Một cơ hội làm sạch “dòng sông chết”

Một cơ hội làm sạch “dòng sông chết”
TP - Trong khi sông Tô Lịch, Hà nội – một trong những con sông bẩn nhất Việt Nam – thấp thỏm chờ được cải tạo tốn kém hàng trăm triệu USD, có một phương án khác được nhiều nhà môi trường đánh giá là hứa hẹn.

Điều ngạc nhiên là, phương án tưởng chừng không tưởng này lại được một số nhà chuyên môn đánh giá cao không chỉ về tài chính mà cả về độ an toàn, nhất là nếu áp dụng ở quy mô nhỏ, quy mô nước tĩnh.

KS Lê Ngọc Khánh, tác giả của hai hoạt chất C1, C2 (Tiền Phong ngày 6/4 đã đưa tin), vừa đem trình diễn phương pháp này với nước sông Tô Lịch và ao thối ở Thanh Trì (Hà Nội).

Chỉ sau vài chục phút đổ hoạt chất C1, C2 vào, 100 lít nước sông Tô Lịch đen ngòm và bốc mùi nồng nặc chứa trong bể kính lớn tại Viện Di truyền Nông nghiệp hôm 4/4 trở nên trong veo như nước suối, không mùi. Đọng dưới đáy bể là lớp cặn dầy đen như đất.

Màn trình diễn và kết quả tương tự cũng diễn ra với cái ao rộng chứa 500m3 nước thải hôi thối ở Thanh Trì.

Chiều 5/4, KS Khánh hoàn tất bản đề án làm sạch sông Tô Lịch gửi tới các cơ quan chức năng liên quan tại Hà Nội.

Theo tính toán bước đầu của KS Khánh, với 450 triệu USD, ông và đồng nghiệp sẽ làm cho dòng sông Tô Lịch dài hơn 15km sạch theo đúng nghĩa. Giá đó là khá rẻ, vì chỉ với 7km, kênh Nhiêu Lộc của TP Hồ Chí Minh hiện xài công nghệ Đan Mạch và Trung Quốc ngốn chừng ấy tiền. Nếu với công nghệ Đan Mạch và Trung Quốc ấy áp dụng cho sông Tô Lịch, số tiền lên tới 900 triệu đô la.

Dự án ước tính rẻ hơn một nửa của KS Khánh chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn một, dùng xuồng máy rải hóa chất suốt chiều dài con sông, máy bơm sục trong lòng sông hòa tan hóa chất. Sau 10 ngày, toàn bộ cặn bẩn sẽ lắng và dòng sông sẽ trong như trình diễn.

Giai đoạn hai, cải tạo lại chừng hơn 100 đường cống ngầm hàng ngày vẫn trút nước thải xuống sông và lắp đặt hệ thống tự động xử lý và phun hoá chất vào lòng cống, đảm bảo nước cống được lọc sạch trước khi chảy ra sông.

Giai đoạn ba, nạo vét sông, đưa chất cặn bẩn đến điểm tập kết, chôn lấp.

“Nước sau khi lọc đảm bảo đạt loại B và hoàn toàn lọc tiếp được để thành nước loại A có thể dùng trong sinh hoạt” – KS Khánh khẳng định.

Độ an toàn của hoạt chất C1, C2 không chỉ được đánh dấu bằng giấy xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường, Viện Pasteur TP HCM, mà còn được đo bằng quá trình gần 10 năm bước từ phòng thí nghiệm ra thị trường.

Cách đây 9 năm, nó đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp phép đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, được bán rộng rãi ở các siêu thị TP HCM, thông qua Cty phân phối X., với giá 56.000đ/kg cho 7m3 nước.

Liệu có khả thi?

KS Dương Thị Tơ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đào tạo&Chuyển giao công nghệ môi trường, Cục Bảo vệ môi trường (VEPA) nói: “Chúng tôi ghi nhận ý tưởng táo bạo của KS Lê Ngọc Khánh ở Trung tâm Môi trường Envipro và các cộng sự. Đề tài của họ gây sự chú ý rất lớn không chỉ cho cơ quan quản lý”.

KS Dương Thị Tơ, cũng cho biết: Hiện Bộ Tài nguyên&Môi trường đang giao cho VEPA xây dựng dự thảo quy định về đánh giá các công nghệ môi trường với các tiêu chí cụ thể.

Với quy định ấy (có thể được ban hành trong năm nay), các công nghệ như của nhóm nghiên cứu chất C1-C2 sẽ được xem xét nếu nhóm tác giả yêu cầu.

