NASA hy vọng gặp may mắn vào tối nay

NASA hy vọng gặp may mắn vào tối nay
Cơ quan hàng không Mỹ NASA hy vọng sẽ gặp may buổi tối nay khi phóng tàu con thoi vào quỹ đạo trái đất. Hai lần phóng trước đã bị hoãn vì thời tiết xấu.
NASA hy vọng gặp may mắn vào tối nay ảnh 1
Hai lần phóng trước đã bị hoãn vì thời tiết xấu

Các quan chức NASA nói quyết tâm thực hiện lần thứ ba này cho dù có quan ngại về an toàn sau khi phát hiện ra một vết nứt nhỏ trên vỏ chắn nhiệt của khoang nhiên liệu.

Lần phóng quan trọng

Đối với NASA lần phóng tàu con thoi này quan trọng vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là NASA cần chứng tỏ đã rút được kinh nghiệm từ thất bại trong vụ tàu Columbia năm 2003.

Nguyên nhân thứ hai là nếu không đưa được chiếc tàu con thoi nào vào hoạt động thành công thì trạm không gian quốc tế trị giá 60 tỷ đô la sẽ chẳng bao giờ hoàn tất được.

Kể từ vụ tàu Columbia, NASA đã tốn 1.3 tỷ đô la cho việc sửa chữa và nâng cấp các tàu con thoi. Đa số tiền này được sử dụng vào việc tìm cách để ngăn chặn các tấm cách nhiệt rơi khỏi thành tàu khi phóng lên và gây hư hại cho tàu.

Thế nhưng dường như họ vẫn chưa đạt được thành công mỹ mãn.

Trong phi vụ hồi năm ngoái, các mảnh vẫn rơi ra và ngày hôm qua khi phi thuyền Discovery được chuyển tới bệ phóng thì các chuyên gia cũng phát hiện ra một vết nứt nhỏ trên vỏ xốp bao bên ngoài đường ống dẫn oxy lỏng.

Quyết tâm

Tuy vậy, lãnh đạo NASA vẫn quyết tâm cho phóng con tàu và nói họ tin rằng sẽ không có hư hỏng gì xảy ra trong lần này.

Ông Bill Gerstenmaier, phó giám đốc các hoạt động vũ trụ của NASA nói các kỹ thuật viên đã xem xét vỏ xốp một cách kỹ lưỡng và cho rằng không cần sửa chữa gì thêm.

"Đội chuyên gia đã đưa ra một giải pháp hết sức sáng tạo là sử dụng một ống nhựa dài hơn hai mét có gắn một máy quay nhỏ ở đầu."

"Họ vòng chiếc ống đó xung quanh để xem xét vỏ xốp và kết luận rằng vỏ xốp vẫn được gắn chặt, giữa hai miếng xốp không có mảnh vỡ và không có miếng nào lỏng lẻo. Tất cả mọi thứ đều bình thường và hoạt động tốt."

Đưa được tàu con thoi lên quỹ đạo một cách an toàn là rất quan trọng đối với 14 quốc gia cùng tham gia chương trình Trạm không gian Quốc tế.

Quá trình xây dựng trung tâm này phụ thuộc nhiều vào việc tàu con thoi có thể vận chuyển nguyên vật liệu lên vũ trụ hay không.

Thí dụ như việc lắp phòng thí nghiệm Columbus chẳng hạn. Phòng thí nghiệm này là bộ phận tối quan trọng trong dự án trị giá hơn một tỷ đôla, thế nhưng nếu không có tàu con thoi thì sẽ chẳng bao giờ chuyển được nó lên trạm không gian.

Hiện nay cả trạm này lẫn phi hành đoàn gồm hai người vẫn đang trong tình trạng chờ đợi vì để hoàn tất chương trình cần ít nhất 16 phi vụ con thoi.

Nếu lần phóng tàu này tiếp tục gặp trục trặc và phi thuyền phải quay về trái đất thì chương trình Trạm Không gian có nguy cơ trở thành dự án tốn tiền toi lớn nhất trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người.

Theo BBC

MỚI - NÓNG