Nan giải thu phí nước thải

Nan giải thu phí nước thải
TP - Trong khi phí nước thải sinh hoạt được tính vào hóa đơn nước hằng tháng nên người dân không thể không nộp thì nhiều doanh nghiệp vẫn dễ dàng trốn phí nước thải công nghiệp.

Theo TS Nguyễn Trung Thắng - Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững (Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường), hiện nay các loại phí và lệ phí đều do Bộ Tài chính (TC) soạn thảo và ban hành, nhưng về lĩnh vực môi trường thì bộ này không phải là cơ quan đầu não và có các chuyên gia nắm vững các nguyên tắc, nguyên lý cơ bản của  lĩnh vực môi trường.

Trong quá trình soạn thảo các quy định về thu phí môi trường, Bộ TC không có sự hợp tác với Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT). Ví dụ như khi soạn thảo các quy định về thu phí chất thải rắn, đến khi chuẩn bị trình lên cấp trên rồi bộ này mới có công văn gửi “xin ý kiến đóng góp” của Bộ TNMT.

Năm 2006 - 2007, Bộ TNMT bàn với Vụ Chính sách Thuế, Bộ TC về việc sửa đổi Nghị định 67, trong đó đề nghị tăng phí nước thải hiện quá thấp (chỉ 300đ cho 1 kg BOD, COD).

Phí này không đủ trang trải chi phí xử lý 1m3 nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên Bộ TC không đồng ý với lý lẽ: Trong điều kiện Việt Nam ra nhập WTO, việc này có thể làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam.

Cũng vào thời điểm này, Bộ TNMT đề xuất thu phí theo lũy tiến đối với các DN gây ô nhiễm lớn. Chẳng hạn, một DN gây ô nhiễm gấp 5 lần mức cho phép thì phải tăng mức phí lên 5 lần, tuy nhiên Bộ TC cũng không đồng thuận.

Phải tăng phí

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng phòng Kiểm soát Ô nhiễm nước và đất, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TNMT), hiện nay nước ta có trên 40.000 cơ sở công nghiệp. Do đó, không thể quan trắc hết chừng đó cơ sở về lưu lượng, nồng độ nước thải để tính toán mức phí cho từng cơ sở.

Việc xác định các đối tượng nộp phí hiện nay là chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các thành phần gây ô nhiễm môi trường. Việc xác định mức phí đối với từng cơ sở theo cách tính truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào năng lực thẩm định của các sở TNMT, vốn có nguồn lực con người và trang thiết bị khá hạn chế.

Do đó, việc xác định chủ yếu dựa vào tờ khai của các doanh nghiệp nên số liệu rất xa so với thực tế, hoặc phải dựa trên kết quả đo lưu lượng dòng thải, trong khi phần mềm để tính toán lại không có.

Do vậy, các nhà quản lý môi trường đề xuất nhất thiết phải nâng mức phí nước thải công nghiệp, để mức này gần sát với chi phí xử lý nước thải. Cách thu phí cũng phải linh hoạt với từng đối tượng chứ không đánh đồng.

Cụ thể, với những cơ sở có khả năng gây ô nhiễm lớn như thuộc da, bia…, nên đo và quan trắc trực tiếp để tính toán mức phí phù hợp với từng cơ sở. Với những cơ sở khác, phải ban hành định mức về các chất gây ô nhiễm trong nước thải để dựa vào đó thu phí mà không cần đo đạc.  

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.