Một Việt kiều Úc và dự án rau sạch cho Việt Nam

Một Việt kiều Úc và dự án rau sạch cho Việt Nam
TPO - “Mình cả đời phục vụ người ta, bây giờ đã đến lúc phải phục vụ cho dân mình chứ” - Tiến sỹ nông học Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc đã tuyên bố như vậy khi ông từ bỏ nhà lầu, xe hơi ở bên Úc để trở về Việt Nam.

Phải mất đến gần 20 năm, niềm hy vọng được trở về Việt Nam để cống hiến cho đất nước của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng mới trở thành hiện thực. Năm 1969, chàng trai gốc Huế đi du học Nhật Bản với hy vọng sẽ học hỏi được nhiều điều hay về giúp ích cho đất nước.

Năm 1977, khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ngành nông nghiệp, Quốc Vọng ở lại Nhật Bản và xin vào làm việc cho Công ty hạt giống Thakii với mức thu nhập cao và ổn định.

Tuy nhiên, là một người trẻ tuổi, luôn khát khao được nghiên cứu sâu hơn về nông nghiệp, ông đã bỏ Thakii để về làm tập sự tại Viện nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản. Ông được nhận làm trợ lý cho Giáo sư Muraka, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu trồng trọt Nhật Bản, người nổi tiếng về nghiên cứu giống lúa.

Nhưng lúc đó, Nhật không cho phép người nước ngoài làm việc trong cơ quan nhà nước, nên dù ông có cống hiến đến đâu cũng chỉ mãi dừng lại ở vị trí... trợ lý.

Năm 1980 là một năm đột phá với TS Quốc Vọng khi ông quyết định di cư sang Úc. Rất may khi vừa đặt chân tới New South Wales, cũng là lúc Bộ Nông nghiệp New South Wales đăng tuyển một chuyên viên lai tạo rau trình độ cử nhân nông nghiệp. TS Vọng hồ hởi nộp hồ sơ vào vị trí này và bị ... trượt với lý do: “over qualification” (trình độ cao quá).

Niềm hy vọng chợt lóe lên, khi sau đó một tuần, Bộ này lại tiếp tục đăng tuyển vị trí chuyên gia nghiên cứu (người ở vị trí này sẽ là người định hướng nghiên cứu cho các chuyên viên). TS Vọng đã nộp đơn và được nhận vào làm chuyên gia chính thức của Bộ. “Dường như, người ta đã có ý để vị trí này cho tôi”, TS Vọng cho biết.

Ông cũng thú nhận mình rất may mắn khi được nhận vào làm việc đúng ngành, đúng nghề tại một cơ quan nhà nước ngay khi chân ướt, chân ráo sang Úc. Cũng có người có bằng tiến sỹ như ông, nhưng cuối cùng không tìm được việc làm phù hợp, đến cuối đời vẫn an bài với nghề bán hàng ăn...

Để có thể có được vị trí như ngày hôm nay, khi mới sang Úc, TS Vọng đã phải làm việc gấp đôi người bản xứ, từ 8 giờ sáng đến 7-8 giờ tối mới rời công sở, đêm về lại miệt mài nghiên cứu thêm hồ sơ.

Do quen với cách làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối của người Nhật, nên ông thấy cũng không quá căng thẳng. Người Úc, trái lại, không nhìn vào cách làm việc và thời gian làm việc mà nhìn vào hiệu quả công việc.

Đến năm 1996, Chính phủ Úc bắt đầu có các chương trình hỗ trợ cho dự án của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam với độ dài dự án thường là 2 năm.

TS Vọng đã bắt đầu với dự án rau sạch cho Việt Nam và cứ sau hai năm, các dự án lại được tiếp nối bằng những dự án liên quan. Rồi trong chuyến thăm Úc của một Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, TS Vọng cũng nhận được lời đề nghị viết cho Việt Nam một dự án.

Dự án đó đã kéo dài tới hiện nay và TS Vọng đã thực hiện được ước nguyện của mình: “Cả đời mình phục vụ người ta, bây giờ đã đến lúc mình phục vụ dân mình chứ”.

Làm lợi cho Úc hàng trăm triệu USD/năm

Trong thời gian làm việc ở Bộ Nông nghiệp New South Wales, TS Vọng nhận ra một điều, Úc sống nhờ vào xuất khẩu nông sản (chiếm đến 70%). Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Úc năm 1980 là 25 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD là xuất khẩu lúa mì, thịt bò và lông cừu.

Trong khi đó, xuất khẩu rau quả rất ít, mà nhu cầu nhập khẩu rau quả của Nhật mỗi năm là 5 tỷ USD. Ông đã đề nghị với Chính phủ Úc cho nghiên cứu sản xuất rau quả châu Á trên thị trường Úc và để xuất khẩu, đặc biệt là phát huy lợi thế của hoa quả trái mùa (khi ở Úc là mùa đông thì Nhật Bản là mùa hè).

Năm 1986, Chính phủ Úc cho phép  TS Vọng nghiên cứu dự án đó. Chưa đầy 10 năm sau, rau quả châu Á đã xuất hiện trên thị trường Úc. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Úc năm 1995 là 55 triệu đô la Úc, năm 2003 lên tới  hơn 135 triệu đô la Úc.

Trong phiên họp năm 1996, ông Bộ trưởng Nông nghiệp New South Wales đã phát biểu tại nghị viện rằng,  nhờ có TS Vọng, người chủ trì đề án nghiên cứu rau quả châu Á mà Úc đã đạt được con số xuất khẩu rau quả hết sức ấn tượng này. Sau bài phát biểu đó, TS Vọng đã được lên chức, lên lương, điều hiếm gặp ở Úc.

Giúp Việt Nam sản xuất rau sạch

Điều tâm đắc nhất đối với TS Vọng là trong lúc nghiên cứu dự án cho Úc, ông có thể tranh thủ nghiên cứu về rau quả cho Việt Nam. Ông thường xuyên cập nhật tình hình nông nghiệp Việt Nam trên trang web của FAO.

Năm 1994, trong một lần về nước, ông đã từng có bài viết đăng trên một tờ báo ở Việt Nam khuyến cáo về sự độc canh của cây lúa, nguyên nhân chính dẫn đến các loại sâu bệnh. Thay vào đó, cần phải có sự xen kẽ trồng màu và tăng diện tích trồng rau quả xuất khẩu.

Nhờ vào những dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam của Chính phủ Úc, TS Vọng đã có nhiều dự án đưa nhiều chuyên gia Việt Nam sang Úc học hỏi kinh nghiệm cũng như đưa nhiều chuyên gia Úc  sang Việt Nam tập huấn cho bà con nông dân, đặc biệt ông đã giúp cho Việt Nam tổ chức các thí nghiệm về sản xuất rau sạch an toàn.

Lương Tiến sỹ của ông ở Úc khá cao, nhưng TS Vọng đã rút bớt thời gian làm việc ở bên Úc để có nhiều thời gian làm việc ở Việt Nam. Ông cũng khuyên người con trai thứ hai học giỏi về môi trường để sau này về giúp ích cho đất nước.

Điều ông trăn trở nhất hiện nay vẫn là cơ sở hạ tầng tại các viện nghiên cứu của Việt Nam vẫn còn sơ sài, lạc hậu, các tiến sỹ sau khi đào tạo ở Úc về sẽ được bố trí làm việc như thế nào để có thể phát huy được chuyên môn của họ...

MỚI - NÓNG