Người ấp ủ sản xuất thuốc thử DNA tại Việt Nam

Người ấp ủ sản xuất thuốc thử DNA tại Việt Nam
TP- Chỉ với thuốc thử rẻ hơn rất nhiều so với giá bán ở Mỹ, bác sỹ có thể chẩn đoán một cách nhanh nhất và chính xác nhất xem bạn đang nhiễm khuẩn bệnh gì, kể cả bệnh ung thư.

Đó là loại thuốc thử DNA/RNA mà nhà khoa học Việt kiều Vũ Mạnh Huỳnh đang ấp ủ để chính người Việt Nam có thể sản xuất và tiến tới xuất khẩu.

Người ấp ủ sản xuất thuốc thử DNA tại Việt Nam ảnh 1
Tiến sĩ Vũ Mạnh Huỳnh

Tháng 2/2008, lần đầu tiên Tiến sỹ Hóa học Vũ Mạnh Huỳnh trở về Việt Nam sau 55 năm xa cách.

Ông được mời về Hà Nội để làm diễn giả chính trong buổi hội thảo khoa học về đề tài sản xuất DNA/RNA tại Việt Nam ở Hà Nội.

TS Vũ Mạnh Huỳnh đã dành một tuần để đi tham quan các bệnh viện ở Việt Nam. Ông đã đến thăm Viện Huyết học ở Bệnh viện Bạch Mai và được cho xem thuốc thử DNA/RNA được mua từ Mỹ.

Loại thuốc thử này được dùng rất ít vì giá quá đắt cho những bệnh nhân thông thường (10 USD cho một thử nghiệm) và cho đến giờ họ mới chỉ dám dùng nhỏ giọt đối với những bệnh nhân bị nhiễm HIV.

Các bác sỹ ở đây cho biết, nhiều bệnh viện ở Việt Nam dùng phương pháp ELISA để chẩn đoán protein độc và kháng thể. Họ chỉ dùng DNA/RNA test để kiểm chứng lại các trường hợp bệnh nhân đã có HIV (AIDS).

Các phương pháp ELISA này chỉ cho biết khi những kháng thể đã sinh sản trong cơ thể mà không cho biết là bệnh nhân nhiễm khuẩn trước khi phát bệnh và nhiễm khuẩn ở mức độ nào.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc tại các phòng thí nghiệm ở Nhật và Mỹ, TS Huỳnh thấy rằng trong khả năng của mình có thể làm được gì đó giúp đất nước. Một trong những biện pháp cấp bách mà theo ông Việt Nam cần thực hiện ngay đó là xúc tiến công nghệ DNA/RNA trong xét nghiệm.

Những căn bệnh phổ biến ngày nay như bệnh lao, ung thư tử cung... đã được thế giới áp dụng công nghệ DNA/RNA trong xét nghiệm. Trong việc chẩn đoán bệnh lao (Tuberculosis), nếu chúng ta dùng khoa học DNA/RNA, việc chẩn đoán diễn ra trong vòng 30 phút và bác sĩ có thể biết hết sức chi tiết là bệnh nhân nhiễm bệnh lao thuộc loại vi khuẩn nào, vi trùng bệnh lao này đã phát sinh ở đâu và tại sao bệnh nhân đã nhiễm bệnh để nhà nước có thể lập hàng rào y tế ngăn chặn việc lan truyền của bệnh nguy hại.

TS Huỳnh cho biết: “Nếu chúng ta trì hoãn 5 năm hay 10 năm nữa, rất có thể các vấn đề nhiễm khuẩn trong thực phẩm, thức ăn, nhiễm trùng bệnh tật sẽ tiếp tục tồn tại trong số đông dân chúng vì ngành DNA dùng trong chẩn đoán virus, vi khuẩn, nấm chưa được áp dụng sâu rộng ở Việt Nam”.

Ý tưởng sản xuất thuốc thử DNA giá rẻ

Theo TS Huỳnh, vấn đề ngăn chặn thực phẩm có chứa vi khuẩn độc hại và ngặn chặn bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Việt Nam áp dụng công nghệ cao trong hóa dược phẩm. Chỉ có khoa học DNA/RNA mới cung cấp những tín hiệu chính xác nhất.

Sở dĩ những thử nghiệm này chưa được sử dụng một cách phổ biến ở Việt Nam là vì ngành công nghệ DNA/RNA mới chỉ ứng dụng trong phạm vi nhỏ như trường đại học, sở nghiên cứu sinh học. Có nghĩa ngành DNA/RNA dùng trong việc chẩn đoán virus, vi khuẩn chưa được nâng lên hàng công nghệ ở Việt Nam.

Trong suốt thời gian làm việc ở Mỹ, TS Huỳnh đã được may mắn làm việc trong các nhóm nghiên cứu về DNA và nhất là trong những năm làm với hãng Applied Biosystem Inc.(ABI, 1988-1992), ông đã là một chuyên gia trong bộ môn thiết kế những máy tổng hợp DNA, tổng hợp các phosphoramidite A, G, C, T, và tổng hợp hóa chất màu fluorescein (FAM) dùng trong việc sản xuất DNA cho việc phân tích gen.

Sau khi từ Việt Nam trở về, TS Huỳnh trăn trở việc làm thế nào có thể phát triển công nghệ DNA ở Việt Nam, mà trước mắt là việc sản xuất que thử DNA từ những kinh nghiệm mà ông đã tích lũy được sau nhiều năm làm việc tại Nhật và Mỹ. Theo tính toán của ông, chỉ cần đầu tư một hệ thống máy móc trị giá 300.000 USD là có thể cho ra đời hai triệu sản phẩm trong một mẻ ra lò.

Với chi phí đầu tư như vậy có thể sản xuất loại dung dịch thử DNA với giá rẻ hơn rất nhiều so với nhập từ Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại trong việc chẩn đoán bệnh.

Trong cuộc trò chuyện với lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp được mời về dự Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 4 hóa sinh và sinh học phân tử phục vụ nông, sinh học và công nghiệp thực phẩm diễn ra ngày 16 và 17/10 vừa qua, TS Huỳnh đã đề cập đến vấn đề này và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Ủy ban và Ủy ban sẵn sàng làm cầu nối giúp TS Huỳnh có thể thực hiện được ý tưởng đó.

TS Huỳnh còn cho biết thêm, công nghệ hoá sản xuất DNA/RNA tại Việt Nam này sẽ giúp việc chẩn đoán vi sinh vật có hại và ngoài ra có xuất khẩu sang các nước lân cận như châu Mỹ, châu Úc, châu Phi, nếu sản phẩm của chúng ta có phẩm chất tốt. Và việc xuất khẩu này sẽ trở thành nguồn lợi kinh tế đáng kể cho Việt Nam.

Để thực hiện điều này, theo TS Huỳnh, Việt Nam, cần có một đội ngũ chuyên gia hóa học và sinh học được huấn luyện kỹ lưỡng, một nhà máy có tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice) với toàn bộ thiết bị tân tiến. Nếu quyết tâm, Việt Nam có thể ứng dụng những thành tựu mới này của khoa học trong một tương lai không xa.

MỚI - NÓNG