Món Kim chi sẽ lên vũ trụ cùng nhà du hành Hàn Quốc

Món Kim chi sẽ lên vũ trụ cùng nhà du hành Hàn Quốc
TP - Người Hàn Quốc thường nói họ cần ăn món Kim chi ở mọi nơi. Vì vậy cũng là chuyện bình thường khi người Hàn Quốc muốn nhà du hành vũ trụ đầu tiên của họ sẽ rời Trái đất cùng với món ăn nổi tiếng này.
Món Kim chi sẽ lên vũ trụ cùng nhà du hành Hàn Quốc ảnh 1
Món “Kim chi vũ trụ”

Có ba cơ quan nghiên cứu của Chính phủ Hàn Quốc được giao sứ mệnh đặc biệt: Tạo ra món “Kim chi vũ trụ”.

“Nếu người Hàn Quốc bay vào vũ trụ, Kim chi cũng cần “bay” theo. Không có Kim chi, người Hàn Quốc cảm thấy nhạt nhẽo. Kim chi xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của chúng tôi khi thảo luận về những món ăn nào của Hàn Quốc sẽ được lên vũ trụ”, Kim Sung Soo, nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu thực phẩm Hàn Quốc, cho biết.

Anh Ko San, 30 tuổi, kỹ sư máy tính, đã vượt qua 36.000 ứng cử viên khác để trở thành người Hàn Quốc đầu tiên bay lên vũ trụ.  Ngày 8/4/2008, tàu Soyuz của Nga sẽ đưa Ko San cùng hai nhà du hành người Nga lên Trạm Không gian quốc tế (ISS) và họ sẽ ở lại đây trong 10 ngày để thực hiện các thí nghiệm khoa học.

Việc Ko San bay vào vũ trụ được xem như một sự kiện lịch sử của Hàn Quốc. Từ năm 1961, đã có 34 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, Mông cổ, Afghanistan, gửi hơn 470 nhà du hành lên vũ trụ, nhưng chưa có người Hàn Quốc. Vì vậy khi Chính phủ quyết định đầu tư tài chính cho chuyến hành trình của Ko San, họ muốn trong “hành lý” của anh có món Kim chi truyền thống.

Sau khi chi hàng triệu USD và mất nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học Hàn Quốc đã thành công trong việc tạo ra “Kim chi vũ trụ” và 9 món ăn khác để phục vụ cho chuyến du hành đáng nhớ trên. Tính đến nay, giới khoa học Mỹ, Nga đã tạo ra khoảng 150 món ăn dành riêng cho các nhà du hành.

Tháng 2/2008, cơ quan vũ trụ Nga cũng đã chính thức chấp nhận 10 món ăn do các nhà khoa học Hàn Quốc chế biến sẽ “bay” cùng Ko San. Ngay lập tức, các Cty thực phẩm tham gia nghiên cứu phát động chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên báo chí. Những món ăn khác của Hàn Quốc sẽ lên vũ trụ còn có mỳ ăn nhanh “ramyeon”, bánh tiêu nóng, cháo đậu nành lên men và xôi…

Các nhà khoa học Hàn Quốc cho biết, việc chế biến món “Kim chi vũ trụ” vấp phải nhiều thách thức nhất. Món Kim chi truyền thống thường có nhiều vi khuẩn như axít lactic để giúp lên men. Trên Trái đất, những vi khuẩn này vô hại, nhưng các nhà khoa học sợ rằng chúng sẽ trở nên nguy hiểm trong vũ trụ nếu các tia vũ trụ khiến chúng biến đổi. Một vấn đề nữa là Kimchi thường có thời hạn sử dụng ngắn, đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi nhanh trong vũ trụ.

Năm 2003, Lee Ju Woon tại Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu món “Kim chi vũ trụ” với sự giúp đỡ của mẹ. Lee cho biết khi Kim chi lên men nó có thể làm nổ các thiết bị nhạy cảm trên tàu vũ trụ. Nhóm của Lee đã tìm được cách triệt tiêu vi khuẩn bằng phóng xạ nhưng vẫn giữ được 90% hương vị ban đầu.

Món Kim chi của Lee được đóng vào thùng và gửi tới Viện Nghiên cứu thực phẩm Hàn Quốc, nơi nhóm của Kim Sung Soo sử dụng công nghệ khác để kiểm soát quá trình lên men và đóng vào túi bóng. Theo ông Kim, mùi đặc trưng của món Kim chi đã được giảm đi 1/3 hoặc 1/2 để các nhà du hành khác bay cùng Ko San có thể dễ dàng thưởng thức nó.

Nhà du hành Ko San, người đang được huấn luyện tại Nga, bày tỏ vui mừng khi biết rằng các nhà khoa học trong nước đã thành công trong việc chế tạo “Kim chi vũ trụ”. Anh tâm sự: “Khi tôi bay cùng Kim chi, nó sẽ giúp cho việc trao đổi văn hoá trên vũ trụ”.

Theo kế hoạch, Ko San sẽ tổ chức một bữa ăn tối trên ISS vào ngày 12/4 để kỷ niệm 47 năm, ngày nhà du hành Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Bữa ăn tối sẽ bao gồm Kim chi, trà xanh và trà sâm truyền thống của Hàn Quốc.

Hạnh Diễm
Theo IHT

MỚI - NÓNG