Nên quy định tuổi của xe gắn máy

Nên quy định tuổi của xe gắn máy
Ban An toàn giao thông TPHCM vừa đặt vấn đề với Bộ Giao thông Vận tải nên ban hành niên hạn sử dụng đối với xe gắn máy 2 bánh là 20 năm.
Nên quy định tuổi của xe gắn máy ảnh 1

Ngành giao thông: “Hoàn toàn có lý!”

Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, khi xe đến tuổi này, bắt buộc phải kiểm định lại các tiêu chuẩn về an toàn, nếu đạt thì cho sử dụng tiếp mỗi lần là 5 năm nhưng phải đóng phí bảo vệ môi trường 5.000.000 đồng/năm.

 Xe không đủ điều kiện an toàn sẽ bị thu hồi biển số, giấy đăng ký phương tiện, hủy hồ sơ đăng bộ, không cho lưu hành trên đường giao thông công cộng.

Bộ Giao thông Vận tải chưa có câu trả lời chính thức song một số cán bộ cao cấp của bộ đã tỏ ý tán đồng chủ trương trên.

Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Đức Chinh nhận xét: Bất cứ bộ máy nào hoạt động lâu năm đều phải “lão” đi và xe gắn máy 2 bánh cũng không ngoại lệ.

Nếu như ô tô đang lưu hành đã có cơ chế kiểm soát về môi trường, an toàn kỹ thuật thì lượng xe máy 2 bánh vẫn còn được … “tự do”.

Nói cách khác, ở nước ta hiện vẫn còn thiếu cơ chế kiểm soát, thiếu biện pháp xử lý đối với xe gắn máy hai bánh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn kỹ thuật mặc dù đây là phương tiện giao thông chủ yếu với tỉ lệ cứ 5 người dân thì có một xe máy (tính trên phạm vi toàn quốc).

Riêng tại TPHCM, trong số 3 triệu ô tô, xe máy lưu hành trên địa bàn, xe máy đã chiếm khoảng 2,8 triệu chiếc! Hơn 80% vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn TP là do xe gắn máy 2 bánh gây ra.

Và do vậy theo ông Chính, đề xuất của Ban An toàn Giao thông thành phố là hoàn toàn có lý.

Phải trả phí môi trường?

Chi Cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng cho rằng, đã đến lúc đưa ra các yêu cầu về môi trường đối với các loại phương tiện giao thông.

Theo chi cục, chất lượng không khí tại nhiều con đường trong nội thành đã bị ô nhiễm ở mức cao mà chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Số liệu đo đạc chất lượng không khí, tiếng ồn  tại nhiều nơi như khu vực vòng xoay Hàng Xanh và Phú Lâm, ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, Đinh Tiên Hoàng- Điện Biên Phủ cho thấy ô nhiễm đã vượt ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn chất lượng không khí Việt Nam.

Khí CO và NO2 trong khói xe, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang có xu hướng tăng mạnh. Nồng độ khí CO ở Hàng Xanh và Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ đã tăng 1,1-1,3 lần so với nửa đầu năm ngoái; còn khí NO2 tăng 1,1 lần tại khu vực nút Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ.

Đồng ý về chủ trương nhưng biện pháp thực hiện như thế nào vẫn còn là một vấn đề khiến các chuyên gia băn khoăn.

Theo ông Chinh, với mức thu nhập của người dân thành phố thì việc loại bỏ xe cũ là có thể. Tuy nhiên, với người dân vùng sâu, vùng xa thì e rằng rất khó.

Một tiến sĩ, giảng viên chuyên ngành môi trường của Đại học Bách khoa TPHCM băn khoăn: Làm sao phân biệt được đâu là những chiếc xe cũ, không còn đảm bảo an toàn kỹ thuật với những chiếc xe cổ còn tốt?

Tiến sĩ này cho rằng, phải có cơ chế kiểm soát đối với xe gắn máy 2 bánh nhưng theo hướng: tất cả xe gắn máy 2 bánh lưu thông trên đường không phân biệt tuổi đều phải trả phí môi trường.

Theo Ban An toàn giao thông thành phố, đề xuất xe gắn máy 2 bánh cũng phải có “đát” sử dụng mới chỉ được đưa ra bàn trong nội bộ ngành giao thông, giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông thành phố.

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi điều này trở thành hiện thực. Như vậy, những ý kiến nêu trên của các chuyên gia cần được Ban An toàn giao thông thành phố nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

MỚI - NÓNG