Người nông dân mê internet và những giải thưởng

Người nông dân mê internet và những giải thưởng
TP- Bác nông dân Lê Văn Thưa ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) mê internet còn hơn cả đồng ruộng. Qua internet, bác tìm thông tin, đọc tài liệu, gửi các sáng kiến của mình đi dự thi khắp nơi.

Đến nay, bác đã có trong tay hòm hòm vài ba giải thưởng, chủ yếu về lĩnh vực môi trường. Vừa qua, bác lại vinh dự ra Hà Nội nhận giải xuất sắc cuộc thi Môi trường và Phát triển do Đài tiếng nói Việt Nam và Bộ TN&MT phối hợp tổ chức.

Khi cuộc thi được phát động vào đầu năm 2007, bác Thưa gửi dự thi 4 đề tài là Cách thu gom rác ở nông thôn, Hiệu quả nuôi mèo của hợp tác xã, Bê tông hóa tác động đến môi trường, Cây rười trên cát trắng miền Trung. Trong đó, sáng kiến chống bê tông hóa được BTC đánh giá cao nhất và trao giải xuất sắc.

Đề tài này bác Thưa đã ấp ủ nhiều năm, từ ngày bác thấy xóm làng quanh mình vắng bóng cây xanh, thay vào đó là những khối bê tông cứng nhắc. “Ngay thôn tôi, quê chính gốc, vậy mà giờ cũng bê tông hóa hết. Ngay đến cái hàng rào bằng cây người ta cũng phá trọi, thay bằng tường bê tông. Giờ chỉ còn nhà tôi lọt thỏm toàn cây xanh…” – Bác Thưa trăn trở.

Nhà bác chính là mô hình chống bê tông hóa được bác đưa vào bài dự thi. Bác Thưa kể, nhà bác đơn sơ, nhỏ thôi, nhưng núp trong bóng cây xanh mát. Hàng rào chắc chắn cũng bằng cây xanh “xịn” chứ không xây gạch hay đổ bê tông.

Ý tưởng của bác là phủ xanh những khối bê tông chết hiện không chỉ là hình ảnh chủ yếu ở các đô thị, mà đã lan dần tới nông thôn. Đối với vỉa hè bê tông, cần phải tạo những lỗ nhỏ trên mặt tấm bê tông để nuôi cỏ mọc.

Nhà cao tầng cần thiết kế tạo độ bám cho cây leo, trên tầng thượng tạo không gian để trồng cây. Ở khu vực sân bay, bến cảng, đê điều, trừ phần đường đi, hai bên lề phải tạo những ô nhỏ có đất để trồng cây và cỏ. Ở khu vực nông thôn, hàng rào phải bằng cây xanh.

Vấn đề mấu chốt là cần có “cái bắt tay thật chặt” giữa ngành Xây dựng và Môi trường. Ý tưởng của bác đơn giản, nhưng được BTC đánh giá cao về tính khả thi, tính thực tiễn.

Mê sáng tạo và internet

Tại lễ trao giải diễn ra tại Hà Nội ngày 4/3 vừa qua, nhiều người xin số điện thoại của bác Thưa để có dịp gọi điện hỏi chuyện bác. Bác bảo: “Tôi nông dân không dùng điện thoại di động, liên lạc với tôi qua địa chỉ email này. Tôi ngày nào cũng check mail!”

Là bộ đội phục viên, bác Thưa về quê với ý định trở thành nông dân chính gốc, gắn bó với đồng ruộng. Thế nhưng, theo lời vợ thì bác vụng đến nỗi trồng rau má rau cũng chết. “Món” giỏi nhất của bác nông dân Thưa là mày mò ghi chép, cải tiến cái nọ, sáng tạo cái kia để cuộc sống được thuận lợi hơn. Đến nay, bác Thưa đã có trong tay gần chục sáng kiến.

Thoạt đầu là bản đồ theo dõi bão thông dụng do bác tự nghiên cứu và thiết kế bằng phần mềm photoshop, trên chiếc máy tính cũ kỹ - tài sản vô giá của bác. Với chiếc bản đồ này, chỉ cần qua sóng radio, ngư dân có thể biết được bão đang ở đâu, cách nơi họ ở bao xa và khả năng ảnh hưởng của nó như thế nào.

Tiếp đó là sáng kiến “đóng gói nước giếng” trong mùa lũ, đảm bảo nước giếng không bị nhiễm bẩn khi lũ tràn qua. Sáng kiến này xuất phát từ thực tế năm nào qua mùa lũ, người dân quê bác cũng phải mất công, mất sức thau vét lòng giếng, hoặc mua hóa chất tẩy nước giếng đã bị nhiễm bẩn khi nước lũ giâng cao, tràn qua miệng giếng.

Giải pháp là bịt chặt miệng giếng bằng vật liệu không thấm nước, khi nước bẩn rút cạn thì mở nước sạch ra dùng lại. Sáng kiến này từng đem lại cho bác giải ba cuộc thi Sáng kiến về môi trường năm 2006. Kế đến là sáng kiến khai thác nước ven đồi cát, v.v…

Tài liệu phục vụ cho những nghiên cứu của bác Thưa khó kiếm ở các hiệu sách, thư viện huyện nhà, nhưng internet thì đã về đến tận thôn! Vậy là ngày nào bác Thưa cũng ra quán net, nhờ lũ trẻ chơi game trong quán chỉ cho cách đọc báo mạng, cách tìm kiếm tài liệu, rồi tạo hộp thư. Say sưa internet đến nỗi, có tháng bác phải trả quán net tới 500.000đ.

“Người trong thôn có dạo tưởng tôi điên, già rồi còn bày đặt chát chít cùng bọn con nít. Vậy mà nhờ “tranh chỗ” chat với bọn con nít mà bây giờ tôi được giải thưởng, được công nhận đóng góp của mình rồi.” – Bác Thưa cười sảng khoái.

MỚI - NÓNG