NASA vẽ sơ đồ nơi xa nhất của hệ mặt trời

NASA vẽ sơ đồ nơi xa nhất của hệ mặt trời
TPO - NASA đã phóng vệ tinh để thực hiện nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ: Nghiên cứu những vị trí ở tầm xa nhất của hệ mặt trời, nơi giao nhau với khoảng không gian giữa những vì sao.
NASA vẽ sơ đồ nơi xa nhất của hệ mặt trời ảnh 1
Hệ mặt trời

Thông báo của NASA cho hay, vệ tinh có tên gọi Thám hiểm đường biên giới giữa các vì sao (IBEX) đã được phóng lên quỹ đạo từ bệ phóng ở Kwajalein Atoll, phía Nam Thái Bình Dương vào rạng sáng ngày 20/10 (giờ Việt Nam) để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 2 năm.

Trước đây, người ta vẫn cho rằng khoảng không giữa các vì sao là môi trường chân không. Tuy nhiên, thực tế ở đó vẫn có dấu vết của khí và bụi. Gió mặt trời có chứa khí mang điện tích liên tục thoát ra khỏi mặt trời với tốc độ 1,6 triệu km/giờ, thổi tung những chất có trong khoảng không giữa các vì sao và hình thành nên những đám bong bóng bảo vệ xung quanh hệ mặt trời. Những bong bóng này gọi là bầu khí mặt trời.

Gió mặt trời thổi qua những hành tinh, đến tận những giới hạn cuối cùng của hệ mặt trời. Dòng khí chạm đến bề ngoài của bầu khí mặt trời và chạm vào khoảng không gian giữa các vì sao, gây ra bước sóng rất mạnh ở đường biên giới này.

“Những đường biên này bảo vệ chúng ta khỏi môi trường ngân hà khắc nghiệt.” – TS Nathan Schwadron, nhà thiên văn học thuộc ĐHTH Boston (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu của dự án Thám hiểm đường biên giới giữa các vì sao, nói.

NASA cũng cho biết IBEX sẽ vẽ sơ đồ những khu vực đường biên giới trên. Điều này rất quan trọng vì chúng sẽ bảo vệ hệ mặt trời khỏi những tia vũ trụ nguy hiểm. IBEX được thiết kế để dò tìm những nguyên tử bị đốt nóng và bật ra khỏi đường biên giới giữa hệ mặt trời và các vì sao.

“Cứ mỗi 6 tháng, chúng tôi sẽ có sơ đồ bầu trời toàn cầu mô tả nơi các nguyên tử bay ra và tốc độ bay của chúng. Từ những thông tin này, chúng tôi sẽ có thể phát hiện ra hình dạng bề ngoài của bầu khí mặt trời; nghiên cứu thành phần của đám mây giữa các vì sao và chúng nằm bên ngoài bầu khí mặt trời thế nào” - Herb Funsten, nhà vật lý thuộc phòng thí nghiệm năng lượng quốc gia Los Alamos (Mỹ), đơn vị phối hợp thực hiện dự án, nói.

H.H
Theo Reuters

MỚI - NÓNG