Ngành Điện, Viễn thông: Làm sao tránh được sét?

Ngành Điện, Viễn thông: Làm sao tránh được sét?
Sự cố sét đánh trúng hệ thống đóng cắt điện ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình gây mất điện toàn miền Bắc trong nửa giờ, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi “Công tác phòng chống sét của chúng ta đến đâu?”.

Sự việc trên khiến người ta nhớ lại sự cố tương tự từng xảy ra vào ngày 4/6/2001, sét đánh nổ một máy cắt 220 KV của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khiến lưới điện miền Bắc bị rã mạch, nhiều nhà máy điện bị tách khỏi hệ thống khiến mất điện trên diện rộng.

Theo thống kê của ngành điện trong 5 năm (1989 - 1994), chỉ trên đường dây 220 KV (Phả Lại - Hà Đông) đặt 300 cột ghi đo đếm sét, có tới 286 cú sét đánh vào đường dây làm vỡ sứ, gây mất điện lưới. Một chuyên gia nghiên cứu về giông sét nhận định: “Sét là nguyên nhân chính gây sự cố cắt điện của lưới điện cao áp ở Việt Nam”.

Cũng trong năm 2001, tổng kết công tác phòng chống lụt bão, thiên tai của Tổng Cty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đưa ra con số thiệt hại do sét đánh lên tới 4,3 tỷ đồng, tăng 2,8 tỷ đồng so với năm 1999.

Các lĩnh vực nằm trong “tầm ngắm” của Thiên Lôi đều có những quy phạm phòng chống sét riêng. Nhưng vì sao sét vẫn cứ giáng xuống những nơi ấy và thiệt hại vẫn liên tiếp xảy ra?

- Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Việt Nam chủ yếu sử dụng các thiết bị phòng chống sét nhập ngoại. Nhiều loại máy móc thiết bị phòng chống sét được tung ra thị trường hiệu quả còn chưa rõ ràng, thậm chí còn đem lại những hậu quả không mong muốn. Nhiều Cty nước ngoài quảng cáo thiết bị với tài liệu kỹ thuật chứa đựng những thông tin không tin cậy, nặng tính quảng cáo.

- Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, 1 trong 3 tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét  mạnh. Trên lãnh thổ nước ta, trung bình có 2 triệu cú sét đánh xuống đất trong một năm.

Lý giải điều này, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện Vật lý Địa cầu, cho hay: Trong điều kiện hiện nay, con người chỉ có khả năng giảm thiểu thiệt hại do sét gây ra chứ không chống được 100%. Nghĩa là, ở một mức độ nhất định, chúng ta vẫn phải giơ đầu chịu báng.

Riêng đối với sự cố của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vừa qua, TS Xuân Anh cho rằng ngoài lý do bất khả kháng nêu trên có thể còn thêm lý do khác như việc thực hiện không chuẩn theo quy phạm hoặc hệ thống chống sét lâu năm han gỉ dẫn tới đứt các mối hàn khiến chức năng bảo vệ không còn. Ngoài ra còn phải kể đến quy phạm chống sét đang sử dụng có những điểm lạc hậu cần sửa đổi.

“Kim” hay “cầu” đều chưa yên tâm

Suốt 250 năm qua, con người vẫn trung thành với cột thu lôi, còn gọi là kim thu sét, do nhà khoa học Franklin khởi xướng. Đây là một thiết bị bằng kim loại đặt trên đỉnh nóc nhà nối với một dây kim loại dẫn xuống đất. Gần đây có vài nghiên cứu chỉ ra rằng kim tù làm việc tốt hơn kim nhọn.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ bảo vệ được 90 – 95% các cú sét đánh. Sét có thể bỏ qua kim thu sét mà đánh trực tiếp vào nhà. Ngay cả khi sét đánh trúng kim, dây nối đất vẫn không hiệu quả cho việc dẫn những thành phần tần số cao của tia sét nếu có các vật kim loại ở gần. Các nhà có chứa các dụng cụ nhạy cảm với sét như các thiết bị điện tử, trong những trường hợp như thế, vẫn bị hỏng hóc.

Trước tình hình đó, nhiều Cty nước ngoài tung ra những thiết bị chống sét được quảng cáo là hoàn hảo với bán kính bảo vệ rộng hơn các thiết bị thu sét truyền thống gấp nhiều lần.

Thay vì phải gắn chi chít các cột thu lôi ở các vị trí khác nhau của toà nhà, chỉ cần một “quả cầu sét”, hoặc một “kim thu sét” là đủ. Giá thành của thiết bị này bán tại Việt Nam dao động từ 20 – 40 triệu đồng.

Rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt thiết bị này. Tuy nhiên, TS Xuân Anh tiết lộ thông tin từ một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, quả cầu sét này thực ra chỉ có tác dụng tương tự như cột thu lôi truyền thống mà thôi. Như vậy, hệ thống viễn thông, điện lực và nhiều ngành khác có nguy cơ thiệt hại nặng nề nếu quá tin tưởng hoặc phó thác sứ mệnh chống sét cho “quả cầu sét” này.

Một phương pháp được coi là lý tưởng để chống sét là dùng lồng faraday, loại lồng kim loại bao kín toàn bộ khu vực bảo vệ. Đáng tiếc, hệ thống này không khả thi do giá thành quá cao. Đấy là chưa kể phương pháp này còn bị cản trở bởi yếu tố kỹ thuật. Những thiết bị như ăngten sẽ hoàn toàn bất lực nếu bị lồng faraday bao bọc.

Theo các chuyên gia về giông sét, không có cách phòng chống sét nào hiệu quả hơn là dự báo được trước khi nó xảy ra. Hiện nay, với thiết bị đếm số lần phóng điện trong mây, thiết bị đo cường độ điện trường, thiết bị định vị phóng điện, kết hợp với ra-đa thời tiết, các nhà khoa học Việt Nam có thể tiến hành dự báo sét tại khu vực đặt máy trước khi có sét nửa tiếng đồng hồ.

Đây được coi như một bước ngoặt trong dự báo giông sét từ trước tới nay dù, hiện thời, thiết bị này ít ỏi tới mức chỉ đủ đặt trong một trạm tại Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) và kiểm soát trong phạm vi nhỏ bé chừng 8000 m2.

Chưa biết bao giờ nhân dân mới được cung cấp “bản tin dự báo sét” từ những thiết bị  cũng rất đắt đỏ này? Nhưng dù đắt mấy, các nhà khoa học khuyến cáo một số ngành nhạy cảm như hàng không, viễn thông nên lắp đặt hệ thống dự báo sét để kịp thời ứng phó. 

MỚI - NÓNG