Một lần dự lễ trao giải Nobel

Một lần dự lễ trao giải Nobel
TP - PGS-TS Nguyễn Văn Tường là cộng sự đắc lực của cố PGS-TS Tôn Thất Bách, có đóng góp quan trọng cho quan hệ khoa học VN - Thuỵ Điển. Ông được thay mặt GS Bách cũng như các nhà khoa học VN dự lễ trao giải Nobel năm 2001.
Một lần dự lễ trao giải Nobel ảnh 1
Một cảnh trao giải Nobel

Giữa thu Hà Nội năm 2001, GS Tôn Thất Bách nhận được thư từ Viện Karolinska (Thuỵ Điển) mời đích danh ông tham dự lễ trao giải Nobel. Bộn bề với nhiều công việc, GS Bách đã chuyển bức thư mời trang trọng này đến PGS-TS Nguyễn Văn Tường (lúc đó là Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và đào tạo, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội) và đề nghị PGS Tường sang Thuỵ Điển dự lễ.

“Tôi chỉ là người được uỷ quyền dự lễ, tính chất của việc tham dự mang nặng cá nhân thôi...” - PGS Tường rất khiêm tốn trước khi cởi mở về những điều chưa nói quanh chuyện ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên dự lễ trao giải Nobel.

Ngẫm nghĩ lại, PGS Tường thấy trong lĩnh vực hoá sinh, ông đúng là nhà khoa học đầu tiên được dự một buổi lễ trao giải thưởng cho các nhà khoa học lớn nhất hành tinh, những bữa tiệc cấp hoàng gia mà không ít nhà khoa học có nhiều đóng góp lớn tại Thuỵ Điển cũng chưa được một lần tham dự.

Dù đã có nhiều thông tin buổi lễ trao giải Nobel, song phải đến lúc lễ trao giải Nobel kết thúc, PGS Tường mới hình dung hết sự hoành tráng của các nghi thức tôn vinh khoa học ở nước Bắc Âu này.

Trong quan sát của mình, PGS Tường nhận ra rằng, Thuỵ Điển thực sự coi khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu khi từng nghi thức nhỏ nhất đối đãi với các nhà khoa học được trân trọng.

Tại Viện Karolinska (một địa chỉ đào tạo nổi tiếng ở Thuỵ Điển đồng thời là nơi tuyển chọn và xét trao tặng giải thưởng Nobel cho các nhà khoa học trên toàn thế giới), mỗi tiến sỹ “ra lò” ở đây đều được chào mừng bằng loạt đại bác.

Với các nhà khoa học đoạt giải Nobel, trước khi nhận giải họ còn được tập các nghi thức: Rời khỏi ghế ngồi, đi đúng bao nhiêu bước để tiến gần đến nhà vua nhận bằng chứng nhận và huy hiệu in hình Nobel.

Tên của khách mời đều được gắn cụ thể trên mỗi ghế để tránh nhầm lẫn. Nghi thức hết sức cầu kỳ khác thể hiện sự trân trọng bậc nhất với các nhà khoa học được thể hiện ngay trong bữa tiệc cấp nhà vua.

Khách mời chờ đợi 40 phút để chuyển từ món cá hồi sang khoai tây chiên... Mỗi món được cả đội hình lễ tân mang đến cho từng người với nghi thức nghiêm ngặt.

Trong toà nhà City Hall diễn ra lễ trao giải Nobel, với sự xuất hiện của những nhà khoa học uyên bác, bất cứ ai đến đây đều có cảm nhận giá trị khoa học ở đây thực sự đều long lanh như vàng ngọc.

Không có một hãng thời trang danh tiếng nào trên thế giới được “hân hạnh” may trang phục cho các nhà khoa học có mặt trong đêm trao giải Nobel, trừ những người thợ ở Thuỵ Điển.

PGS-TS Nguyễn Văn Tường cũng không là ngoại lệ. Khi gửi email xác nhận tham dự lễ trao giải Nobel, PGS Tường cũng nhận ngay được những đề nghị cung cấp số đo (chiều cao, cân nặng, giày số bao nhiêu...) để ban tổ chức may trang phục.

PGS Tường cho xem toàn bộ trang phục mà phía Thuỵ Điển chuẩn bị. Gần 7 năm qua các trang phục này vẫn được PGS Tường giữ gìn cẩn trọng.

Trang phục đó gồm một áo dạ choàng to để chống lại cái rét của mùa đông ở Stockholm, quần và áo vét đuôi tôm cùng màu với áo dạ đen, áo sơ mi trắng, dây deo lưng, gilê và nơ cùng màu.

Tất cả đều làm bằng chất liệu rất đặc biệt. Theo PGS Tường, trong lễ trao giải Nobel, gần như trang phục của chủ và khách đều không có gì khác biệt. Ông cũng như các nhà khoa học dự lễ trao giải Nobel đều được đặt vé máy bay hạng VIP để đến Thuỵ Điển 2 ngày trước khi buổi lễ diễn ra.

Trong 2 ngày đó, họ phải làm nhiều việc, trong đó phải ướm thử bộ trang phục để bộ quần áo sắp hoàn thành được điều chỉnh vừa vặn và đẹp nhất.

Khách mời dự lễ trao giải Nobel bắt buộc mặc trang phục gồm quần, áo, giày khi tham gia ít nhất hai nghi lễ: Đêm trao giải Nobel, tiệc nghi thức cấp hoàng gia diễn ra ngay tại City Hall.

Khi các nhà khoa học chuyển từ phòng dự lễ trang trọng sang phòng dự tiệc, tất cả đều phải cởi áo khoác treo vào một nơi quy định. Khách mời có đến 1.300 người, song nhân viên phục vụ không để áo của người này lẫn lộn với người kia.

Đặt chân xuống sân bay, PGS Tường cũng như bất cứ khách mời dự lễ trao giải Nobel nào đều được một nhà khoa học Thuỵ Điển trực tiếp đón. Ông Hans Rosling – Giáo sư thuộc Viện Karolinska đón PGS Tường.

Ông Hans Rosling vừa làm nhiệm vụ “lễ tân”, vừa là người chịu trách nhiệm đưa PGS Tường đến những nơi cần thiết theo lịch trình làm việc tại Thuỵ Điển trong tuần lễ Nobel.

Nhờ GS Hans Rosling mà PGS Tường biết rõ hơn ý nghĩa của từng nghi lễ nhỏ nhất của lễ trao giải Nobel. Những nghi thức cao nhất, phong cách trân trọng các nhà khoa học in đậm trong ông.

Ông hiểu rằng, đây cũng chính là lý do vì sao gần 100 năm qua, Stockholm vẫn là nơi duy nhất duy trì được hoạt động tổ chức giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học, và gần như tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều mơ về giải Nobel.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.