phẩm có chất lượng).

Đối với hàng không có thiết bị khử ẩm sẽ rất nguy hại cho người sử dụng. Hàm lượng ozon đầu ra giảm mạnh, ngược lại hàm lượng ôxýt nitơ tăng lên gây hại cho người sử dụng, gây độc về đường hô hấp. Ngoài ra nó còn tạo thành axít làm hư thiết bị chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Khi sử dụng máy để khử mùi, diệt khuẩn trong phòng cũng phải thận trọng vì trên thực tế hàm lượng ozon tạo ra chính xác là bao nhiêu cũng không ai biết được mà chỉ phỏng chừng.

Trường hợp lượng ozon thừa thì sẽ nguy hại cho người sử dụng, gây hại các tế bào đường hô hấp từ khí quản cho đến phế nan và ngược lại lượng ozon thấp thì không có tác dụng.

Chọn máy

Các chuyên gia cho biết, khi chọn mua máy nên chọn loại có thiết bị khử ẩm.

Để kiểm tra máy có thiết bị khử ẩm hay không bằng cách sụt khí ozon vào trong nước để đo độ pH bằng máy đo độ pH (máy này có giá bán khoảng 1,8 triệu đồng) hoặc nhờ cơ quan chuyên môn đo giúp.

Nếu máy có chất lượng tốt thì bản chất pH không thay đổi và ngược lại máy có chất lượng kém sẽ kéo độ pH xuống.

Hoặc dùng giấy quỳ (có bán tại các cửa hàng hoá chất khoảng vài ngàn đồng/cuộn) để thử, nếu máy tốt sẽ có độ pH trung tính giữ nguyên màu vàng của giấy quỳ và ngược lại máy xấu sẽ chuyển thành màu hồng hoặc đỏ. Lượng ozon phát ra bao nhiêu gram/giờ thì phải đo bằng máy chuyên dùng.

Máy có chất lượng hay không còn phụ thuộc vào nồng độ ozon và thời gian xử lý. Hệ thống phóng điện phải ở tần số bao nhiêu, hiệu suất có đủ đáp ứng, vật liệu tạo ra điện trường có đúng kỹ thuật hay không.

Chẳng hạn tần số thấp thì vật liệu để tạo ra điện trường không đòi hỏi cao nhưng dẫn đến hiệu suất thấp, điện lượng tiêu thụ tăng lên.

Cho nên sản phẩm tốt phải đòi hỏi kỹ thuật cao, vật liệu đúng kỹ thuật, hiệu suất tạo ra phải phù hợp cho nên giá thành sẽ khá cao. Trong khi các cơ quan chức năng lâu nay chưa hề kiểm tra sản phẩm này.

Theo Nhân Xưa
 Sài Gòn tiếp thị

MỚI - NÓNG