NASA định ngừng nghiên cứu trên trạm vũ trụ

NASA định ngừng nghiên cứu trên trạm vũ trụ
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có thể phải tạm ngừng các chương trình nghiên cứu khoa học trên trạm vũ trụ ít nhất một năm, vì lý do thiếu hụt ngân sách.

Tổng ngân sách dành cho nghiên cứu trên trạm vũ trụ năm ngoái đã bị giảm tới 200 triệu USD vì chi phí đầu tư cho chương trình tàu con thoi tăng cao, cũng như những thiệt hại nặng nề do cơ bão Katrina hồi năm ngoái.

Phó giám đốc Chương trình trạm vũ trụ của NASA, ông Kirk Shireman nói: “Hiện nay chúng tôi đang bị thâm thủng ngân sách”.

Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, ông nói: “Chúng tôi đang xem xét một số giải pháp tháo gỡ”.

NASA dự kiến không tiến hành chương trình nghiên cứu cải tiến hệ thống trạm vũ trụ trong năm 2007, nhưng có thể nối lại các hoạt động nghiên cứu trong một hay hai năm sau đó.

Theo kế hoạch mới của NASA, các chương trình nghiên cứu sẽ tập trung vào quá trình khám phá Mặt trăng và chuẩn bị cho những chuyến bay tới Sao Hoả.

Một số người chỉ trích quyết định của NASA chỉ cấp kinh phí cho các chương trình nghiên cứu có liên quan đến các chuyến bay dài ngày vào vũ trụ là việc làm thiển cận.

“Cắt giảm chương trình khoa học có nghĩa là chúng ta chỉ đi dạo chơi lên Mặt trăng” - Người phát ngôn của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà thuộc bang Alabama, bà Katie Boyd nói.

Kế hoạch của NASA nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược khám phá Mặt trăng, Sao Hoả và các hành tinh khác cũng bị chỉ trích trong một báo cáo của Chính phủ Mỹ.

NASA đang vạch kế hoạch thay thế những tàu con thoi cũ kỹ. Một hệ thống phóng tàu vũ trụ hiện đại được thay thế, bao gồm Tàu thăm dò (CEV) có thể đưa các nhà du hành vũ trụ tiếp cận Trạm vũ trụ và từ đó, thực hiện thám hiểm Mặt trăng.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đang bị chất vấn về tính hiệu quả kinh tế.

Trước đó, ngày 18-7 vừa qua, tàu con thoi Discovery của NASA đã trở về trái đất an toàn sau một chuyến bay kéo dài 13 ngày tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Con tàu này đã hạ cánh an toàn xuống Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ). NASA hy vọng sự thành công của chuyến bay sẽ giúp loại bỏ những nghi ngờ về sự an toàn của chương trình tàu con thoi.

Chuyến bay lần này của tàu Discovery là chuyến bay thứ hai của các tàu con thoi kể từ khi tàu Columbia nổ tung trên đường quay trở về Trái đất hồi năm 2003, làm bảy nhà du hành thiệt mạng, đồng thời khiến NASA đã phải ngừng toàn bộ chương trình tàu con thoi của mình.

Trước khi các tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2010, NASA hy vọng sẽ thực hiện thêm nhiều chuyến bay nữa để hoàn tất các công việc trên Trạm vũ trụ quốc tế.

NASA dự kiến sẽ tiếp tục chương trình tàu con thoi vào tháng tới với việc phóng tàu Atlantis.

Theo Văn Chúc
Nhân Dân/BBC

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.