Nên nhân nuôi côn trùng làm thức ăn

Nên nhân nuôi côn trùng làm thức ăn
TP - GS. TSKH Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, bày tỏ quan điểm trước phong trào ăn côn trùng hiện nay.

Thưa GS, việc biến côn trùng thành đặc sản như hiện nay có phải là nguy cơ làm giảm đa dạng sinh học các loài côn trùng hay không?

Tôi cho rằng hiện nay việc suy giảm đa dạng sinh học là chưa nhìn thấy, nhưng về lâu dài, không nên bắt, săn lùng các loài côn trùng có lợi.

Với loài côn trùng có hại thì việc săn bắt có thể mang lại hai cái lợi là làm giảm loài gây hại cây trồng dẫn tới làm giảm lượng thuốc trừ sâu và đem lại nguồn thức ăn bổ dưỡng. Hiện nay hầu hết các con bắt để ăn là các loại gây hại.

Vậy làm cách nào để có nguồn côn trùng bền vững phục vụ nhu cầu ăn uống?

Nên nghiên cứu nhân nuôi hàng loạt một số loài như dế, kiến, bọ cạp. Hiện nay cả ba loài này đều đã được nuôi, phương pháp nuôi đơn giản. Dế đã được nuôi nhiều ở Thái Bình, miền Nam.

Người ta nuôi bằng cỏ, thả dế và cỏ vào thùng, cho sinh sản trong đó. Bọ cạp ta chưa có các chuyên gia như ở Thái Lan nhưng cũng đã có người nuôi để lấy nọc làm thuốc, ngâm rượu. Nuôi kiến cũng khá đơn giản, ấu trùng kiến là loại thực phẩm rất bổ dưỡng.

Theo GS, có món ăn từ loài côn trùng nào có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người không?

Tôi cho rằng không có. Có thể trong một số loài như bọ xít khi còn sống sẽ gây ngứa nhưng khi nấu chín rồi thì các chất độc sẽ bị phân hủy hết.

Biến đổi khí hậu có gây ra tác động gì đối với các loài côn trùng hiện nay không, thưa GS?

Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi vị trí, vai trò của nhiều loài. Loài trước đây không gây hại có thể sẽ trở nên rất hại, loài hại có thể giảm hại, một số loài truyền bệnh có thể sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm và ngược lại, loài trước đây nguy hiểm có thể sẽ giảm nguy hiểm đi…

Sự thay đổi này diễn ra dần dần chứ không phải tức thì có thể nhìn thấy ngay.

Cảm ơn GS!

Mỹ Hằng
Thực hiện

MỚI - NÓNG