Nếu qua được cuộc sát hạch, công nghệ làm sạch nước thải bằng C1-C2 xem như nhận được đảm bảo pháp lý khi đem áp dụng đại trà, nhất là để làm sạch sông Tô Lịch và các con sông ô nhiễm khác.

Tuy nhiên, theo TS Đặng Văn Lợi, Trưởng phòng Công nghệ Môi trường (VEPA), về nguyên tắc việc xử lý dòng chảy nước thải trên sông rạch chỉ bằng phương pháp hóa học thôi là xu hướng các nước không làm.

Phương pháp thường được áp dụng là kết hợp giữa hóa học và sinh học. Ngoài ra, để có tính khả thi cũng cần phải xem xét giá thành.

Với lượng nước thải xuống các dòng sông ở Hà Nội khoảng 300.000m3/ngày đêm, giá hóa chất để xử lý khoảng 2.000 đ/m3 nước thải đã hợp lý chưa, đã tính đến các chi phí vận chuyển, vận hành, thu gom và xử lý cặn lắng, v.v..., cũng như đầu tư xây dựng cho phù hợp với công nghệ này chưa? 

Do đối tác bán giá quá cao, gần đây, KS Khánh chuyển qua hợp tác với Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phong San phân phối tận tay những người có nhu cầu chỉ với giá 15.000đ/kg.

Từ khi bán với giá rẻ, không ít nông dân mua C1, C2 về lọc nước tưới rau, tắm rửa, nấu ăn. “Chín năm nay, tôi chưa nghe ai phàn nàn về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm. Hơn thế, dưới dạng bột, C1, C2 đựng trong túi nilon có thể lưu giữ hàng chục năm và an toàn ngay cả khi dính vào thực phẩm” – KS Khánh quả quyết.

Hiện nay, mỗi ngày KS Khánh tiêu thụ chừng 10 – 15 tấn hoạt chất loại này. Nhiều nhà máy cà phê, dệt nhuộm, giấy, v.v..., đề nghị được ký hợp đồng mua dài hạn. Mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Tây cũng đang xem xét mua sản phẩm của KS Khánh để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước thải của địa phương mình.

Hay nhưng còn phải đợi

Tại sao lại dùng C1, C2 để lọc nước ô nhiễm chứ không phải các phương pháp phổ biến khác như dùng phèn chua, xút, vôi, vi sinh?

KS Khánh lý giải, phèn chua chỉ kết lắng được những hạt đang lơ lửng trong nước (bùn, đất...) nhưng nó chào thua những ion kim loại nặng (tan trong nước) độc hại như chì, cadmium, v.v...

Vôi, xút có thể làm kết tủa được ion kim loại nặng nhưng sau đó hai chất này không phân hủy mà vẫn tồn tại trong nước nên không an toàn cho sức khỏe.

Phương pháp vi sinh cơ bản có thể chuyển hóa mọi chất (chủ yếu là chất hữu cơ) sang dạng an toàn sau khi phân hủy những chất này, nhưng tốc độ chuyển hoá chậm (có thể tới hàng tháng) nên phải xây nhiều bể chứa nước rất lớn, tốn nhiều diện tích và chi phí.

Trong khi đó, C1, C2 gần như tức khắc kết tủa các ion kim loại nặng (sắt, crôm, niken...), các chất hữu cơ mạch vòng như thuốc trừ sâu, Fenon, Naton, và oxi hoá các khí độc khó trừ khử khác như metan, amoniac... Đặc biệt, sau khi C1 làm xong nhiệm vụ kết tủa, C2 sẽ kéo kết tủa lắng xuống nhanh, đồng thời triệt tiêu C1. Trong nước lúc này chỉ còn cacbonnic và nitrơ.

Bay từ TP HCM ra Hà Nội, thuê một khách sạn loại xoàng, nhà khoa học già mang công nghệ lọc sạch nước ô nhiễm đi trình diễn khắp nơi. Ông cũng mở một số cuộc hội thảo tại Hà Nội. Nhiều nhà khoa học và quan chức thuộc Cục Bảo vệ Môi trường, Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện Di truyền Nông nghiệp, v.v..., tham dự và chứng kiến.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một hội đồng khoa học nào ở Hà Nội được thành lập để xác minh hiệu quả của công nghệ. Nếu quả thực giải pháp của KS Khánh hiệu quả và tiết kiệm như ông khẳng định và trình diễn, không có lý do gì chỉ những dự án của nước ngoài được để mắt. 

MỚI - NÓNG