Nga bắt đầu dự án về sao Hoả từ thập niên 70

Nga bắt đầu dự án về sao Hoả từ thập niên 70
(TPO) Hơn 30 năm qua, tại nước Nga vẫn tồn tại những phòng thí nghiệm tuyệt mật nhằm thực hiện sứ mệnh đưa con người lên thám hiểm sao Hoả.

Trong thời gian chiến tranh lạnh, vũ trụ luôn là mục tiêu chiến lược của cả Liên Xô lẫn Hoa Kỳ vì ai chiếm lĩnh được không gian, người đó sẽ “thống trị” được Trái đất.

Đáp lại việc Liên Xô phóng thành công tàu Phương Đông và đưa công dân của mình đại diện cho nền văn minh Trái đất bay vào vũ trụ, Mỹ sau những cố gắng không mệt mỏi với chi phí không thể tính được đã tuyên bố họ là người đầu tiên trên thế giới chinh phục được ngôi nhà của chị Hằng. Vì thế, sao Hoả trở thành một mục tiêu vô cùng cám dỗ để quyết định “ván cờ” giữa Đông và Tây.

Theo tính toán, những con tàu vũ trụ hiện đại cất cánh từ Trái Đất tới được sao Hoả và sau đó quay trở về nơi xuất phát phải cần tối thiểu 500 ngày. Hành trình dài dằng dặc đó là một thách thức khủng khiếp đối với con người.

Cần biết rằng, dù ở trong vũ trụ một thời gian ngắn sức khoẻ của các phi hành gia cũng chịu sự thay đổi rất lớn.

Về thể chất, đó là sự suy giảm các nguyên tố vi lượng trong cơ thể khiến cho cấu trúc của xương trở nên xốp hơn, trọng lượng cơ bắp giảm sút một cách đáng lo ngại… Điều này dẫn tới sự hoạt động của hệ thống tuần hoàn, hô hấp bị đảo lộn khiến cho tố chất và các hoạt động bình thường của con ngưòi bị biến dạng và lâm vào thảm hoạ khi chuyển từ trạng thái này sang thái cực khác.

Về mặt tâm lý, nhịp điệu sống trong vũ trụ diễn ra hết sức chậm chạp, đơn điệu với áp lực tâm, sinh lý hết sức căng thẳng khiến cho nhận thức, suy nghĩ và phản xạ của họ trở nên “ỳ ạch”.

Ngoài ra theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Liên Xô, thời điểm đổ bộ xuống Trái Đất sau một thời gian sống trong vũ trụ là điểm chết của bất cứ phi hành gia nào nếu họ không được chuẩn bị hết sức kỹ càng về sức khoẻ, tâm lý lẫn các biện pháp bảo vệ “chuyển pha” tối ưu. Điều này được chứng minh bằng cái chết của ít nhất là 2 nhà vũ trụ Xô Viết.

Để thực hiện thành công sứ mệnh chinh phục sao Hoả, con người phải có những con tàu vũ trụ cực kỳ hiện đại với kích thước đủ lớn để chứa trong mình nhiên liệu phục vụ chuyến bay lẫn nhu yếu phẩm đuy trì cuộc sống cho phi hành đoàn.

Nhằm tìm ra chìa khoá giải quyết những vấn đề trên, vào đầu thập niên 70, Viện sỹ Sergey Korolev đã cho thành lập ở ngoại ô Maxcơva một phòng thí nghiệm y - sinh học.

Tại đây theo sự chỉ đạo của ông, các nhà khoa học đã chế tạo ra một modul mô phỏng điều kiện sống trong vũ trụ - không có trọng lực - để các nhà y học nghiên cứu về sức khoẻ, tâm sinh lý của những người tình nguyện sống trong không gian này với  thời gian kéo dài từ vài tháng tới một năm.

Họ được trả lương rất cao chỉ để nằm trên giường trong tư thế đầu chúc xuống dưới 15 cm so với phần còn lại của thân thể. Trong suốt thời gian sống trong modul, tất cả các cuộc thử nghiệm y học cũng như thời gian nghỉ ngơi, ngủ, ăn uống, vệ sinh cơ thể cho tới vui chơi giải trí bằng cách xem TV, chơi thể thao hoặc chơi điện tử đều phải thực hiện trong tư thế trên.

Các cuộc thử nghiệm tại mặt đất sau đó được khẳng định và phát triển cao hơn trên trạm vũ trụ đầu tiên của nhân loại ở ngoài trái đất - trạm Hoà Bình. Chương trình này đã giúp các phi hành gia Nga liên tiếp tự lập và phá vỡ các kỷ lục về thời gian cư trú trong không gian.

Đó là nền tảng của  kế hoạch chưa từng có của nhân loại trong việc chuẩn bị cho người Nga lái tàu lên sao Hoả vào thời gian tới.

Trong thời gian hậu Xô Viết – tiền Nga, nền kinh tế gặp vô vàn khó khăn, song các nhà khoa học của dự án sao Hoả vẫn được chu cấp theo sở nguyện. Nỗ lực to lớn đó của nhà nước đã được những người tham gia chương trình đền đáp lại.

Ngoài việc người Nga dễ dàng chế tạo ra những tên lửa đẩy thế hệ mới - lớp Zenhit - có khả năng đưa những con tàu siêu trọng lượng lên vũ trụ một cách an toàn với chi phí hợp lý cho 1 kg hàng hoá, các nhà khoa học đang bắt tay chế tạo những con tàu thử nghiệm bay trong không gian mà không cần tới nhiên liệu mang theo.

Đây là kết quả của những phát minh khoa học về lĩnh vực vật lý có liên quan tới trạng thái mới của vật chất mà thế giới chưa từng biết tới. Những kỳ tích siêu việt đó đã cho phép người Nga lấy lý do thiếu kinh phí tự phá huỷ trạm vũ trụ Hoà Bình cho dù nhiều quốc gia khác muốn bỏ ra hàng đống tiền để xin “sang chủ”.

30 năm âm thầm chạy đua với thời gian, vượt qua biết bao giới hạn của tri thức, công nghệ… người Nga đã không để cho các cuộc bể dâu về chính trị lẫn kinh tế ảnh hưởng tới khát vọng chinh phục khoảng không gian vô hạn trong vũ trụ của các bậc tiền bối và thời điểm để chú gấu Misa vươn vai đứng dậy sau kỳ ngủ đông đã bắt đầu.

Trong năm 2005, người Nga sẽ công bố chương trình chinh phục sao Hoả của mình. Điều này lại một lần nữa khẳng định Nga chưa từng chịu nhường vị trí cường quốc vũ trụ cho bắt cứ đối thủ nào trong bất kỳ thời điểm nào.

MỚI - NÓNG