Ngoại ngữ "cầm chân" chứng mất trí nhớ

Ngoại ngữ "cầm chân" chứng mất trí nhớ
Độ tuổi mắc chứng mất trí nhớ ở những người nói ít nhất hai ngôn ngữ trong cuộc sống và công việc hằng ngày cao hơn tới 4 năm, so với người chỉ sử dụng một thứ tiếng, các nhà khoa học Canada khẳng định.
Ngoại ngữ "cầm chân" chứng mất trí nhớ ảnh 1
Học ngoại ngữ giúp hạn chế những phiền toái do chứng mất trí nhớ mang tới - Ảnh: fotosearch

Các nhà nghiên cứu cho biết những hoạt động liên quan tới việc sử dụng nhiều hơn một ngoại ngữ làm tăng lượng máu tới não và đảm bảo những kết nối thần kinh luôn ở trong tình trạng liên tục - hai yếu tố được cho là giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.

"Trong quá trình sử dụng hai ngôn ngữ, nhiều phần trong não bạn buộc phải hoạt động liên tục và tích cực. Điều đó khiến chúng trở nên ngày càng linh hoạt", giáo sư Ellen Bialystok, Đại học York, Toronto, Canada, phát biểu.

Nguyên nhân hàng đầu gây nên mất trí nhớ là bệnh Alzheimer, nó phá hủy dần trí nhớ của một con người. Hiện chưa có biện pháp điều trị nào tỏ ra hữu hiệu với căn bệnh này.

Nhóm nghiên cứu của Bialystok tìm hiểu 184 người cao tuổi có triệu chứng của bệnh mất trí nhớ. Họ là những bệnh nhân từng điều trị tại một bệnh viện thần kinh ở Toronto trong khoảng thời gian từ năm 2002 tới 2005. Trong nhóm đối tượng nghiên cứu, 91 người chỉ nói một ngôn ngữ, 93 người nói hai thứ tiếng.

"Ở nhóm nói một ngôn ngữ, độ tuổi mắc bệnh mất trí nhớ trung bình là 71,4, trong khi ở nhóm biết hai thứ tiếng là 75,5. Sự khác biệt này vẫn giữ nguyên ngay cả khi chúng tôi xem xét những tác động có thể phát sinh do những khác biệt về văn hóa, cơ hội học tập, tình trạng việc làm, giới tính", nhóm nghiên cứu tuyên bố.

Bialystok nhấn mạnh rằng việc sử dụng nhiều ngôn ngữ giúp trì hoãn thời điểm bắt đầu của bệnh mất trí nhớ, chứ không ngăn chặn được nó.

Theo Việt Linh
Vnexpress/Newscientist

MỚI - NÓNG